Quân đội nhân
dân Việt Nam được Đảng, Bác Hồ trực tiếp tổ chức, xây dựng, lãnh đạo, giáo dục,
rèn luyện; luôn trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, với dân tộc.
Sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng,
Bác Hồ, sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân. Đó là sức mạnh của một quân đội từ
nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, biết kế thừa và phát huy truyền thống
anh hùng, bất khuất của dân tộc, đã sát cánh cùng với nhân dân, với dân tộc lập
nên những thắng lợi vĩ đại, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, hoàn thành sự
nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Ngày nay, trước yêu cầu mới, Đảng
ta chủ trương xây dựng “Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Cách mạng, chính
quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng tiến thẳng
lên hiện đại"[1].Với chủ trương, phương
hướng đúng đắn đó, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta
không ngừng được nâng cao, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi đường
lối đổi mới của Đảng, nhằm đạt tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công
bằng, dân chủ, văn minh. Để đạt được mục tiêu đó, đặt ra những yêu cầu mới đối
với việc xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh toàn diện, đủ sức làm nòng cốt
cho toàn dân đập tan mọi mưu đồ chống phá, xâm lược dưới mọi hình thức của các
thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ cuộc sống lao
động hòa bình của nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong điều kiện, dất nước ta hiện
đang đứng trước những thời cơ rất thuận lợi, nhưng cũng không ít những nguy cơ,
thách thức. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Hơn nữa, trong điều
kiện khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, dẫn đến nhiều biến đổi lớn trong
đời sống xã hội trên cả hành tinh, đến việc ra đời những học thuyết quân sự
mới, sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao…Mặt
khác, các thế lực thù địch đang tiếp tục thực hiện chiến lược "diễn biến
hòa bình", bạo loạn lật đổ, chống phá ta trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính
trị, tư tưởng, văn hóa, lối sống, hòng làm cho chúng ta tự diễn biến, tự chuyển
hóa tiến tới lật đổ Đảng, lật đổ chế độ, buộc đi theo quỹ đạo của họ; bọn phản
động người Việt lưu vong ở nước ngoài ra sức tuyên truyền xuyên tạc đường lối,
chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vu cáo chúng ta vi phạm nhân quyền,
dân chủ, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; phủ nhận những thành tựu
phát triển của đất nước qua 35 năm đổi mới; phối hợp với bọn phản động trong
nước tổ chức hoạt động chống phá, gây rối... ở một số nơi, nhất là trên những
địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, làm mất ổn định an ninh chính
trị - xã hội. Vì vậy, việc đấu tranh giữ vững hòa bình, bảo vệ độc lập dân tộc
và chủ nghĩa xã hội đang diễn ra trên những mặt trận phi vũ trang như: kinh tế,
chính trị, tư tưởng, văn hóa, lối sống; đồng thời vẫn tồn tại khả năng đấu
tranh vũ trang và chiến tranh trên các quy mô, dưới các hình thức. Cuộc đấu
tranh đó lại diễn ra theo một hình thái mới, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, khác
với trước kia đối đầu vũ trang là chính. Do đó, “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ
quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ
XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; bảo vệ
lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và
nền văn hoá; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình, phát triển đất nước”[2]. Chính vì vậy, sức
mạnh bảo vệ Tổ quốc ngày nay phải là sức mạnh tổng hợp: chính trị, tư tưởng,
kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; quán triệt tư tưởng
"lấy dân làm gốc", phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân
tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành
thống nhất của Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân làm
nòng cốt; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, hiện đại hóa trang bị, vũ
khí kỹ thuật đi đôi với việc không ngừng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân
gắn với thế trận an ninh nhân dân phù hợp với hoàn cảnh mới. Giữ vững môi
trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, duy trì nền
hòa bình lâu dài, đẩy lùi nguy cơ can thiệp quân sự và xung đột vũ trang, không
để xảy ra bạo loạn và "tự diễn biến"; ngăn chặn, đẩy lùi mưu toan
"diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn
lãnh thổ của Tổ quốc. Cho nên, yêu cầu chiến lược quốc phòng, an ninh và đối
ngoại quan hệ chặt chẽ, tác động hỗ trợ, gắn bó mật thiết với nhau, đồng thời
dựa chắc trên cơ sở của chiến lược kinh tế - xã hội, chiến lược xây dựng đất
nước trong thời kỳ mới.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ
trên, phải tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ,
từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, làm nòng
cốt cho toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố hòa bình, giữ vững ổn định
chính trị, đánh bại chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ
của các thế lực thù địch; đồng thời luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đánh
thắng mọi kẻ thù xâm lược dưới bất cứ quy mô và hình thức nào, hoàn thành tốt
chức năng đội quân chiến đấu, lao động sản xuất và công tác trong thời kỳ mới.
Sức mạnh chiến đấu của Quân đội
nhân dân cũng là sức mạnh tổng hợp, dựa trên cơ sở tổ chức khoa học, cơ cấu tổ
chức lực lượng hợp lý, phù hợp với tình hình mới. Trong đó, chú trọng xây dựng
Quân đội nhân dân vững mạnh toàn diện. Bởi vậy, xây dựng Quân đội nhân dân vững
mạnh về chính trị là một nội dung cơ bản xuyên suốt quá trình xây dựng quân
đội, nhất là trong tình hình hiện nay. Đây cũng là nền tảng để Quân đội ta xác
định rõ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; đấu tranh ngăn chặn, đánh bại mọi âm mưu
và hành động của các thế lực thù địch trên mặt trận lý luận, chính trị, tư
tưởng, văn hóa...; bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan
điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những thành tựu
to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 20 năm thực hiện đường lối đổi mới đã tác động
tích cực, có độ tin cậy và sức thuyết phục cao đến toàn bộ hoạt động và hiệu
quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong quân đội. Cán bộ, chiến sỹ nhất
trí cao với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, lòng tin
và bản lĩnh chính trị được củng cố. Toàn quân luôn luôn nêu cao ý thức gắn kết
nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ chống "diễn biến hòa bình",
bạo loạn lật đổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Việc xây dựng Quân đội nhân dân
vững mạnh về chính trị trong tình hình hiện nay cần tập trung giáo dục cán bộ,
chiến sỹ nhằm khơi dậy và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc trong
điều kiện lịch sử mới. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần cộng đồng, đoàn
kết dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, sẵn sàng xả thân vì độc
lập, tự do của Tổ quốc, vì tương lai của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Những giá trị tinh thần đó truyền từ đời này sang đời khác, là nguồn sức mạnh
của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước
và giữ nước của dân tộc. Ngày nay, chúng vẫn là nguồn sức mạnh to lớn đối với
sự nghiệp đổi mới và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc.
Đất nước đã hòa bình, độc lập,
thống nhất, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, thực hiện kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập, hợp tác với các nước trong khu
vực và thế giới để phát triển. Thế nhưng, con người phải vật lộn với cuộc sống
hằng ngày trong cơ chế thị trường đầy khắc nghiệt và phải luôn đối mặt với
những tiêu cực của xã hội, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, âm mưu phá hoại
độc lập dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta của các thế lực thù địch
được che đậy dưới những chiêu bài và hình thức hết sức tinh vi, thâm độc, thì
yêu cầu của việc giáo dục chính trị, tư tưởng phải thực sự khoa học, có sức
thuyết phục. Hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng gắn bó chặt chẽ,
tác động biện chứng với cuộc đấu tranh chống các quan điểm cơ hội về chính trị,
các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
và đấu tranh chống các tệ nạn tiêu cực của xã hội. Do đó, chất lượng, hiệu quả
của việc giáo dục chính trị, tư tưởng, phát huy truyền thống cách mạng của Quân
đội ta hiện nay chính là thể hiện tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức chăm lo
xây dựng tiềm lực mọi mặt của đất nước; xây dựng sức mạnh tổng hợp của Quân đội
nhân dân, nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, sẵn sàng chuyển thành thế trận
chiến tranh nhân dân, đánh thắng kẻ thù xâm lược, nếu chúng liều lĩnh xâm lược
nước ta bằng bất cứ hình thức nào.
Trên cơ sở xây dựng Quân đội nhân
dân vững mạnh về chính trị, phấn đấu tạo sự chuyển biến vững chắc hơn, toàn
diện hơn về chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân.
Tiếp tục chấn chỉnh ổn định tổ chức, biên chế cơ quan, đơn vị phù hợp với yêu
cầu thời bình và sẵn sàng đối phó có hiệu quả các tình huống có thể xảy ra.
Cần xây dựng đội ngũ cán bộ có số
lượng, cơ cấu hợp lý, đồng bộ, chất lượng cao. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán
bộ chủ trì cấp chiến dịch, chiến lược, cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc
phòng, an ninh, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm pháp luật của
Nhà nước. Có chính sách phù hợp nhằm phát huy năng lực, trình độ, kinh nghiệm
của đội ngũ sỹ quan đã được rèn luyện, thử thách trong chiến đấu, bảo đảm vững
chắc trong quá trình chuyển tiếp các thế hệ cán bộ, tăng tỷ lệ cán bộ khoa học
quân sự có trình độ và chuyên gia đầu ngành. Thường xuyên củng cố, kiện toàn cơ
quan tham mưu, cơ quan chính trị, hậu cần các cấp và đội ngũ cán bộ theo hướng
gọn, mạnh, hợp lý, thực sự là những cơ quan vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực,
hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ. Có chủ trương, chính sách và giải pháp phù
hợp để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động ở những địa bàn khó khăn,
phức tạp; đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục,
huấn luyện. Công tác giáo dục, huấn luyện phải lấy yêu cầu đánh bại chiến lược
"diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và sẵn
sàng đánh thắng các loại hình, các quy mô chiến tranh xâm lược của địch trong
điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trong huấn luyện cần bám sát
phương châm "Cơ bản, thiết thực, vững chắc"; coi trọng huấn luyện
đồng bộ và chuyên sâu, sát đối tượng tác chiến, sát thực tế chiến đấu, sát yêu
cầu nhiệm vụ địa bàn hoạt động của từng lực lượng, từng đơn vị, phù hợp với tổ
chức biên chế, khả năng trang bị hiện nay và những năm tới; phù hợp với nghệ thuật
quân sự, kinh nghiệm chiến đấu và cách đánh truyền thống Việt Nam. Huấn luyện
cho bộ đội tác chiến giỏi bằng vũ khí trong biên chế, thuần thục khi được tăng
cường vũ khí kỹ thuật có hàm lượng công nghệ cao; tác chiến hiệp đồng quân binh
chủng ở các quy mô. Từng bước tiếp cận huấn luyện, khai thác sử dụng các loại
vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật công nghệ cao... Đồng thời, chú trọng đúng
mức đến huấn luyện lực lượng dự bị động viên và lực lượng dân quân, tự vệ, bảo
đảm nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của từng lực lượng.
Các học viện, nhà trường quân đội
cần tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến căn bản về phương pháp dạy, học và công
tác quản lý. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục;
tích cực đầu tư nâng cấp trang thiết bị dạy và học, mở rộng liên kết đào tạo
trong và ngoài quân đội, hợp tác quốc tế, thiết thực góp phần nâng cao trình
độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội. Tiếp tục hoàn thiện
phương thức bảo đảm hậu cần quân đội, tập trung xây dựng, hoàn chỉnh thế trận
hậu cần khu vực phòng thủ chung của đất nước, chủ động tạo thế, tạo lực hậu cần
ngay từ trong thời bình; tích cực xây dựng các căn cứ hậu cần; kết hợp chặt chẽ
hậu cần nhân dân, hậu cần tại chỗ với hậu cần quân đội tạo thế trận hậu cần
vững chắc bảo đảm cho lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân chiến đấu.
Quản lý hậu cần chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các phương tiện vận tải và xăng
dầu ở các cấp, cả lượng dự trữ và thường xuyên, quán triệt quan điểm cần kiệm,
tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ
đội.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa
học - nghệ thuật quân sự. Công tác nghiên cứu khoa học - nghệ thuật quân sự cần
tích cực đổi mới để đạt tới trình độ xây dựng hệ thống lý luận về đường lối,
quan điểm quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh nhân dân bảo
vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Trong quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ giữa kế
thừa những tinh hoa truyền thống với tổng kết thực tiễn về quân sự, quốc phòng
qua các cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Nghiên cứu phát triển lý luận
nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới,
trước một đối tượng tác chiến được trang bị vũ khí công nghệ cao. Đồng thời,
nghiên cứu ứng dụng các thành tựu mới của khoa học - công nghệ, đặc biệt là
công nghệ tin học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu hóa... vào các
lĩnh vực hoạt động quân sự; bảo quản, sửa chữa, cải tiến, thiết kế, chế tạo,
tiếp thu chuyển giao công nghệ sản xuất quốc phòng, rút ngắn khoảng cách với
các nước trong khu vực. Coi trọng việc chỉ đạo nghiên cứu ứng dụng công nghệ
tiên tiến để nâng cao quy mô trình độ hiện đại hóa tổ chức chỉ huy.
Bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thuộc chức năng, nhiệm vụ của Quân đội
nhân dân. Vì vậy, cần làm cho mọi cán bộ, chiến sỹ, coi quá trình bảo vệ và xây
dựng là thống nhất biện chứng; xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước thâm nhập
vào nhau, gắn bó hữu cơ với nhau, trong xây dựng đã có yếu tố bảo vệ và ngược
lại; xây dựng là "gốc" của bảo vệ, nhưng bảo vệ là yếu tố không thể
thiếu của xây dựng. Hai nhiệm vụ chiến lược đó phát huy tác dụng ngay từ bây
giờ để giữ vững hòa bình, ổn định, phát triển đất nước.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước sẽ dẫn đến việc hình thành những trọng tâm kinh tế mới, nhất
là vùng duyên hải với lợi thế về giao lưu kinh tế, lao động, tài nguyên, v.v..
Cùng với nó là sự phát triển kết cấu hạ tầng ở những khu vực này. Điều đó, đặt
ra những vấn đề mới trong tư duy chiến lược quân sự, quốc phòng. Nó đòi hỏi
phải bổ sung, điều chỉnh kế hoạch quân sự, quốc phòng trên từng khu vực phòng
thủ, từng hướng chiến lược cũng như trên phạm vi cả nước, tạo thế bảo vệ các
trọng điểm kinh tế. Hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng đứng
chân trên các địa bàn chiến lược vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo,
trước hết là bảo toàn, phát triển năng lực, làm cho đơn vị đứng vững được và
từng bước vươn lên trong cơ chế thị trường, tạo ra thế bố trí chiến lược mới
của đất nước về kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, tạo nền tảng
chính trị - xã hội xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên
các địa bàn chiến lược đó.
Kế thừa và Phát huy truyền thống
, Quân đội nhân dân tiếp tục củng cố vững chắc trận địa chính trị, tư tưởng của
Đảng trong quân đội, nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu,
trước hết là bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực. Cán bộ, chiến sỹ
luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự
nghiệp đổi mới và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xứng đáng
là lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang trung thành, tin cậy, sắc bén của
Đảng, Nhà nước và của dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa trong thời kỳ mới.
NXT- H1
[1] Đảng Cộng sản Việt nam, Văn kiện
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr. 48
[2]
Đảng Cộng sản Việt nam, văn
kiện Đại hội XIII, tập 1, tr.67
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét