Pages - Menu

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

RÈN LUYỆN ĐỨC TÍNH KHIÊM TỐN, CHỐNG TỰ KIÊU TỰ ĐẠI THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

 


Tự kiêu, tự đại là một căn bệnh nguy hiểm đã được Hồ Chí Minh chỉ ra từ rất sớm. Theo Người, “Tự kiêu là mù quáng, chỉ trông thấy những việc mình tưởng mình làm được, những điều mình tưởng mình biết hết; mà không trông thấy những điều mình không biết, những việc mình chưa làm được. Tự kiêu, tự đại là thoái bộ. Vì tự mãn tự túc, không cố gắng học hỏi thêm. Không theo kịp sự tiến bộ của thời đại. Tự mình ngăn trở sự tiến bộ của mình”. Từ những hệ quả, di hại của căn bệnh nêu trên. Người đặc biệt đề cao các biện pháp để khắc phục, phòng tránh. Bác Hồ yêu cầu “Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ”.

Để giáo dục cán bộ, chiến sĩ chống được bệnh tự kiêu, tự đại, tại Hội nghị cao cấp toàn quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu hai nhiệm vụ trước mắt của quân đội trong tình hình mới. Thứ nhất, xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu. Thứ hai, tích cực tham gia sản xuất để góp phần xây dựng kinh tế, xây dựng và củng cố địa phương. Để chỉ rõ những biện pháp thực hiện hai nhiệm vụ trên, Người đặc biệt yêu cầu các cán bộ quân đội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong mọi việc, tăng cường đoàn kết trong cán bộ, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa cán bộ với bộ đội Bắc - Nam, giữa bộ đội chiến đấu và bộ đội sản xuất, giữa quân và dân. Đồng thời, Bác Hồ cũng nhắc nhở quân đội ta “khi thành công càng phải khiêm tốn, chớ có tự kiêu tự đại”

Theo quan điểm của Người, khiêm tốn sẽ có sự tỉnh táo, để nhận thức được chân lý một cách đúng đắn, khách quan; đồng thời có được sự ủng hộ, tin tưởng, giúp đỡ chân thành của mọi người, cũng như đem lại cho ta nhiều khả năng cả về trí lực và vật lực để đạt đến sự thành công. Để có được đức tính khiêm tốn, mỗi cán bộ, chiến sĩ đảng viên phải luôn luôn học hỏi, không ngừng phấn đấu vươn lên, không ngừng hoàn thiện nhân cách. Đó cũng là cơ sở để đoàn kết, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân. Khiêm tốn là biểu hiện của việc tôn trọng con người, tôn trọng quần chúng. 

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải thực sự khiêm tốn, cầu thị và tôn trọng mọi người. Bác Hồ cũng chỉ rõ nếu làm ngược lại sẽ dẫn đến sự tự cao tự đại, khoe khoang, tự coi mình là “trung tâm của vũ trụ”, mà hậu quả có thể dẫn đến kiêu ngạo, tự phụ, hách dịch, xem thường người khác… Đó cũng là những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng đạo đức, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa được chỉ rõ trong Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 Khóa XII. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cần tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn nữa về sự khiêm tốn và tự suy ngẫm rút ra cho mình các bài học từ những lời dạy quý báu cũng như tấm gương đạo đức và nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, mỗi người không ngừng tự hoàn thiện bản thân, xứng đáng với vai trò và tư cách của người cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

                                                                                                    NXT - H1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét