Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập
khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một trong những nhiệm vụ quan trọng
hàng đầu để bảo vệ độc lập, tự do là phải củng cố và tăng cường chính quyền của
Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân.
Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí
Minh nêu rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực
dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta
không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ.
Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ
phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu
cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”[1].
Sắc lệnh số 14/SL về việc tổ chức Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội)
ký ngày 8/9/1945 nêu rõ: “Xét trong tình thế hiện giờ sự triệu tập quốc dân đại
hội không những có thể thực hiện được mà lại rất cần thiết để cho toàn dân tham
gia vào công cuộc củng cố nền độc lập và chống ngoại xâm”[2].
Đây là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đầu tiên chuẩn bị cho Tổng tuyển
cử bầu cơ quan quyền lực cao nhất, nhằm bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng
Tháng Tám, từng bước hoàn chỉnh việc xây dựng và củng cố chính quyền, bảo đảm mọi
quyền lợi của Nhân dân, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với chế độ mới.
Để kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng
và tham gia một cách đầy đủ ngày hội Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội đầu
tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trên Báo Cứu quốc số 134 ra ngày 5/1/1946
đăng toàn văn Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu giúp chúng ta có thể rút ra ý
nghĩa không chỉ liên quan đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu
HĐND các cấp sắp tới mà còn trong tư cách là những cán bộ, đảng viên của Đảng.
“Ngày mai mồng 6 tháng Giêng nǎm 1946.
Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường
mới mẻ.
Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì
ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử
Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.
Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam
rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về
mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu
cũng có sức lực như một viên đạn.
Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng
dân Việt Nam ta đã:
Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ,
Kiên quyết chống bọn thực dân,
Kiên quyết tranh quyền độc lập.
Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những
người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước.
Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu
thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.
Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc
lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực
hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng.
Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng
với Tổ quốc.
Người không trúng cử, cũng không nên ngã lòng. Mình
đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó.
Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần
này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần
sau quốc dân nhất định cử ta.
Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu
cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập,
tự do”[3].
Lời kêu gọi vừa là lời tuyên truyền để nhân dân hiểu
rõ giá trị của bầu cử, nhắc nhở, dặn dò đồng bào tích cực đi bầu cử. Việc bầu cử
ra Quốc hội không chỉ “lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho
mình và gánh vác việc nước” mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng được một
chính quyền vững mạnh, cũng có nghĩa là góp phần đánh thắng được cuộc xâm lược
của thực dân Pháp. Đồng thời, nêu trách nhiệm của người trúng cử để thay mặt
nhân dân gánh vác việc nước; động viên, khích lệ những người không trúng cử.
75 năm trôi qua ý nghĩa to lớn của Lời kêu gọi quốc
dân đi bỏ phiếu và cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I vẫn vẹn nguyên giá trị
thời sự, bởi nó đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước Việt
Nam, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội
khóa I, ngày 2/3/1946. Trước kỳ bầu
cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -
2026 trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các đối tượng phản
động, chống đối, cơ hội chính trị đang tiến hành nhiều hoạt động chống phá với
tính chất hết sức quyết liệt, Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ
Chí Minh là động lực để toàn Đảng, toàn Quân, toàn dân ta thực hiện thành công
cuộc bầu cử, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bầu ra những người tiêu biểu đủ đức,
tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân./.
NTKT-H2
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG,
H.2011, tập 4, tr.7.
[2] Cục văn thư và lưu trữ nhà nước, Trung tâm
lưu trữ quốc gia III: Bảo vật quốc gia: Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm
thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946, NXB CTQG, H.2017, tr.25.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB CTQG, Hà Nội,
2011, tr.166 - 167.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét