Pages - Menu

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ QUÂN ĐỘI VỚI NHIỆM VỤ LAO ĐỘNG SẢN XUẤT, THỰC HÀNH TIẾT KIỆM

  


Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Dưới sự lãnh đạo, dìu dắt, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và luôn mang trong mình bản chất, truyền thống, với chức năng nhiệm vụ quan trọng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Vấn đề khai thác tiềm năng, thế mạnh của quân đội cho mục đích kinh tế đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Mặc dù chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chủ yếu, song bên cạnh đó, quân đội vẫn luôn tích cực tăng gia sản xuất để đáp ứng phần nào nhu cầu sinh hoạt của mình. Theo Hồ Chí Minh, đó là việc làm thiết thực để khắc phục sự bao vây, phong tỏa của kẻ thù đối với nền kinh tế nước nhà; đồng thời, làm giảm bớt phần nào gánh nặng của nền kinh tế trong việc đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi của cuộc chiến tranh thông qua việc thực hành tự cấp, tự túc đối với mọi cấp, mọi ngành, mọi cơ quan đơn vị trong quân đội. Tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất (năm 1952), Bác chỉ rõ: “Các cơ quan trong quân đội phải cố sức trồng trọt, chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của nhân dân. Tuy công việc chuyên môn vẫn là chính nhưng phải cố sức tăng gia”[1] 

Với tác phong sâu sát, tỉ mỉ, lời nói đi đôi với việc làm, Bác không chỉ yêu cầu các đơn vị trong quân đội “Phải thực hành tự cấp, tự túc bằng cách thiết thực, bằng tăng gia sản xuất”[2], mà Người còn chỉ rõ cách thức tiến hành tăng gia sản xuất, thực hành tự cấp, tự túc đối với mỗi đối tượng cụ thể, sát với đặc điểm tình hình, tính chất và yêu cầu nhiệm vụ của mỗi đối tượng. Trong tác phẩm “Đời sống mới”, Bác viết: “Bộ đội cũng phải tăng gia sản xuất. Cố nhiên những bộ đội ở trước mặt trận, phải luôn luôn lo việc đánh giặc, không có thì giờ đâu mà làm việc khác. Song, những bộ đội ở hậu phương thì cần làm, và quyết làm được. Tuỳ theo hoàn cảnh mỗi bộ đội, hoặc làm vườn, nuôi lợn, hoặc làm giúp dân. Có lúc bộ đội chia phiên nhau, lớp đánh giặc, lớp làm ruộng làm vườn, để tự cấp tự túc, không phiền đến dân cả mọi việc”[3]. Đối với các đơn vị thường xuyên cơ động, nay đây mai đó cũng cần phải tích cực tăng gia sản xuất. Trong dịp đến thăm đoàn xe đầu tiên của quân đội (3/1951), Bác căn dặn: “Các chú phải tranh thủ tăng gia để có thêm rau ăn. Dù nay đây mai đó cũng cần tăng gia. Mình không ăn thì để cho đơn vị khác ăn, nhân dân ăn. Ở đâu và ai cũng làm như thế nhất định có thêm nhiều thức ăn cải thiện”[4]. Những tư tưởng đó của Người thể hiện rõ sự kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo kế sách “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân” của tổ tiên ta đã đúc kết trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Quan niệm của Bác về hoạt động tăng gia sản xuất của quân đội hết sức thiết thực và cụ thể. Nó không chỉ là những hoạt động trực tiếp làm ra sản phẩm như: lúa, ngô, khoai, sắn, rau, đậu… mà còn bao gồm cả việc giúp dân; đánh chiếm chiến lợi phẩm của địch; bảo vệ của công; sử dụng tiết kiệm vũ khí, đạn dược, quân trang, chống tham ô lãng phí… Theo Bác: “Trong các chiến dịch thu được nhiều chiến lợi phẩm (thuốc men, lương thực, súng đạn, v.v.) bộ đội biết quý trọng nó, tiết kiệm nó để dùng nó mà đánh giặc. Như thế cũng là tăng gia sản xuất”[5].  Bác căn dặn: “Không được phung phí nhân lực, vật lực của dân… Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân; mùa tới phải gặt hộ dân; dạy bình dân học vụ cho dân quân và bộ đội địa phương ở đó… Chiến lợi phẩm cũng là của công, của nhân dân, của quốc gia, không phải của địch. Súng đạn, thuốc men, dụng cụ, lương thực là máu mủ của đồng bào, chiến sĩ ta lại phải đổ máu mới lấy lại được. Phải biết thương tiếc, giữ gìn, bảo vệ. Không được phung phí hoặc chiếm làm của riêng cá nhân”[6]. Những lời dạy đó của Người đã và đang được thực hiện có hiệu quả ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị trong toàn quân và đã trở thành nét đẹp truyền thống của quân đội ta.

Tăng gia sản xuất theo quan niệm của Bác bao giờ cũng gắn liền với tiết kiệm. Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, làm điều kiện, tiền đề cho nhau. Do đó: “Mọi thứ đều phải tiết kiệm, tăng gia mà không tiết kiệm thì vô ích. Tiết kiệm mà không tăng gia thì lấy gì mà tiết kiệm”, “sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống”, “Chỉ trên cơ sở tăng gia và thực hành tiết kiệm mới cải thiện sinh hoạt cho nhân dân, cán bộ, quân đội”[7]. Theo Bác, mục đích của tiết kiệm “không phải là bớt ăn mà là thêm ăn, làm cho bộ đội no”[8], “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân”[9]. Vì vậy, Bác luôn kêu gọi: “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước nhất là các cơ quan, các bộ đội, các xí nghiệp… Trong quân đội có quân nhu, quân giới, vận tải v.v.. là những cơ quan cần phải tiết kiệm đã đành. Các chiến sĩ cũng cần tiết kiệm và có thể tiết kiệm”[10]. Theo Bác, lương thực, vũ khí đạn dược là mồ hôi, nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ độ, do vậy mọi cán bộ, chiến sĩ “phải quý trọng nó, phải tiết kiệm ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”. Cụ thể là phải: “tiết  kiệm thuốc đạn, bắn cho đúng, không bắn phí đạn. Nhờ thế mà bớt được nguyên liệu, bớt được công khó rèn đúc, công khó vận tải, đem tài liệu và công phu đó làm việc khác. Tiết kiệm lương thực, vải vóc, chớ nghĩ rằng cơm ăn, áo mặc đã có chính phủ lo, đã có đồng bào giúp thì ta không cần tiết kiệm. Bộ đội có hàng mấy vạn người, nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại thành một số rất to”[11]. Trong thư gửi lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp của quân đội (5/1969), Bác căn dặn: “Phải giáo dục bộ đội giữ gìn tốt vũ khí, trang bị, tiết kiệm từng viên đạn, hạt gạo, không được để lãng phí”[12]. Trước khi qua đời, một lần nữa Bác lại căn dặn các cán bộ cao cấp của quân đội: “Phải xây dựng lực lượng thật tốt, chất lượng thật cao…Chú  ý tiết kiệm sức người và sức của, giữ gìn thật tốt vũ khí trang bị”[13]. Thực hiện lời dạy đó của Người, các đơn vị trong toàn quân đã và đang dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp với chủ đề “Giữ tốt, dùng bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông”. Qua đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý, sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật được giao và luôn nhận thức sâu sắc rằng, việc sử dụng tiết kiệm, hợp lý mọi nhân lực, vật lực, cơ sở vật chất kỹ thuật và tài chính mà Đảng và Nhà nước giao cho quân đội quản lý, sẽ tác động tích cực đến sự nghiệp xây dựng nền kinh tế đất nước trên cả hai bình diện: một mặt, góp phần làm tăng thêm tiềm lực quân sự và sức mạnh quân sự của đất nước. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để bảo vệ vững chắc nền hoà bình, an ninh quốc gia, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Mặt khác, sẽ làm giảm mức huy động sức người, sức của từ nền kinh tế cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội. Nhờ đó mà tiềm lực mọi mặt của đất nước tập trung được nhiều hơn cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Ngày nay, Bác đã đi xa. Song, những tư tưởng của Người về quân đội với nhiệm vụ lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm vẫn mải toả chiếu, định hướng và soi sáng cho quân đội ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó; thực hiện tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

N.X.T-H1

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr.512.

[2] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 416.

[3] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 103.

[4] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr. 193.

[5] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr. 486.

[6] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr. 109.

[7] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 8, tr. 392.

[8] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr. 513.

[9] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr. 485.

[10] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr. 486.

[11] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 104.

[12] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 12, tr. 466.

[13] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 12, tr. 456.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét