Pages - Menu

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

Cần tỉnh táo trước những chiêu trò “tự ứng cử”

 

Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện, lan truyền “phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội” của một nhóm “các nhà dân chủ” mà theo họ, đó là một đợt “sinh hoạt chính trị” nhằm “thúc đẩy, kêu gọi quá trình học tập ở trong nước, nhất là trong giới trẻ hành động để thực thi dân quyền”.

Một phong trào như vậy thoạt nghe tưởng như thể hiện những giá trị tích cực, tốt đẹp, cần được khuyến khích nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, đó là sự giả tạo, ngụy trang bằng những vỏ bọc, lời lẽ tốt đẹp để che lấp cho những việc làm, ý đồ chống phá. Cái gọi là “phong trào tự ứng cử” kia thực ra là những hoạt động mang tính chất cá nhân nhằm phục vụ ý đồ chính trị của một nhóm người lớn tiếng tuyên bố “tự ứng cử đại biểu Quốc hội” trên mạng xã hội và dùng mọi thủ đoạn để lôi kéo, hối thúc người khác làm cùng.

Theo đại diện của các cơ quan chức năng, “phong trào tự ứng cử” của một nhóm “các nhà dân chủ” đã có từ cuộc bầu cử khóa trước, và trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, phong trào này một lần nữa lại được khơi dậy và đối tượng không ai khác ngoài các “nhà dân chủ” giả hiệu và một số văn nghệ sĩ biến chất. Càng thất vọng hơn khi mà nhìn vào những thành phần cốt cán của “phong trào” ấy, thay vì có đủ trí tuệ, bản lĩnh, uy tín để đại diện cho cử tri tham gia quản lý Nhà nước và xã hội thì người ta chỉ nhìn thấy ở họ bề dày “thành tích” chống đối, tiền án, tiền sự và cả những mâu thuẫn đến nực cười tồn tại ngay trong chính suy nghĩ của họ.

Nêu cao cảnh giác trước những chiêu bài phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 là yêu cầu cấp bách hiện nay

Có thể thấy, mục đích cuối cùng của chiêu trò “tự ứng cử” mà các “nhà dân chủ” thực hiện là nhằm phá hoại bầu cử. Đồng thời, thông qua việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, các đối tượng đánh bóng tên tuổi của bản thân trong giới “dân chủ”.

Trong đợt bầu cử này, rút kinh nghiệm sau thất bại từ những lần “tự ứng cử” các khóa trước, họ đã tính toán, chuẩn bị một cách bài bản, có lộ trình, tinh vi hơn trong chuỗi hoạt động chống phá của mình. Cùng với việc tự ứng cử, các “nhà dân chủ” cũng xây dựng trang mạng (facebook, fanpage, blog…) công khai vận động cử tri, đưa tin, hình ảnh, bài viết về những người “tự ứng cử” nhằm tô vẽ, cổ vũ tinh thần, khuếch trương thanh thế, thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội. Thành lập nhóm facebook, zalo kín để tập hợp số “tự ứng cử” cùng số đối tượng chống đối để bàn bạc thực hiện ý đồ. Họ thành lập “tổ chuyên gia tư vấn” nhằm xây dựng phương hướng, thẩm định chương trình hành động của các ứng viên; tư vấn, hỗ trợ ứng cử viên các hoạt động liên quan tự ứng cử...

Sau khi nộp hồ sơ tự ứng cử, các đối tượng trực tiếp đi vận động quần chúng nhân dân nơi cư trú ủng hộ khi ra hội nghị cử tri lấy ý kiến. Đặc biệt, các đối tượng còn lập ra các kênh truyền thông trên nền tảng của mạng xã hội, nhất là kênh Youtube, hoạt động như một kênh truyền hình để tuyên truyền ca ngợi, cổ vũ, kêu gọi ký tên ảo, bỏ phiếu online cho các “nhà dân chủ” tự ứng cử. Đưa tin, bài viết phê phán, xuyên tạc, vu cáo chính quyền, cho rằng Đảng phân biệt đối xử với những người tự ứng cử; những người “đấu tranh dân chủ” bị đưa ra “đấu tố”, “chỉ trích”, “hội nghị cử tri mất dân chủ, vi phạm pháp luật”… khi các đối tượng tự ứng cử không nhận được tín nhiệm của nhân dân tại hội nghị cử tri nơi cư trú; xuyên tạc việc tổ chức bầu cử dưới chế độ một đảng thông qua hội đồng bầu cử các cấp - “cánh tay nối dài của Đảng” là không khách quan, dân chủ, tiêu cực...

Thực tế cho thất rằng, Từ Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 cho đến tất cả những bản Hiến pháp sau này đều quy định rất rõ: Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND (Điều 18, Hiến pháp năm 1946; Điều 23, Hiến pháp năm 1959; Điều 57, Hiến pháp năm 1980; Điều 54, Hiến pháp năm 1992; Điều 27, Hiến pháp năm 2013). Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cũng quy định công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Và cho đến nay, đã có rất nhiều người tự ứng cử được cử tri nơi cư trú tín nhiệm cao, vượt qua các vòng hiệp thương để vào danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND và được cử tri nơi ứng cử tín nhiệm bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Danh sách cụ thể những người tự ứng cử đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND và danh sách những người tự ứng cử được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND các nhiệm kỳ đều rất dễ tìm thấy trên mạng internet.

Như vậy, từ chủ trương, chính sách của Đảng; quy định của Hiến pháp, pháp luật đến thực tiễn đều không có bất cứ hạn chế nào về quyền ứng cử của công dân, ngoại trừ những trường hợp không được ứng cử quy định tại Điều 37, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, người ứng cử ĐBQH phải đáp ứng tiêu chuẩn của ĐBQH quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội; người ứng cử đại biểu HĐND phải đáp ứng tiêu chuẩn của đại biểu HĐND quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Những phần tử chống đối, phá hoại bầu cử, đội lốt các “nhà dân chủ” biết rất rõ mình không thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND, đặc biệt là các tiêu chuẩn trung thành với Hiến pháp; gương mẫu chấp hành pháp luật. Ngay những hành vi chống phá Đảng, không công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá Nhà nước mà họ thực hiện đã thể hiện rất rõ họ không trung thành với Hiến pháp và không chấp hành pháp luật. Vì thế, họ rất sợ các quy trình về hiệp thương, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, nguyên tắc nghị sĩ, đại biểu Quốc hội phải trung thành với Hiến pháp là nguyên tắc được áp dụng phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới. Ngay tại Mỹ, các nghị sĩ khi đắc cử cũng phải thực hiện thủ tục tuyên thệ, thề trung thành với Hiến pháp. Nghị sĩ/đại biểu Quốc hội làm việc tại cơ quan lập pháp, nên chắc chắn không có nước nào ủng hộ nghị sĩ nước mình không tôn trọng luật pháp, không tuân thủ pháp luật.

Vậy, đằng sau chiêu trò “tự ứng cử” của các phần tử chống đối, phá hoại là gì? Họ “tự ứng cử” với hy vọng hão huyền nếu trúng cử sẽ biến Quốc hội, HĐND trở thành diễn đàn cho họ thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, gây rối hoạt động của cơ quan dân cử nói riêng và của Nhà nước nói chung, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ngay trong cơ quan dân cử của nước ta. Khi không thực hiện được mục tiêu của mình, họ quay ra bịa đặt, xuyên tạc để phá hoại bầu cử. Tuy nhiên, dù dùng âm mưu, thủ đoạn thâm độc, nham hiểm, ngụy quân tử đến mức nào, họ cũng không thể đánh lừa được cử tri. Bằng chứng là dù đợt bầu cử nào họ cũng ra sức hoạt động, ra sức “tự ứng cử” nhưng đều bị cử tri nơi cư trú vạch mặt thẳng thừng. Vì cử tri cực kỳ sáng suốt, nên họ chưa và sẽ không bao giờ thực hiện được mưu đồ thiếu tử tế của mình./.

                                                                              N.Đ.V - H2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét