Tiến bộ xã hội theo tiếng Latinh -
Progressus nghĩa là vận động tiến về phía trước, là một kiểu, một khuynh hướng
phát triển được đặc trưng bởi bước chuyển từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến
hoàn thiện hơn của xã hội. Vậy đâu sẽ là động lực của sự tiến bộ, của sự phát
triển xã hội loài người? Có nhiều luận giải khác nhau về vấn đề này, trong đó
có những luận điệu đã cho rằng học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin đã quá đề
cao vai trò của đấu tranh giai cấp và cho đó là động lực của mọi xã hội và là động
lực duy nhất của sự phát triển xã hội. Đó thực chất là những luận điệu xuyên tạc,
cố ý làm ẩn đi bản chất đúng đắn, khách quan của học thuyết giai cấp và đấu
tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin. Mục tiêu thực chất sau những luận điệu
trên là làm cho chúng ta có những cách hiểu sai lệch vấn đề giai cấp, đấu tranh
giai cấp; từ đó coi nhẹ đấu tranh giai cấp; mất dần niềm tin vào hệ tư tưởng của
dân tộc; không tin vào đường lối của Đảng, không tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng
của đất nước. Vì vậy, cần có cách nhìn đúng đắn, cách hiểu sâu sắc vấn đề trên.
Như chúng ta biết, phát hiện ra vấn đề
giai cấp và đấu tranh giai cấp không phải là công lao của Mác. Trong thư gửi
Vây-đơ-mai-ơ ngày 5-3-1852, Mác viết: "...Tôi không có công lao là đã phát
hiện ra sự tồn tại của các giai cấp trong xã hội hiện đại, cũng không có công
lao là đã phát hiện ra cuộc đấu tranh giữa các giai cấp với nhau. Các nhà sử học
tư sản trước tôi rất lâu đã trình bày sự phát triển lịch sử của cuộc đấu tranh
giai cấp đó, còn các nhà kinh tế học tư sản thì đã trình bày sự giải phẫu kinh
tế của các giai cấp. Cái mới mà tôi đã làm là chứng minh rằng: (1) sự tồn tại của
các giai cấp chỉ gắn với những giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của sản
xuất, (2) đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản, (3) bản thân
nền chuyên chính này chỉ là bước quá độ tiến tới thủ tiêu mọi giai cấp và tiến
tới xã hội không có giai cấp" (1).
Như vậy, C.Mác không coi đấu tranh
giai cấp là động lực phát triển của xã hội nói chung như một số người quan niệm,
mà chỉ là một động lực phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp mà thôi.
Trong xã hội cộng sản nguyên thủy chưa có giai cấp, nên chưa có đấu tranh giai
cấp, và sau này trong tương lai khi xã hội không còn phân chia giai cấp nữa thì
cũng không còn đấu tranh giai cấp. Nghĩa là như C.Mác đã khẳng định, đấu tranh
giai cấp chỉ gắn với những giai đoạn lịch sử nhất định của sự phát triển xã hội.
Quan điểm khoa học về giai cấp và đấu
tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác không phải là áp đặt, bịa đặt mà phản ánh một
thực tế khách quan trong xã hội có phân chia giai cấp, đó là sự đối kháng giữa
các giai cấp: bóc lột và bị bóc lột, thống trị và bị trị, áp bức và bị áp bức.
Do đó đấu tranh giai cấp trong các xã hội này là tất yếu khách quan, góp phần
thúc đẩy cho xã hội vận động, phát triển lên những hình thái cao hơn.
Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác không bao giờ
coi đấu tranh giai cấp là động lực duy nhất trong xã hội có giai cấp. Ngoài động
lực này, như Mác đã từng chỉ ra, còn một loạt những động lực khác như sự phát
triển của lực lượng sản xuất, nhu cầu, lợi ích, lý tưởng, khoa học - kỹ thuật...
Vì vậy không nên cường điệu động lực đấu tranh giai cấp.
Đại hội XIII của Đảng ta đã hoàn thiện
quan điểm về động lực phát triển đất nước trong thời kỳ mới: “Khơi dậy mạnh mẽ
tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội
chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con
người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế
đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ,
nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi
mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Như vậy, Ðảng ta không phủ nhận đấu
tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ, song quan niệm đấu tranh giai cấp cũng như
động lực phát triển đất nước phù hợp hơn với sự thay đổi về kinh tế, chính trị,
xã hội của đất nước, với nhiệm vụ của cách mạng trong thời kỳ đổi mới./.
P.T.H.H2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét