Pages - Menu

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

TƯ TƯỞNG CỦA C.MÁC VỀ “LAO ĐỘNG BỊ THA HÓA”

Với trí tuệ thiên tài, với sức mạnh của tư duy biện chứng duy vật, C.Mác đã phát hiện ra tính hai mặt của lao động, của sở hữu tư nhân và từ đó, khẳng định chính lao động bị tha hoá là nguồn gốc cơ bản trực tiếp và sở hữu tư nhân là nguồn gốc suy đến cùng đã dẫn đến mọi nỗi khổ đau của nhân loại, của mỗi con người và làm cho con người bị tha hoá.

Nếu như G.Ph.Hêghen chỉ nhìn thấy mặt khẳng định của lao động với tư cách nhân tố sản sinh ra con người, thì C.Mác khẳng định lao động không chỉ là mặt khẳng định - nhân tố tạo ra con người, giúp con người không ngừng hoàn thiện và phát triển, khi nó là lao động tự nguyện, mà còn chỉ ra trong chế độ tư hữu, khi lao động là lao động cưỡng bức, lao động đã bị tha hoá, thì nó là mặt phủ định, là nhân tố hành hạ, huỷ hoại con người. Từ đó, C.Mác đã đi tới kết luận: Sở hữu tư nhân, nhất là sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa với tư cách kết quả của quá trình lao động bị tha hoá đã trở thành nguyên nhân suy đến cùng, nguyên nhân chủ yếu và cơ bản nhất gây ra những tai hoạ khủng khiếp cho con người, làm tha hoá con người. Do vậy, để giải phóng con người, cần phải xoá bỏ thứ sở hữu tư nhân đó.

Với giai cấp công nhân, giai cấp chiếm đa số trong xã hội tư bản, thì chính sở hữu tư nhân và lao động bị tha hoá đã biến lao động của họ thành hoạt động xa lạ, do chủ tư bản quyết định, và do vậy, nó không chỉ làm cho họ bị què quặt, kiệt quệ về thể xác và tinh thần, hạ thấp vai trò của lao động từ một phương diện để thể hiện và phát triển những lực lượng bản chất của con người xuống ngang bằng hoạt động của các loài động vật, chỉ còn biết dùng “lao động” để chỉ duy trì sự tồn tại của mình, mà còn biến “cái vốn có của súc vật trở thành chức phận của con người, còn cái có tính người thì biến thành cái vốn có của súc vật”[1]. Trong xã hội tư bản, “công nhân càng sản xuất nhiều thì anh ta có thể tiêu dùng càng ít; anh ta tạo ra càng nhiều giá trị thì bản thân anh ta càng bị mất giá trị, càng bị mất phẩm cách; sản phẩm của anh ta tạo ra dáng càng đẹp thì anh ta càng què quặt; vật phẩm do anh ta tạo ra càng văn minh thì bản thân anh ta càng giống với người dã man; lao động càng hùng mạnh thì người công nhân càng ốm yếu; công việc anh ta làm càng phức tạp thì bản thân anh ta càng trống rỗng về trí tuệ và càng bị nô lệ vào giới tự nhiên”[2]. Như vậy, nếu như phải mất hàng chục vạn năm để những động vật cao cấp tiến hoá thành con người hiện đại, thì chính sở hữu tư nhân và lao động bị tha hoá trong chế độ tư bản chủ nghĩa đã “giúp” con người trở lại, lùi về địa vị “con vật” với đúng nghĩa của từ này.

Với giai cấp tư sản tình hình cũng không sáng sủa hơn. Trong xã hội tư bản, giai cấp tư sản là người chủ của xã hội, họ nắm toàn bộ quyền sinh, quyền sát trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tưởng như họ được tự do tuyệt đối với niềm vui và hạnh phúc tràn trề, nhưng không, họ cũng trở thành nô lệ cho chính những đồng tiền của mình. Bởi vì, ông chủ thật sự của xã hội tư bản là tư bản, là tiền. Tiền là sức mạnh, là thước đo giá trị của mỗi con người trong xã hội tư bản. Nỗi lo sợ mất tiền, cùng với khát vọng có nhiều tiền, để có cơ hội chiến thắng trong cuộc chiến khốc liệt diễn ra thường xuyên giữa chính những người tư sản và các tập đoàn tư bản đã vô tình xô đẩy họ vào vòng xoáy bạo lực, bị chính những đồng tiền của mình sai khiến tới mức mù quáng, mê muội. Ma lực của đồng tiền đã làm cho các nhà tư bản hy sinh mọi niềm vui, hạnh phúc chân chính của con người. Vì tiền, họ có thể bán cả lương tâm, danh dự, tình yêu, phẩm giá, hy sinh cả người ruột thịt, chém giết, đoạ đày đồng loại, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình.

Cách cảm, cách nghĩ của giai cấp tư sản, giai cấp thống trị nền sản xuất xã hội đã chi phối, quyết định cách nhìn, cách nghĩ của mọi giai tầng khác trong xã hội. Theo C.Mác, “chế độ tư hữu và lao động bị tha hoá là cái làm cho suy nghĩ của con người trở nên “ngu xuẩn và phiến diện”, làm “thô lỗ hoá” mọi nhu cầu của con người, biến mọi cảm giác vô cùng đa dạng, phong phú của con người thành “cảm giác chiếm hữu”. Đâu đâu cũng là hoạt động bóc lột những lực lượng bản chất người; bóc lột, tàn phá tự nhiên; làm tha hoá con người. Mỗi sản phẩm của người này sáng tạo ra đều như những miếng mồi nhử nhằm đưa người khác vào cái bẫy sa đoạ, đánh mất nhân tính của mình. Nền sản xuất của xã hội tư bản đã biến toàn bộ con người thành con người hàng hoá, thành “một thực thể mất hết tính người cả về tinh thần lẫn thể xác”. Đây chính là tai hoạ lớn nhất, khủng khiếp nhất mà chế độ tư hữu và lao động bị tha hoá trong xã hội tư bản đã đưa đến cho con người. Vì thế, C.Mác đã khẳng định, xoá bỏ chế độ tư hữu và lao động bị tha hoá là lời kêu gọi khẩn thiết nhất nhằm cứu lấy con người, giải phóng con người.

Cũng với tư duy biện chứng duy vật và trên cơ sở kế thừa những tư tưởng tiến bộ của các nhà triết học, xã hội học tiền bối và đương thời, C.Mác đã khẳng định chủ nghĩa cộng sản chính là sự  phủ định một cách tất yếu, tự nhiên mà lịch sử xã hội loài người dành cho chế độ tư hữu và cũng là một bước tiến lớn của lịch sử trong sự nghiệp giải phóng con người, để trả lại những gì mà chế độ tư hữu đã cướp đi, đã lấy đi của con người./.

 ĐHQ-H2



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.42. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.133

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.42. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.131

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét