Pages - Menu

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH VIÊM PHỔI VIRUS CORONA(COVID-19)

 

1. Khái niệm về vi rút corona (COVID-19)

- Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra 122 quốc gia và vùng lãnh thổ.

- Virus này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

- Ngày 31/1/2020, WHO chính thức tuyên bố dịch virus COVID-19 là tình trạng y tế KHẨN CẤP TOÀN CẦU

- Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra tại Việt Nam.

2. Các triệu chứng điển hình của virus corona(COVID-19 )

- Đau nhức đầu, khó chịu

- Sốt cao (trên 38 độ)

- Ho hoặc đau họng

- Chảy nước mũi

- Khó thở

- Đau mỏi cơ

Nếu có các triệu chứng như trên, bạn cần thông báo cho các cơ sở y tế tại địa phương và làm theo hướng dẫn.

3. Cách phòng ngừa chung

- Nếu đang có dấu hiệu như sốt, ho hoặc khó thở, cần tránh đi lại, du lịch. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, bạn cần chia sẻ thông tin về lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với những người bị ho, sốt.

- Che kín miệng và sử dụng khăn giấy hoặc tay áo khi ho hoặc hắt hơi. Bỏ khăn giấy vào thùng rác ngay sau khi sử dụng, rồi rửa tay.

- Báo ngay cho các nhân viên hàng không, ô tô, đường sắt nếu xuất hiện dấu hiệu ốm khi di chuyển, du lịch. Đến cơ sở y tế cáng sớm càng tốt.

- Dùng các loại thực phẩm được đun nấu chín.

- Ở nơi công cộng, không khạc nhổ bừa bãi. Không nên tiếp xúc gần với động vật nuôi hoặc hoang dã.

- Khi tới chỗ đông người hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh nên đeo khẩu trang.

- Sử dụng khẩu trang đúng cách, khẩu trang phải che kín miệng khi đang sử dụng.

- Đối với các loại khẩu trang dùng 1 lần cần vứt bỏ ngay vào thùng rác sau khi dùng và sau khi bỏ khẩu trang cần rửa tay sạch.

4. Cách đeo khẩu trang đúng cách

- Virus Corona với kích thước khoảng 150-200nm (nano mét) và virus cúm Influenza A có kích thước 80-120nm, các virus này chủ yếu cư trú trong giọt nước bọt lớn.

- Một nghiên cứu cho thấy các giọt nước bọt lớn có kích thước từ khoảng 75 - 360 micro mét (1 micro mét = 1.000 nano mét), do đó có thể dễ dàng bị giữ lại bởi các khẩu trang y tế thông thường với khả năng lọc hiệu quả các hạt có kích thước trên 5 micro mét. Việc dùng khẩu trang y tế đúng cách sẽ ngăn chặn các giọt nước bọt lớn có chứa virus văng ra từ người bệnh qua việc hắt xì hoặc ho nên sẽ ngăn chặn virus rất hiệu quả. Khi sử dụng khẩu trang chúng ta cần chú ý các vấn đề sau:

+  Khẩu trang Chỉ sử dụng 1 lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy.

+ Khi đeo khẩu trang phải để mặt xanh ra ngoài do mặt màu xanh có tính chống nước.

+ Mặt màu trắng có tính hút ẩm, nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.

+ Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng. Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm vi rút và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.

+ Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm vi rút và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay.

+ Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn.

+ Rửa tay ngay sau khi tháo bỏ khẩu trang. 

5. Các bước rửa tay đúng cách để phòng tránh virus Corona

- Ngoài việc việc đeo khẩu trang thì rửa tay đúng cách cũng sẽ giúp mọi người phòng tránh nguy cơ lây nhiễm virus corona vô cùng hiệu quả.

- Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) nhận định, việc rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hay các loại nước khử trùng thường xuyên cũng có tác dụng ngăn ngừa các loại virus gây bệnh đường hô hấp.

- Chưa kể, trong bất cứ khuyến cáo nào về phòng tránh lây nhiễm virus corona, Bộ Y tế đều nâng cao tầm quan trọng của việc rửa tay đúng cách. Theo đó, Bộ Y tế khuyên người dân cần rửa tay thật kỹ bằng xà phòng thường xuyên, nhiều lần trong ngày, đặc biệt phải rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Tránh dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng trong ngày nhiều nhất có thể.

- Trong khi khẩu trang ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus corona thì rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng có tác dụng diệt khuẩn. Giới chuyên gia khuyến cáo, khi rửa tay, tuyệt đối không rửa qua loa mà phải chà xát, kỳ cọ ít nhất 20 giây dưới vòi nước để dịch tiết bám trên tay được loại bỏ sạch.

- Sau đây là 5 bước rửa tay rửa tay bằng xà phòng đúng cách để phòng tránh virus Corona:

Bước 1. Làm ướt tay với nước sạch, tắt vòi và thoa xà phòng. Tránh sử dụng nước đựng trong bồn rửa, nó có thể bị nhiễm khuẩn từ trước.

Bước 2. Chà xát hai tay cùng với xà phòng, tạo ma sát, giúp loại bỏ bụi bẩn, dầu mỡ và vi trùng gây bệnh từ da.

Bước 3. Chà tay trong ít nhất 20 giây. Nếu không ước lượng được bao lâu là 20 giây, hãy hát bài "Chúc mừng sinh nhật" từ đầu đến cuối 2 lần.

Bước 4. Rửa sạch tay dưới vòi nước sạch.

Bước 5. Lau khô tay bằng khăn sạch hoặc sấy khô. Vi trùng có thể bị lây lan dễ dàng hơn từ tay ướt.

- Rửa tay là một trong những cách tốt nhất để bạn và gia đình tránh bị bệnh.

- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là:

+ Trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn;

+ Trước khi ăn;

+ Trước và sau khi chăm sóc người bị bệnh;

+ Trước và sau khi điều trị vết cắt hoặc vết thương;

+ Sau khi sử dụng nhà vệ sinh;

+ Sau khi thay tã hoặc rửa ráy cho trẻ sử dụng nhà vệ sinh;

+ Sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi;

+ Sau khi chạm vào động vật, thức ăn gia súc hoặc chất thải của động vật; và

+ Sau khi chạm vào rác. 

6. Các biện pháp phòng bệnh để phòng tránh virus Corona

– Tránh tiếp xúc với đối tượng bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Trường hợp cần tiếp xúc với người bệnh, cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

– Che miệng và mùi khi ho hoặc hắt hơi. Giải pháp tốt nhất là sử dụng khăn vải hoặc khăn tay lúc ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sử dụng xong thì hủy hoặc giặt sạch khăn ngay sau đó.

– Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

– Súc miệng và họng bằng nước sát khuẩn miệng.

– Giữ cho nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế,… được thoáng mát bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.

– Giữ vệ sinh nhà cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn.

– Cải thiện sức đề kháng bằng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.

– Nếu nhận thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

7. Các biện pháp để tăng cường sức đề kháng cho bản thân phòng tránh dịch bệnh virus Corona

a. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên

Đây là một trong những thói quen quan trọng giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, phòng ngừa virus corona. Việc tập thể thao đều đặn sẽ giúp cơ thể sản sinh ra nhiều tế bào có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, đồng thời thúc đẩy quá trình bài tiết mồ hôi, giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất. Các nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, những người tập luyện thể chất từ 5-6 ngày/tuần sẽ ít bị cảm lạnh và đau họng hơn so với những người không tập.

Nếu bạn không có thời gian để tập thể dục với cường độ cao, hãy dành ra 30 phút để đi bộ hàng ngày. Đi bộ thường xuyên có tác dụng tương đương với việc tập thể dục, giúp giảm stress và quá trình oxy hóa, làm tăng tuần hoàn các tế bào miễn dịch.

b. Ngủ đủ giấc

Khi ngủ đủ giấc, cơ thể ta sẽ sản sinh ra chất meletonin, có tác dụng ức chế hàm lượng estrogen, làm giảm khả năng mắc bệnh. Bên cạnh đó, một giấc ngủ sâu sẽ đem lại cho bạn cảm giác thoải mái, tỉnh táo và vui vẻ để bắt đầu một ngày mới tràn đầy sức sống.

c. Bổ sung Vitamin C

Vitamin C là chất giúp chống lại bệnh cúm một cách hiệu quả, có thể rút ngắn thời gian cơ thể nhiễm lạnh và ngăn ngừa bệnh tật. Vì cơ thể không thể tích trữ vitamin C nên cần phải nạp đều đặn mỗi ngày. Cam, bưởi, kiwi, quýt… là những loại trái cây chứa hàm lượng vitamin C cao. Việc thưởng thức thường xuyên những loại trái cây này sẽ góp phần tăng cường miễn dịch cho cơ thể bạn.

Vì thế đừng quên tăng cường sức khỏe cho cả gia đình bằng cách ổ sung vitamin từ các trái cây như cam, táo, chuối, dứa… Ngoài ra không thể bỏ qua các liệu pháp chăm sóc sức khỏe đến từ các chuyên gia.

d. Bổ sung vitamin D

Nếu có lượng vitamin D thấp trong máu, bạn sẽ có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, ung thư và tim mạch cao hơn. Do đó, một trong những cách đơn giản giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể chính là phơi nắng sớm.

e. Vệ sinh cá nhân thường xuyên

Đây là thói quen đơn giản, giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và ngăn ngừa virus corona một cách hiệu quả và. Bạn nên duy trì những thói quen vệ sinh cơ bản hàng ngày như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch chứa cồn, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi hay sổ mũi.

8. Khuyến cáo những người từ Trung Quốc trở về

- Cần tự cách lý tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết.

- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngày đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

- Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.

9. Khuyến cáo những người đến Trung Quốc

- Nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đến Trung Quốc trong dịp này.

- Trường hợp bắt buộc, phải hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, thông báo ngay đến cơ sở ý tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

- Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.

10. Các cơ sở y tế thực hiện tiếp nhận, điều trị và lấy mẫu xét nghiệm virus corona

a. Việc phân tuyến tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý, theo dõi cách ly triệt để ca bệnh nghi nhiễm và khi đã xác định dương tính với chủng virus Corona mới:

- Các cơ sở y tế tuyến đầu khi có trường hợp nghi ngờ: tại Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh.

- Các Bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân diễn biến nặng và xác định dương tính:

- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung) tiếp nhận người bệnh từ Hà Tĩnh trở ra. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương người bệnh sẽ được chuyển đến: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương.

- Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận người bệnh khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Phú Yên).

- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận người bệnh thuộc các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bênh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh.

b. Lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus Corona và gửi mẫu bệnh phẩm tới:

- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đối với các tỉnh khu vực phía Bắc

- Viện Pasteur Nha Trang đối với các tỉnh khu vực Miền Trung

- Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh đối với các tỉnh khu vực phía Nam

Thực hiện việc xử trí, điều trị thực hiện theo đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới (COVID-19) ban hành kèm theo Quyết định số 125/QĐ-BYT ngày 16/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Thực hiện việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn tại công văn số 96/KCB-ĐD KSNK ngày 24/01/2020 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh về việc phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm phổi cấp do virus Corona trong bệnh viện.

11. Những đối tượng cần được cách ly tại nhà

Những người không có các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 (ho, sốt, khó thở) và có một trong những yếu tố sau đây:

- Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh

- Cùng làm việc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh

- Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh

- Có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong trong thời gian mắc bệnh ở bất kỳ tình huống nào

- Ngồi cùng hàng hoặc trước sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ

- Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh

12. Thời gian cách ly tại nhà:

- Cách ly tối đa 14 ngày, số ngày cách ly cụ thể được tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam.

- Khi người nghi ngờ mắc bệnh được chẩn đoán loại trừ không mắc bệnh thì những người được cách ly có liên quan sẽ kết thúc việc cách ly.

13. Hướng dẫn cách ly tại nhà khi bạn thuộc đối tượng được cách ly

- Chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét.

- Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly.

- Tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày.

- Hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.

- Hàng ngày thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.

- Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.

- Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú.

- Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly.

- Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú.

14. Hướng dẫn đối với thành viên trong gia đình, người làm việc, quản lý nơi lưu trú của người được cách ly

- Hàng ngày hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi cần tiếp xúc.

- Hàng ngày lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở gia đình, nơi lưu trú bằng xà phòng hoặc các chất khử trùng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

- Giúp đỡ, động viên, chia sẻ với người được cách ly trong suốt thời gian cách ly.

- Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi khi người được cách ly có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.

- Hỗ trợ phương tiện vệ sinh, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang cho người được cách ly, nếu có yêu cầu.

- Không tổ chức hoạt động đông người tại gia đình, nơi lưu trú.

 NTP-H2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét