Pages - Menu

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

GIỮ VỮNG VÀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN - GÓC NHÌN TỪ VẤN ĐỀ MYANMAR.


        Tổng thống Myanmar Win Myint, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và một loạt nhân vật cấp cao khác của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền bị Quân đội bắt hôm 1/2/2021. Người phát ngôn của NLD Myo Nyunt sau đó xác nhận thông tin và nói rằng với những gì đang diễn ra thực sự là một cuộc đảo chính.

Quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp ngay trong sáng 1/2 và tuyên bố quyền lực được giao lại cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing. Quân đội Myanmar cũng tuyên bố sẽ kiểm soát chính quyền trong vòng 1 năm. Binh lính đã được triển khai bên ngoài tòa nhà chính quyền Thủ đô Naypyitaw và tòa thị chính thành phố Yangon. Hệ thống viễn thông, truyền hình, Internet ở Myanmar gián đoạn.

 Tương tự như ở Thái Lan, quân đội ở Myanmar có vị thế đặc biệt và rất hay nắm quyền. Tại Thái Lan, quân đội đã nhiều lần làm đảo chính và thiết lập chính quyền quân sự lâm thời. Trong thời gian gần đây, quân đội Myanmar không thực hiện nhiều cuộc đảo chính như Thái Lan nhưng thời gian họ nắm giữ chính quyền nhà nước lại kéo rất dài. Sau cuộc đảo chính năm 1962, quân đội Myanmar đã duy trì chính quyền quân sự suốt từ đó đến 2011. Điểm chung giữa quân đội Thái Lan và quân đội Myanmar là không nằm dưới sự lãnh đạo của bất kỳ một chính đảng nào. Họ có quyền lực rất to lớn và được phép nắm quyền trong trường hợp khẩn cấp.

Việc quân đội Myanmar tiến hành đảo chính được xem là hệ quả tất yếu của những mâu thuẫn kéo dài giữa quân đội với chính phủ dân sự cầm quyền ở quốc gia này. Cuộc đảo chính gây ra những hậu quả to lớn đối với nền kinh tế Myanmar vốn đang bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đồng thời gây mất ổn định chính trị, đẩy người dân vào vòng xoáy bạo lực, biểu tình. Tạo cơ hội cho các thế lực thù địch nổi dậy chống phá. Cuộc đảo chính ở Myanmar có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng sự kiện này có liên quan trực tiếp tới vấn đề “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Từ cuộc chính biến ở Myanmar, bài học sâu sắc được rút ra với chúng ta:

 Một là: giữ vững nguyên tắc và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, quân đội nhân dân nói riêng. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội được khẳng định và thực hiện ngay từ khi Quân đội mới thành lập cho đến nay, thông qua cơ chế, phương thức lãnh đạo phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Tuy cách diễn đạt có sự khác nhau, như: “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện”, “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, thống nhất về mọi mặt”, “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội”, nhưng về bản chất đều là một, đó là khẳng định quyền độc tôn lãnh đạo Quân đội thuộc về Đảng. Sự lãnh đạo đó được biểu hiện tập trung ở những vấn đề cơ bản: xác định đường lối quân sự, quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân; phát triển khoa học, nghệ thuật quân sự; đảm bảo vũ khí, trang bị, nuôi dưỡng bộ đội; tiến hành công tác đảng, công tác chính trị…

Hai là: tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao để lãnh đạo toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Quân Sự, Quốc Phòng, bảo vệ Tổ quốc. Cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, làm cho chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng bộ Quân đội. Trên cơ sở đó, chủ động đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng, sự đoàn kết, thống nhất trong Quân đội, đảm bảo cho Quân đội luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, vững vàng trước những khó khăn, thử thách.

Ba là: coi trọng phát huy hiệu lực CTĐ, CTCT trong quân đội, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Bản chất CTĐ, CTCT là hoạt động lãnh đạo. Phát huy hiệu lực CTĐ, CTCT chính là giữ vững và phát huy sự lãnh đạo của Đảng với các mặt hoạt động, các nhiệm vụ của Quân đội, góp phần xây dựng tổ chức, con người, xây dựng QĐND vững mạnh về mọi mặt trên cơ sở vững mạnh về chính trị. Bởi vậy, CTĐ, CTCT trong Quân đội phải bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, Quân đội và những tác động của tình hình quốc tế để chủ động giải quyết những vấn đề về nhận thức, tư tưởng chính trị, thấy rõ những thuận lợi, khó khăn, đề ra nội dung, hình thức, biện pháp hoạt động phù hợp.

Bốn là: kiên quyết đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Thực chất của “phi chính trị hóa” quân đội là nhằm tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm cho quân đội mất phương hướng chính trị, xa rời lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu, không còn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu, công cụ bạo lực sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân để chúng dễ bề thực hiện mưu đồ làm chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta. Bài học đắt giá về sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX, các cuộc đảo chính ở Thái lan, Myanmar vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục để đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng trong toàn quân thấy rõ sự nguy hiểm của âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch./.

NHĐ-BS

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét