Hiện nay, con người đang ở thời kỳ tiến bộ công nghệ, tự động hoá, số người trực tiếp đứng máy sản xuất ra sản phẩm hàng hoá được giảm thiểu rất đáng kể. Tuy nhiên, dựa vào hiện tượng này để cho rằng: giá trị thặng dư là do máy móc tạo ra chứ không phải là do người lao động tạo ra thì sẽ không đúng - đây là quan điểm sái trái nhằm che đậy bản chất bóc lột giá trị thặng dư của các nhà tư bản đối với công nhân lao động làm thuê.
Thứ nhất, khi phân tích giá trị
thặng dư, C.Mác đã phân chia tư bản thành tư bản bất biến và tư bản khả biến.
Quá trình sản xuất, tư bản bất biến được chuyển nguyên vẹn vào giá trị sản phẩm
dưới dạng khấu hao, còn tư bản khả biến có sự biến đổi về lượng, thành lượng
giá trị mới cao hơn bản thân nó. Điều bí mật này chính ở chỗ giá trị sử dụng
đặc biệt của hàng hoá sức lao động. Sau khi mua sức lao động, quá trình sử dụng
nó, giá trị không mất đi mà còn tăng lên. Đồng thời, C. Mác cũng chỉ rõ, cùng
với tiến bộ kỹ thuật, cấu tạo hữu cơ của tư bản tăng lên, trong đó tư bản bất
biến tăng lên cả tương đối và tuyệt đối, còn tư bản khả biến tuy có giảm đi
tương đối nhưng lại tăng lên tuyệt đối, làm cho tỷ suất lợi nhuận có xu hướng
giảm đi, nhưng khối lượng lợi nhuận vẫn tăng lên. Như vậy, C.Mác phân tích tư
bản với tính cách là giá trị mang lại giá trị thặng dư ứng với từng bộ phận cấu
thành sản xuất tư bản chủ nghĩa: tư liệu sản xuất và sức lao động, chứ không
phải là mặt hiện vật của tư liệu sản xuất hay số lượng, chất lượng công nhân.
Tiền công của một công nhân kỹ thuật cao hiện nay có thể ứng với một lượng tư
bản khả biến và tạo ra lượng giá trị thặng dư gấp nhiều lần so với một công
nhân trước đây; tiền công một lượng công nhân ít hơn hiện nay có thể ứng với
một lượng tư bản khả biến và tạo ra lượng giá trị thặng dư nhiều hơn gấp bội so
với một lượng công nhân nhiều hơn trong thời kỳ trước đây. Bởi thế, trong nền
kinh tế thị trường hiện đại, chi phí tư bản khả biến luôn là vấn đề quan tâm
đặc biệt của các nhà tư bản. Họ luôn phải tìm đến những nơi có nguồn lao động
dồi dào, đáp ứng tốt các yêu cầu sản xuất và giá cả sức lao động rẻ để đầu tư.
Do đó, nếu chỉ dựa vào sự giảm đi về số lượng công nhân trực tiếp đứng máy để
phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác là thiếu cơ sở, là cách phân
tích không trung thực với phương pháp nghiên cứu của C.Mác.
Thứ hai, trên thực tế, nhà máy sản
xuất tự động hoá không phải là dùng ít lao động sống đến mức “không người”,
chẳng qua chỉ là sự phân bố lao động sống thay đổi khác trước mà thôi. Trong sự
thay đổi ấy, phần trực tiếp đứng máy giảm đi, phần dịch vụ cho sản xuất và tiêu
thụ sản phẩm tăng lên nhanh chóng, cụ thể là:
- Các hoạt động khai thác thông
tin, pháp lý, luật và thông lệ quốc tế, tập quán, thị trường, điều kiện địa lý
… để ra quyết định đầu tư, xây dựng chiến lược sản xuất, cạnh tranh, phát triển
là yếu tố dịch vụ đầu vào quan trọng trước tiên của quá trình sản xuất. Các
hoạt động khai thác và ứng dụng tin học; nghiên cứu, thử nghiệm vật liệu và sản
phẩm mới; nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ trong quản lý, đào tạo nguồn nhân lực;
các hoạt động bảo đảm tài chính, nguyên liệu, an ninh và an toàn lao động, hành
chính, đối ngoại… đều là những dịch vụ đầu vào hết sức quan trọng của quá trình
sản xuất.
- Các hoạt động khai thác thông tin
để đưa sản phẩm ra thị trường như giá cả, đối tác, tâm lý, cung - cầu…; các
hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm như quảng cáo, tiếp thị, tư vấn tiêu
dùng…; các hoạt động vận chuyển, bảo quản và hoạt động ở mạng lưới bán buôn,
bán lẻ; hàng loạt các hoạt động tư vấn, bảo hành sau bán hàng… đều được coi là
dịch vụ bảo đảm cho đầu ra của sản xuất sản phẩm.
Các hoạt động dịch vụ đầu vào và
đầu ra trên đương nhiên phải có con người, bộ máy tương ứng. Như vậy, lao động
dịch vụ tăng lên nhanh chóng trong mỗi nhà máy hiện đại là quá rõ ràng. Vấn đề
đặt ra là có phải mọi lao động dịch vụ đều sáng tạo ra giá trị mới, trong đó có
giá trị thặng dư? Chúng ta không thể đánh đồng tất cả, cũng như không thể coi
tất cả lao động dịch vụ đều tạo ra giá trị mới, trong đó có giá trị thặng dư.
Nếu không khẳng định điều này, quy luật giá trị và giá trị thặng dư của C.Mác
lại đứng trước sự tấn công mới.
Trả lời vấn đề này, chúng ta cần
vận dụng phương pháp luận của C.Mác khi phân tích chi phí lưu thông. Ông cho
rằng có hai loại chi phí lưu thông: chi phí lưu thông tiếp tục sản xuất và chi
phí lưu thông thuần tuý. Trong đó, chi phí lưu thông tiếp tục sản xuất được
tính như trong sản xuất, nghĩa là chúng làm tăng thêm giá trị và giá trị thặng
dư. Còn chi phí lưu thông thuần tuý, mặc dù vẫn được xã hội chấp nhận trong giá
bán hàng hoá với mức trung bình cần thiết, nhưng đó chỉ là một loại hư phí,
không làm tăng thêm giá trị và giá trị thặng dư. Với phương pháp đó, chúng ta
cũng chia lao động dịch vụ của nhà máy sản xuất hiện đại thành hai loại: Lao
động dịch vụ tạo giá trị mới và lao động dịch vụ không tạo giá trị mới của hàng
hoá. Theo phương pháp luận của C.Mác, giá trị sử dụng của hàng hoá đồng thời là
vật mang giá trị. Bởi vậy, các lao động dịch vụ như đã nói trên liên quan đến
việc sản xuất, làm tăng giá trị sử dụng, hoặc làm cho giá trị sử dụng của hàng
hoá thích ứng với nhu cầu tiêu dùng của xã hội đều là lao động dịch vụ tạo giá
trị mới của hàng hoá. Những lao động dịch vụ không liên quan gì đến giá trị sử
dụng của hàng hoá như quảng cáo, trao đổi thư tín… là lao động dịch vụ không
sáng tạo hoặc làm tăng giá trị hàng hoá. Xét trong quá trình sản xuất thì chi
phí ở đây cũng là hư phí (như cách nói của C.Mác trong lưu thông thuần tuý).
Tuy vậy, đó vẫn là những lao động dịch vụ cần có với mức thích hợp trong quá
trình sản xuất. Bên cạnh đó, vẫn có những hoạt động sử dụng các thủ đoạn để
tăng giá bán, giảm giá mua nhằm cướp bóc lẫn nhau, cạnh tranh tiêu diệt nhau;
sử dụng các thủ đoạn thu lợi cho mình nhưng làm tăng tính ảo của nền kinh tế
như tạo cung - cầu giả, đầu cơ chứng khoán… Lao động ở đây đã thể hiện sự tha hoá;
thể hiện sự ăn bám, thối nát của nền kinh tế tư bản hiện đại cũng như của tư
bản chứ không thể xếp chung vào lao động dịch vụ.
Lao động làm thuê trong nhà máy, dù
trực tiếp đứng máy sản xuất sản phẩm, lao động dịch vụ tạo giá trị mới hay lao
động dịch vụ không tạo giá trị mới, ngày lao động của họ vẫn gồm hai phần: thời
gian lao động phục vụ chính mình (thời gian lao động tất yếu) và thời gian lao
động không công cho nhà tư bản (thời gian lao động thặng dư). Lợi nhuận mà chủ
nhà máy thu được không chỉ là kết quả chiếm đoạt thời gian lao động thặng dư
của công nhân trực tiếp đứng máy sản xuất sản phẩm và dịch vụ tạo giá trị mới
mà còn là kết quả chiếm đoạt lao động thặng dư của công nhân hoạt động trong
lĩnh vực dịch vụ không tạo ra giá trị mới. Phân tích như vậy có thể thấy rằng,
luận điểm “nhà máy không người” không còn bóc lột lao động làm thuê là hoàn
toàn không đúng với thực tế sản xuất tư bản hiện đại.
Trong khi khẳng định giá trị thặng
dư là do lao động làm thuê sáng tạo ra, C.Mác cũng đánh giá rất cao vai trò của
máy móc, thiết bị công nghệ. Nhưng từ đó lại cho rằng, giá trị thặng dư là do
máy móc, công nghệ hiện đại tạo ra là không đúng.
Trong nền kinh tế thị trường, luôn
có sự cạnh tranh mạnh mẽ và tích cực bằng sự đổi mới thiết bị công nghệ. Trong quá
trình ấy, tất nhiên sẽ xuất hiện nhóm dẫn đầu, có cấu tạo hữu cơ của tư bản
cao. Công nghệ cao của nhà máy đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng
cao năng suất lao động, tạo năng suất lao động cao hơn năng suất các nhà máy
khác cùng sản xuất một loại hàng hoá cung cấp cho thị trường, làm cho giá trị
cá biệt của hàng hoá thấp hơn giá trị thị trường. Trong khi đó hàng hoá được
bán theo giá trị thị trường. Chính điều này làm cho các nhà máy áp dụng công
nghệ mới thu được lợi nhuận siêu ngạch. Lợi nhuận siêu ngạch đó được người ta
mập mờ coi là công lao của máy móc.
Thực ra hiện tượng nhà máy áp dụng
công nghệ mới có lợi nhuận siêu ngạch là do nó đã tạo ra được một sự bất bình
thường trong sự hoạt động bình thường của quy luật giá trị tại những thời điểm
thích hợp. Trao đổi vẫn trên cơ sở ngang với giá trị thị trường của hàng hoá,
nhưng giá trị cá biệt thì lại không ngang (thấp hơn) giá trị thị trường đó.
Cũng trên cơ sở trao đổi ngang giá với giá trị thị trường của hàng hoá, nhà tư
bản sản xuất cùng một loại hàng hoá nhưng điều kiện sản xuất kém hơn, có giá
trị cá biệt cao hơn giá trị thị trường phải chấp nhận sự thiệt thòi khi bán
hàng theo giá trị thị trường. Phần thiệt thòi đó ngang với phần siêu ngạch mà
nhà tư bản có kỹ thuật công nghệ cao hơn thu được. Nói cách khác, xét tổng thể
nền sản xuất, tổng giá trị thặng dư bằng tổng lợi nhuận, thì số lợi nhuận siêu
ngạch đó chỉ là một hiện tượng hút một phần giá trị thặng dư từ các nhà máy có
công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp hơn, chứ không phải là cái gì khác.
Bởi thế, ở phạm vi xã hội thì khi nào cũng có giá trị thặng dư siêu ngạch,
nhưng với một nhà máy thì khi có, khi không, tuỳ thuộc vào việc nhà máy đó có
tạo được sự dẫn đầu hay ưu thế trong đổi mới công nghệ làm cho năng lực sản
xuất của mình chiếm ưu thế so với những nhà máy khác trong nội bộ ngành sản
xuất hay không. Công lao của thiết bị công nghệ chỉ với ý nghĩa ấy, còn theo
nghĩa chính nó đã tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản thì hoàn toàn không
đúng.
NHB-H3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét