Pages - Menu

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ CỦA ĐẢNG TA TRONG MỖI BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ CÁCH MẠNG

 

Ngày 3 tháng 2 năm 1930 đã đi vào lịch sử cách mạng nước ta như một trong những sự kiện chính trị to lớn và sâu sắc nhất. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước kể từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ đất nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”.

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và khẳng định giai cấp công nhân Việt Nam thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam là giai cấp duy nhất có sứ mệnh lịch sử và có khả năng đề ra đường lối cứu nước đúng đắn, thực hiện triệt để yêu cầu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Đảng đã đề ra Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Luận cương chính trị về cách mạng Việt Nam, thể hiện sự lựa chọn dứt khoát con đường cách mạng đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Việc đặt cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo trào lưu tiến bộ nhất của loài người trong thế kỷ XX là sáng tạo lớn nhất của Đảng ta, làm nền tảng vững chắc cho những giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.

Cần thấy rằng, ở thời điểm thành lập Đảng, trình độ dân trí của nước ta rất thấp, còn đến 90% chưa biết chữ. Giai cấp công nhân Việt Nam mới hình thành, số lượng chỉ khoảng 22 vạn, chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dân cư. Lúc này, các Đảng Cộng sản ở châu Âu và Quốc tế cộng sản chưa phải đã có sự thống nhất về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đặt trong bối cảnh đó mới thấy hết được sự ra đời của Đảng đã đáp ứng được yêu cầu khách quan của lịch sử và có ý nghĩa thực tiễn cách mạng sâu sắc. Đồng thời, qua đó mới thấy rõ tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và của Đảng ta trong xác định đường lối cách mạng Việt Nam, không rập khuôn sao chép đường lối cách mạng của các Đảng Cộng sản, các phong trào dân tộc khác trên thế giới. Trong cương lĩnh chính trị thành lập Đảng năm 1930, Đảng ta đã quyết định con đường cách mạng Việt Nam là Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thể hiện bản lĩnh chính trị của Đảng, là ngọn nguồn để Đảng ta luôn giữ vững vai trò và uy tín lãnh đạo đối với toàn xã hội, đưa cách mạng tiếp tục vượt qua nhiều chặng đường đầy khó khăn, thử thách. 

Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một bước ngoặt khẳng định vị thế của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới. Thắng lợi vĩ đại đó một lần nữa khẳng định bản lĩnh chính trị, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đảng ta đã dự đoán chính xác tình hình trong nước và thế giới, có những quyết định đúng đắn, sáng tạo trong xác định đường lối quân sự với phương pháp, hình thức đấu tranh thích hợp là đi từ khởi nghĩa từng phần ở từng địa phương, tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước khi có tình thế và thời cơ chín muồi. Vì vậy, dù khi đó chỉ với hơn 5000 đảng viên, nhưng Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Năm 1945 - 1946 là thời kỳ đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”. Lúc này, tài chính quốc gia trống rỗng; nạn đói khủng khiếp làm chết hơn 2 triệu người dân. Quân đội của Tưởng, Pháp, Anh tràn ngập khắp từ Bắc đến Nam, câu kết với bọn phản động và các đảng phái “Việt quốc”, “Việt cách” hòng tiêu diệt Đảng ta và chính quyền cách mạng non trẻ. Trong bối cảnh đất nước đầy khó khăn, thử thách, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết đoán mau lẹ, chính xác, linh hoạt, không cho phép phạm phải sai lầm trên những vấn đề có tính nguyên tắc. Sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đến thành công với sách lược lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, từng bước đập tan âm mưu và thủ đoạn thâm độc của chúng, làm tan rã bọn tay sai phản động trong nước. Để tăng cường thực lực cách mạng, Đảng đã tổ chức Tổng tuyển cử khẳng định quyền làm chủ đất nước của toàn dân, phát động phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”, “Tuần lễ vàng”... đưa dân tộc ta vượt qua thời điểm khó khăn tưởng như cách mạng đã ở bên bờ vực thẳm. Tháng 12 năm 1946, khi điều kiện hòa hoãn không còn, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động phát động toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Phải đặt trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của cách mạng nước ta mới thấy hết ý chí độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, sáng tạo và bản lĩnh chính trị của Đảng ta đối với vận mệnh của dân tộc trong bước ngoặt lịch sử cách mạng.

Sau năm 1954, Đảng ta đã lãnh đạo tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền Nam - Bắc, trong điều kiện trên thế giới chưa có tiền lệ. Đến nay, nhìn lại lịch sử, chúng ta càng thấy rõ chủ trương đường lối cách mạng của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo. Đồng thời bác bỏ những quan điểm, tư tưởng hữu khuynh, ích kỷ, hẹp hòi, thụ động, trái với tinh thần yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng của giai cấp công nhân. Chiến thắng huy hoàng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Trong những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Cách mạng nước ta lại đứng trước những thách thức mới do tác động của tình hình quốc tế và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch cùng những phần tử cơ hội, xét lại. Đồng thời, những khiếm khuyết trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta chậm được phát hiện, sửa chữa triệt để. Phải trở lại thực tiễn lịch sử đó mới càng thấy rõ trong bước ngoặt mới của cách mạng, Đảng ta luôn nêu cao trách nhiệm trước toàn dân tộc trong việc tìm tòi con đường phát triển đất nước để đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân và phồn vinh cho dân tộc. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, thể hiện sâu sắc bản lĩnh chính trị, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng ta trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã kết thúc tốt đẹp. Thành công lớn của Đại hội là đã tập trung thảo luận, nhất trí cao, thông qua kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội  IX, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hôi 5 năm (2001 - 2006), tổng kết 20 năm đổi mới, kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX; quyết định mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010); phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng và thông qua Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi). Mục tiêu và phương hướng tổng quát 5 năm (2001 - 2006), sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, là mục tiêu trực tiếp của Đại hội X, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) do Đại hội IX đề ra. Thực hiện thắng lợi mục tiêu này sẽ đánh dấu một bước phát triển mới trên con đường đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đại hội X được đánh giá là Đại hội của trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và phát triển bền vững…

Đại hội XIII của Đảng  diễn ra trong bối cảnh đất nước có cả cơ hội xen lẫn những thách thức; tuy nhiên, với tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, Đảng ta vẫn khẳng định tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa “phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[1]

Như vậy, độc lập, tự chủ, sáng tạo là nét nổi bật về bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là một trong những bài học xuyên suốt lịch sử 91 năm lãnh đạo và đấu tranh cách mạng của Đảng. Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng ta hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa giáo điều, cơ hội, xét lại cùng những quan điểm, tư tưởng sai trái, phản động khác. Hiện nay, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới, nhưng cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức và nguy cơ không thể xem thường. Bởi vậy, việc không ngừng giữ vững bản lĩnh chính trị, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng vừa là truyền thống cách mạng vẻ vang, vừa là cơ sở để Đảng ta kết hợp hiệu quả sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp lợi thế và nguồn lực trong nước với nguồn lực ngoài nước, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, đảm bảo đất nước phát triển vững chắc về mọi mặt, theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

                                                                                                                                     NXT-H1



[1] Đảng CSVN, Văn kiện ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Tr.206

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét