Pages - Menu

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

GIỮ NGUYÊN BẢN ÁN 12 NĂM TÙ ĐỐI VỚI KẺ ÂM MƯU LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN

 


Sáng 24/3 Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Trần Đức Thạch về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Trước đó, sáng 15/12/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Trần Đức Thạch.

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên sơ thẩm, cho thấy, Trần Đức Thạch cùng một số đối tượng khác đã thảo luận và thống nhất lập “Hội Anh em dân chủ” nhằm xây dựng chế độ chính trị dân chủ “đa nguyên, đa đảng” với hệ thống chính trị “tam quyền phân lập” ở Việt Nam.

Khi mới thành lập, Trần Đức Thạch được phân công giữ chức vụ “Trưởng đại diện miền Trung” của “Hội Anh em dân chủ”. Với vai trò là thành viên cốt cán thành lập “Hội Anh em dân chủ”, Trần Đức Thạch đã tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân như: Tham gia họp, hội luận các thành viên; tiến hành xây dựng cơ cấu, tổ chức; tham gia góp ý kiến để xây dựng “cương lĩnh vắn tắt của Hội Anh em dân chủ”.

Thông qua trang facebook cá nhân, Trần Đức Thạch còn soạn thảo, đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc các sự kiện kinh tế, chính trị - xã hội; bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những tài liệu này được Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An thu thập và trưng cầu giám định.

Kết luận giám định cho thấy, các tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như: Chứa nội dung xuyên tạc, chống đối, phỉ báng chính quyền, nhân dân; thông tin bịa đặt, gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân; các nội dung thông tin gây chiến tranh tâm lý. Bên cạnh đó, Trần Đức Thạch còn quan hệ với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để nhận hỗ trợ về tài chính.

Căn cứ quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Đức Thạch 12 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; đồng thời phạt quản chế 3 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù. Cho rằng mình bị oan, bị cáo Trần Đức Thạch có đơn kháng cáo với bản án phiên sơ thẩm.

Tại phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi bị cáo, xem xét, đánh giá những tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án. Quá trình tranh tụng tại phiên phúc thẩm đã làm rõ, các tài liệu, chứng cứ trong vụ án này được thu thập một cách khách quan, toàn diện, đúng trình tự quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hội đồng xét xử thấy rằng, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài nhằm mục đích chống chính quyền, lật đổ chính quyền; cùng với các đối tượng khác để liên kết với các tổ chức phản động trong và ngoài nước, tìm sự hậu thuẫn, tài trợ về tài chính tuyên truyền chống Nhà nước, với mục đích khi lực lượng đủ mạnh, chờ thời điểm phù hợp sẽ công khai hoạt động, đối đầu chính quyền, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam để xây dựng chế độ “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền phân lập”, tiến hành lật đổ chính quyền nhân dân, đi ngược lợi ích của nhân dân.

Về nhân thân, năm 2008, bị cáo đã bị xét xử, kết tội 3 năm tù và phạt quản chế 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học, mà còn tiếp tục thực hiện các hành vi như đã nêu trên.

Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm đánh giá: Việc cơ quan điều tra ở cấp sơ thẩm truy tố, đưa ra xét xử bị cáo là cần thiết. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét toàn diện, khách quan các tình tiết trong vụ án, xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bị cáo và xét xử bị cáo mức án trên là phù hợp, tương xứng với hành vi, mức độ vi phạm của bị cáo. Tại phiên phúc thẩm bị cáo cũng không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ đặc biệt nào mới.

Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo; giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Trần Đức Thạch./.

HVT-TS

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét