Tổ chức Freedom
House vừa đưa ra "Báo cáo tự do thế giới 2021", tiếp tục thể hiện những
đánh giá thiếu khách quan, không đúng sự thật về Việt Nam.
Theo báo cáo
này thì mức độ tự do của Việt Nam ở mức 19/100 điểm, tụt lùi 1 điểm so với báo
cáo cũng của tổ chức này năm 2020.
Cụ thể, năm
nay, Việt Nam ở mức 3 điểm về các quyền tự do chính trị và 16 điểm cho các quyền
tự do dân sự, là quốc gia có điểm số áp chót Đông Nam Á. Trong đó, một chỉ số
đáng chú ý như: tự do Internet - Việt Nam chỉ ở mức 22/100 điểm, đứng ở vị trí
rất thấp, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Myanmar, Thái Lan,
Campuchia, Philippines...
Và như thường lệ,
một số trang tin tức, diễn đàn có nguồn gốc nước ngoài, vốn thiếu thiện chí với
Việt Nam, đã chớp lấy thông tin sai lệch này để khai thác, đưa tin, kèm theo phỏng
vấn một vài phần tử phản động lưu vong, với nội dung mang chủ ý rõ ràng muốn chống
phá Việt Nam.
Những bài phỏng
vấn, bình luận này chỉ có mục đích duy nhất là đồng lõa với sự quy chụp của
Freedom House, và coi đó là cái cớ để tiếp tục vu khống Việt Nam. Trong thời đại
mà thông tin tràn lan, dẫn đến tin tức trên mạng xã hội thật, giả lẫn lộn như
hiện nay, thì việc các trang báo mạng thiếu thiện chí với Việt Nam chỉ chờ thời
cơ tận dụng những báo cáo phiến diện như thế này để đưa ra những thông tin thiếu
khách quan, xuyên tạc tình hình Việt Nam không còn là chiêu bài mới mẻ. Tuy
nhiên, nó vẫn lôi kéo sự chú ý của một bộ phận công chúng chưa hiểu về Việt Nam
hoặc đang giữ định kiến sai lầm về Việt Nam, đồng thời gây nhiễu loạn thông
tin, bóp méo sự thật.
Thực tế cho thấy
là từ nhiều năm nay, Freedom House đã luôn đặt Việt Nam vào trong nhóm các nước
mà họ gọi là Không có quyền tự do. Thiết nghĩ, một đất nước có tự do hay không
thì chỉ chính đa số những người dân của đất nước đó mới biết được chứ không thể
là một tổ chức nào đó ở cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất nhưng cứ hàng năm
đưa ra đánh giá, phán xét mà không hề dựa trên tình hình thực tế về cuộc sống của
người dân ở Việt Nam.
Sự phi lý trong
báo cáo của Freedom House về Việt Nam
Ở đây có một
nghịch lý là trong khi Freedom House cứ rêu rao từ năm nay qua năm khác là Việt
Nam không có tự do, hạ thấp điểm cho việc thực hiện các quyền con người ở Việt
Nam thì ngược lại các đánh giá của Liên Hợp Quốc - Tổ chức đa phương lớn nhất
hành tinh lại luôn coi Việt Nam như một điểm sáng về phát triển con người,
trong thực hiện các “Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, về công bằng
và tiến bộ xã hội”.
Năm 2020, trong
đại dịch COVID-19, khi Freedom House coi Việt Nam như một nhà tù, là nước không
có tự do, thì thế giới lại luôn nhắc đến thành công của Việt Nam khi luôn đặt
người dân lên mối quan tâm hàng đầu.
Cũng trong năm
2020, Liên Hợp Quốc đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con
người ở mức cao trên thế giới.
Theo báo cáo
năm 2020 của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc gọi tắt là UNDP, Việt
Nam đã vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao trên thế
giới, xếp thứ 117/ 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 đến 2019, giá trị
HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao
nhất trên thế giới.
Trong nhiều thập
kỷ qua, Việt Nam đã có bước tiến dài trong việc cải thiện và đảm bảo quyền con
người, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Cụ thể, Việt
Nam là một trong số những quốc gia đã về đích sớm trong nhiều Mục tiêu thiên
niên kỷ của Liên Hợp Quốc và đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền
vững.
Bên cạnh đó, trải
qua 3 chu kỳ của Cơ chế UPR - một tiến trình rà soát định kỳ việc thực hiện
nhân quyền của tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã chấp nhận phần
lớn trong tổng số hơn 600 khuyến nghị nhận được và đạt được những thành tựu to
lớn trên nhiều lĩnh vực đảm bảo quyền cơ bản và trao cơ hội phát triển cho người
dân.
Tuy nhiên, đi
ngược lại tất cả những thực tế đó, tổ chức Freedom House hằng năm vẫn đưa ra một
phán xét không thay đổi: xếp Việt Nam vào những nước "không có tự do"
và thậm chí đánh tụt điểm về cái gọi là "mức độ tự do".
Điều đáng nói
là, tổ chức này lại không đưa ra thêm bất cứ căn cứ cụ thể nào ngoài loạt tiêu
chí đánh giá rất mơ hồ mà họ tự sản xuất ra.
Với động cơ
chính trị như vậy thì thiết nghĩ không cần phải bàn luận về tính khách quan
trong các báo cáo của Freedom House, đặc biệt đối với các quốc gia nằm trong
"tầm ngắm" chống phá của họ. Trong bản báo cáo năm nay, có 64 quốc
gia và vùng lãnh thổ bị tổ chức này đánh giá là "không có tự do". Rất
nhiều quốc gia trong đó đã lên tiếng phản đối và vạch trần sự vô lý, vô giá trị
của báo cáo này.
Đây không phải
là lần đầu tiên Freedom House đưa ra báo cáo thiếu khách quan, sai lệch, thậm
chí là quy chụp về tình hình nhân quyền ở các nước, trong đó có Việt Nam.
Rõ ràng với câu
hỏi: tổ chức Freedom House có biết tình hình thực tế ở Việt Nam khi đưa báo cáo
ra hay không? Thì câu trả lời là họ biết và thậm chí biết rất rõ! Nhưng họ vẫn
cố tình làm ngơ để xuyên tạc tình hình tự do, nhân quyền tại Việt Nam. Vì mục
đích của họ là giật dây, tiếp sức, tạo cái cớ cho các thế lực chống đối Việt
Nam.
Năm 2020, khi cả
thế giới biến động vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì ở Việt Nam, người dân
được sống trong một môi trường có thể nói là "đáng mơ ước" với rất
nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia tiên tiến. Rất nhiều người Việt Nam sinh sống,
học tập tại nước ngoài và cả công dân nước ngoài đều mong muốn nhập cảnh vào Việt
Nam nhằm tránh dịch.
Nếu Việt Nam là
một đất nước "không có tự do" như tổ chức Freedom House quy chụp thì
tại sao có thể thu hút nhiều người trở về như vậy? Những người Việt làm việc, học
tập ngắn hạn ở nước ngoài đã đành, Việt Nam là nhà của họ. Nhưng những người Việt
đã sinh sống ở nước ngoài hay người nước ngoài, tại sao họ chọn đến Việt Nam? Lẽ
nào để đổi lấy sự kìm kẹp trong một đất nước "không có tự do"?
THQ-BC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét