Pages - Menu

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

LUẬT HẢI CẢNH MỚI CỦA TRUNG QUỐC – NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÁNG LO NGẠI

Ngày 22/1/2021, Trung Quốc đã thông qua Luật Hải cảnh (LHC) mới, với 11 chương, 84 điều. Luật có hiệu lực từ ngày 1/2. Ngay khi mới ban hành, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc được cả thế giới quan tâm, gây bức xúc cho nhiều quốc gia. Nội dung của Luật nổi lên một số vấn đề cần lưu ý, đó là:

Thứ nhất, điểm nổi bật, xuyên suốt của luật là hải cảnh Trung Quốc có quyền áp dụng tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí, nhằm vào tàu thuyền nước ngoài. Chủng loại vũ khí sử dụng rất đa dạng, từ "vũ khí cầm tay" đến "các vũ khí trên tàu hoặc trên máy bay", tùy theo tình huống.

Thứ hai, luật quy định tình huống được sử dụng vũ khí, công cụ, phương tiện khá rộng: Khi truy đuổi, ngăn chặn, buộc tàu thuyền nước khác dừng lại, để lên tàu, kiểm tra; khi xua đuổi, cưỡng chế, lai dắt tàu thuyền…; khi gặp trở ngại, phương hại đến thực thi nhiệm vụ; trong tình huống khác cần phải dừng hành vi phạm tội, phạm pháp ngay tại chỗ… LHC còn cho phép phá hủy các công trình nước khác xây dựng trên vùng biển, đảo, đá; thiết lập tạm thời vùng cấm di chuyển… mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền. Nhiều tình huống sử dụng vũ lực phụ thuộc vào ý chí chủ quan, cảm nhận chủ quan của hải cảnh: những hoạt động theo họ là phi pháp, nếu cảnh báo không kịp hoặc sau khi cảnh báo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn.

Thứ ba, điều nguy hiểm nhất là phạm vi áp dụng "trong vùng biển thuộc quản lý của Trung Quốc". Theo yêu sách "đường 9 đoạn" và "thuyết Tứ Sa" của Bắc Kinh, hầu hết Biển Đông, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của các nước khác, đều có thể coi là thuộc quyền quản lý, tài phán của Trung Quốc! Đây là điều hoàn toàn phi pháp. Các "đường biên giới" yêu sách này rất mơ hồ, không có mốc, tọa độ cụ thể, nên bất cứ tàu thuyền nước nào cũng có thể bị hải cảnh quy là "xâm phạm phi pháp" và có thể nổ súng nếu muốn!

Thứ tư, nhiều học giả cho rằng LHC mới vi phạm rõ ràng, trái với quy tắc "không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực…" của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Luật quốc tế chỉ cho phép sử dụng vũ lực trong tình huống thực sự cần thiết, kèm theo các điều khoản hạn chế, coi đó là "biện pháp cuối cùng", để tự vệ và tránh gây nguy hại đến tính mạng con người. Tuy nhiên, LHC của Trung Quốc không tuân thủ tinh thần đó.

Việc chính quyền Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh hải cảnh, cho phép lực lượng này sử dụng vũ khí đã thể hiện thông điệp rằng: Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển. Đồng thời, Trung Quốc càng thể hiện rõ mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Ngay sau khi Luật được ban hành, cộng đồng quốc tế đã phản đối hết sức mạnh mẽ. Một số nước ra công hàm phản đối. Truyền thông, quan chức nhiều nước bình luận, phê phán, cho rằng luật này gây tăng thêm căng thẳng cho vấn đề Biển Đông.

Vì Luật Hải cảnh là biểu hiện của chủ nghĩa cường quyền, hành vi cưỡng đoạt, cưỡng chiếm, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Trước đây, tàu hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm vùng biển các nước, đâm va, hủy hoại tài sản của ngư dân. Với Luật Hải cảnh mới, họ càng hung hăng hơn. Do đó, phản đối Luật Hải cảnh là ngăn chặn các hành vi đó, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân sinh sống, làm ăn trên biển.  Phản đối Luật Hải cảnh là bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ trật tự thế giới, khu vực, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Trước vấn đề này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần nhận thức đúng tính chất sai trái của Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc; quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề này để kích động nhân dân, gây bạo loạn và những hành động phi pháp khác./.

NMH-H1

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét