Pages - Menu

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

LẬT TẨY NHỮNG CHIÊU TRÒ CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH ĐỐI VỚI BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV

 

Cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được tổ chức trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra thành công tốt đẹp; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố bất ổn mới. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân theo Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2015 (Vừa được bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (vừa được bổ sung một số điều theo Luật số 47/2019/QH14), Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 đã và đang đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này được Đảng, Quốc hội, Chính phủ xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong năm 2021; là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân để lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội - Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; các đại biểu đại diện cho nhân dân địa phương tại Hội đồng nhân dân các cấp - Cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trong khi các cơ quan chức năng đang tích cực làm công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thì các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị cũng ráo riết tiến hành các hoạt động chống phá.

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là trách nhiệm của mỗi công dân, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là dịp để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế nhưng, bằng việc xuyên tạc thông tin, đưa ra hoặc trích dẫn vô căn cứ, thiếu trung thực, phiến diện, quy chụp, đặc biệt thông qua các bài viết trên mạng xã hội, các đối tượng phản động đang mưu đồ hướng dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử, nhằm nhận thức sai lệch các vấn đề liên quan đến hoạt động bầu cử. Đây là trò hề của đám dân chủ cuội trước thềm bầu cử mà thôi.

Thứ nhất, chúng xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử.

Luận điệu quen thuộc của chúng là đưa ra những nhận định sai lệch, cho rằng, việc bầu cử ở nước ta chỉ là hình thức, là những “màn kịch dân chủ” do Đảng “độc tài” - Đảng Cộng sản Việt Nam dựng lên, thậm chí chỉ là câu chuyện “nội bộ” trong giới cầm quyền. Từ đó, chúng quy kết cuộc bầu cử do Đảng ta lãnh đạo là không chính danh, không đúng quy định của pháp luật, cản trở quyền bầu cử của người dân. Chúng đưa ra những thứ gọi là “đấu tranh dân chủ”, “tự do bầu cử”, theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam không được “can thiệp” vào công tác bầu cử của nhân dân, tức là không được lãnh đạo, phải “tự rút lui”, trả lại quyền lãnh đạo cho tổ chức khác theo đa nguyên, đa đảng thì mới có “dân chủ” ở nước ta.

Luận điệu trên là hoàn toàn phi thực tế. Bởi lẽ, trong Hiến pháp, pháp luật và cũng thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng, sự thừa nhận của toàn dân, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tại Khoản 1, Điều 4, Chương I, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”[1]. Do đó, Đảng lãnh đạo đối với công tác bầu cử không những đúng quy định của pháp luật mà còn hợp lòng dân. Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị Về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 nêu rõ: “Lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật”[2]. Sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm sự thống nhất trong công tác bầu cử; góp phần lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công tác bầu cử là “trò hề” lố lăng của đám dân chủ cuội mà thôi.

Thứ hai, chúng hô hào, vận động, ráo riết chuẩn bị cho những “đại biểu” tự do "tự ứng cử" và các hoạt động gây rối, phá hoại cuộc bầu cử.

Biết là không thể vượt qua “vòng gửi xe” khi tham gia vào lực lượng lãnh đạo, điều hành đất nước, song các tổ chức, cá nhân trở cờ, biến chất, cơ hội chính trị, dưới sự “bảo hộ” của các thế lực thù địch, phản động luôn hô hào, vận động, ráo riết chuẩn bị cho những “đại biểu” tự do "tự ứng cử" trong mỗi lần bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Chúng không từ một thủ đoạn bỉ ổi nào để tiến hành các hoạt động trên. Mục đích của chúng chẳng phải vì chấn hưng dân tộc, thực hiện quyền làm chủ của người dân mà chỉ muốn đánh bóng tên tuổi, biến tướng của thứ “dân túy”, cản trở, phá hoại cuộc bầu cử. Khi không đạt được mục đích, các đối tượng này lại “ăn vạ”, “la làng”, vu khống, đổ lỗi do chế độ là “độc tài”. Những hành động đó tạo cớ cho các thế lực thù địch xuyên tạc, công kích công tác bầu cử của Việt Nam.

Để hỗ trợ cho các “đại biểu” thuận lợi “tự ứng cử”, chúng cũng đẩy mạnh các hoạt động gây rối, phá hoại cuộc bầu cử. Trên nhiều trang mạng xã hội của đám “tự do dân chủ” đang lan truyền những bài viết “sắp xếp nhân sự” cho các chức danh lãnh đạo, điều hành đất nước, nhất là chức danh chủ chốt ở Trung ương. Các đối tượng xuyên tạc rằng, bầu cử chỉ là hình thức, quyền lực thực sự đã được các “phe nhóm” của Đảng “an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia”. Ngoài ra, trước vấn đề về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đặc biệt về số lượng đại biểu là người ngoài Đảng, các đối tượng cơ hội chính trị cũng tích cực chọc ngoáy, xuyên tạc, biến tướng bản chất vấn đề. Vậy đâu là sự thật?

Chúng cho rằng, bầu cử ở Việt Nam là áp đặt, mất dân chủ, người dân phải “ăn một mâm cơm cỗ” do Đảng Cộng sản “dọn sẵn”, là xuyên tạc, bịa đặt với dụng ý xấu, hòng phủ nhận bản chất tốt đẹp của chế độ ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong những ngày này, các tầng lớp nhân dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước đang nỗ lực thi đua lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho sự thành công của cuộc bầu cử với niềm tin tưởng và tự hào chính đáng. Đó thực sự là ngày hội của toàn dân, chứ không phải là sân chơi “độc diễn” của Đảng như sự xuyên tạc xằng bậy của một số người. Luận điệu xằng bậy này không đánh lừa được ai, nhất định bị phá sản.

Việc lựa chọn những ứng cử viên để bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được tiến hành theo đúng quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Mọi công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Các đại biểu phải thực sự: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ; Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm[3]…. Chúng ta cũng“Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”[4].

Còn những kẻ tự xưng là “đại biểu” để “tự ứng cử” thì ai cũng rõ. Nhân dân có dành lá phiếu (gửi gắm niềm tin, kỳ vọng của mình) bầu cho những “đại biểu” mà lợi ích của họ đi ngược lại với lợi ích của đất nước, của nhân dân, luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận cơ đồ, thành quả của đất nước mà biết bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ mới giành được, chống phá Đảng, Nhà nước, gây rối, phá hoại sự nghiệp đổi mới của dân tộc? Chắc chắn chuyện đó không xảy ra, nó chỉ là sự hoang tưởng của đám dân chủ cuội mà thôi!

Như vậy, những hành động của những kẻ trở cờ, thoái hóa biến chất, cơ hội chính trị trước thềm bầu cử chỉ để phá hoại bầu cử, cài cắm các “mầm mống dân chủ giả hiệu” vào lực lượng lãnh đạo, điều hành đất nước nhằm biến nghị trường trở thành diễn đàn để các đối tượng thực hiện hoạt động chống phá, hình thành lực lượng đối lập với Đảng, Nhà nước, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và hiện thực hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”, làm nước ta tự suy yếu từ bên trong.

Do đó, bên cạnh việc nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, quy trình, quy định bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, chúng ta cần nhận diện và đấu tranh làm thất bại những “trò hề” của các thế lực thù địch, phản động, góp phần vào sự thành công sự kiện chính trị trọng đại này của đất nước./.

NTP-H2

 

 



[1] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2016, tr.12.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị Về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tr.2.

[3] Luật Tổ chức Quốc hội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.17,18.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị Về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tr.2.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét