Hồ
Tùng Mậu, sinh năm 1896, tên khai sinh là Hồ Bá Cự. Gia tộc ông thuộc hàng
"danh gia vọng tộc" của làng khoa bảng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ
An), cũng là gia tộc đời nối đời tham gia chống thực dân Pháp. Ông nội ông là
Án sát Hồ Bá Ôn, bị tử thương khi chỉ huy bảo vệ thành Nam Định. Cha ông là Hồ
Bá Kiện, đã hy sinh trong chiến đấu khi lãnh đạo tù nhân phá nhà ngục Lao Bảo.
Cuối
tháng 4-1920, Hồ Bá Cự xuất dương sang Quảng Châu (Trung Quốc) theo gương người
chú-ông Hồ Học Lãm-đã sang trước từ năm 1908 trong Phong trào Đông Du và trở
thành chỗ dựa cho các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc. Trên đường
xuất dương, ông quyết định đổi tên thành Hồ Tùng Mậu cho tiện hoạt động bí mật.
“Tùng Mậu” có nghĩa là cây tùng tươi tốt. Ông quyết tâm sống như cây tùng, cây
bách, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng vững chãi, lạc quan, tươi trẻ. Cuộc đời
hoạt động của ông đã chứng minh cho ý chí quyết tâm đó.
Hồ
Tùng Mậu sang Trung Quốc đúng lúc phong trào yêu nước Việt Nam đang thoái trào.
Ở Hàng Châu, mặc dù được Hồ Học Lãm giúp đỡ nhưng Hồ Tùng Mậu vẫn phải làm những
công việc trên đường phố như làm xiếc, kéo xe để thêm vào sinh hoạt hằng ngày.
Đầu năm 1923, theo lời khuyên của Phan Bội Châu và sự giới thiệu của Hồ Học
Lãm, ông tới Quảng Châu. Tại đây, ông xin được vào học lớp điện tín và bắt đầu
hoạt động cách mạng.
Năm
1923, những người yêu nước trẻ tuổi như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng
Phong, Lâm Đức Thụ... lập ra Tâm Tâm xã, nhấn mạnh sự đồng tâm nhất trí hy sinh
cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, chủ trương của Tâm Tâm xã vẫn
là ám sát bọn đầu sỏ thực dân và những tên tay sai nguy hiểm nhất. Tháng
11-1924, tại cuộc gặp mặt đầu tiên với những thành viên chủ chốt của Tâm Tâm
xã, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khuyên họ rằng: Con đường đúng đắn phải là tuyên
truyền, tổ chức quần chúng, dựa vào công-nông, xây dựng tổ chức cách mạng, được
vũ trang bằng lý luận cách mạng. Từ đây, những người trẻ tuổi của Tâm Tâm xã đã
trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam trên đất Quảng Châu.
Tháng
6-1925, Nguyễn Ái Quốc, lúc này được anh em gọi là "đồng chí Vương",
họp cùng các thành viên Tâm Tâm xã bàn việc thành lập Hội Việt Nam cách mạng
thanh niên (VNCMTN). Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn (người đồng chí cùng xuất dương)
là trợ thủ cho đồng chí Vương tổ chức cuộc họp này. Năm 1926-1927, đồng chí
Vương tổ chức các lớp huấn luyện cho các thành viên Hội VNCMTN. Hồ Tùng Mậu vừa
là người phụ đạo thảo luận, vừa là quản lý, chăm lo hậu cần cho lớp học.
Hội
VNCMTN phát triển rất mạnh, dần dần hình thành 3 tổ chức cộng sản ở trong nước.
Cuối thập niên 20 của thế kỷ 20, cách mạng Việt Nam cần có một chính đảng cộng
sản duy nhất, nhưng các tổ chức cộng sản lại không thể thống nhất với nhau được
và có nguy cơ phân liệt. Để cứu vãn tình thế, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn đã tìm mọi
cách vận động để tạo sự đồng thuận, nhưng việc không thành. Được tin này, lãnh
tụ Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm đến Hương Cảng với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản
triệu tập một cuộc họp bàn việc thống nhất các tổ chức cộng sản ở Đông Dương
thành một chính đảng duy nhất. Cuộc họp gồm 7 người (kể cả Nguyễn Ái Quốc). Hồ
Tùng Mậu là một trong 7 người đó. Đó là cuộc họp lịch sử thành lập nên Đảng Cộng
sản Việt Nam (ngày 3-2-1930).
Tháng
6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị thực dân Anh bắt tại Hương Cảng. Chúng dự định trao
tù nhân cho chính quyền thực dân Pháp. Hồ Tùng Mậu là người phát hiện việc Nguyễn
Ái Quốc bị bắt. Bác Hồ đã kể lại sự kiện này trong cuốn tự truyện "Vừa đi
đường vừa kể chuyện" như sau: Năm 1931, thực dân Anh bắt đồng chí Hồ Tùng
Mậu ở Hồng Công. Ít lâu sau thì Bác cũng bị bắt khi đang ở ngôi nhà số 186, phố
Tam Lung. Với những người hoạt động cách mạng Việt Nam lúc đó, thực dân Anh thường
chỉ giam giữ ít lâu, tra khảo lấy khẩu cung rồi đuổi đi khỏi cảng chứ không xử
án tù. Thực chất là chúng trục xuất khỏi cảng bằng thuyền, hễ bước chân lên
thuyền thì mật thám Pháp hoặc cảnh sát Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch sẽ bắt
ngay. Khi Bác bị bắt vào ngục thì đồng chí Hồ Tùng Mậu lại chuẩn bị "được
trục xuất". Vì thế, ra khỏi nhà lao, ông đã kịp thời liên hệ với cơ quan Hội
Quốc tế Cứu tế Đỏ đóng ở Hương Cảng và nhờ Luật sư Francis Henry Loseby can thiệp,
bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc trước tòa án và tìm mọi cách giải thoát Nguyễn Ái
Quốc khỏi nanh vuốt của thực dân Pháp.
Trong
cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Tùng Mậu đã nhiều lần bị địch bắt, từng bị kết
án tử hình (năm 1929). Lần bị bắt cuối cùng xảy ra chính trong khi luật sư
Loseby tìm cách giải cứu cho Nguyễn Ái Quốc. Từ Hồng Công, Hồ Tùng Mậu bị giải
về nhà lao Vinh. Ngày 6-12-1931, ông bị kết án tử hình lần thứ hai. Cũng như lần
trước, nhờ sự đấu tranh của dư luận và kháng cáo của luật sư, ông lại thoát tử
hình và nhận án khổ sai chung thân. Bắt đầu từ đây là 15 năm tù ngục. Ông đã
qua nhà tù Lao Bảo, địa ngục Kon Tum, nhà lao Buôn Ma Thuột, “trại an trí” Trà
Khê.
Tháng
3-1945, Nhật đảo chính Pháp, ông cùng các bạn tù thoát ngục Trà Khê trở về tham
gia lãnh đạo tổng khởi nghĩa. Kháng chiến bùng nổ, Hồ Tùng Mậu giữ trọng trách
Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu IV, đồng thời là Chính ủy đầu tiên của
Quân khu IV kiêm Chính ủy Trường Quân chính Nhượng Bạn (Hà Tĩnh). Với bộ râu
thưa, học vấn uyên thâm, tính tình hiền từ và gần gũi nhân dân, nhiều người khu
IV gọi ông là “Cụ Hồ em”. Chính trong thời kỳ này, ông nhận được tin sét đánh:
Hồ Kim Xuyên (tức Hồ Mỹ Xuyên), người con trai duy nhất, một tài năng triển vọng
kế tục ông, đã hy sinh trên đường công tác khi mới 28 tuổi đời. Ông nén đau
thương để không ảnh hưởng đến công tác.
Tháng
12-1949, Hồ Tùng Mậu được cử làm Tổng thanh tra Chính phủ. Tại Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương
Đảng.
Ngày
21-7-1951, trên đường đi công tác, đoàn công tác của ông bị máy bay Pháp phát
hiện và đuổi bắn. Hồ Tùng Mậu hy sinh.
Làng
Quỳnh Đôi của ông vốn có ân sâu nghĩa nặng với gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh
Sắc. Hồ Tùng Mậu lại là người trợ thủ gần gũi của Bác Hồ nên Bác có một tình cảm
đặc biệt với ông và gia đình. Khi Hồ Kim Xuyên hy sinh, Bác viết thư chia buồn,
có đoạn: “Tôi rất đau buồn báo tin cho chú biết: Cháu Hồ Kim Xuyên không may đã
hy sinh trong khi đi công tác cùng Đặc ủy đoàn Chính phủ tại Lục Yên Châu-Yên
Bái... Cháu Xuyên mất đi, chú mất một người con, tôi mất một người cháu, nhân
dân mất một chiến sĩ, đoàn thể mất một cán bộ. Chú cần giữ gìn sức khỏe vì công
việc kháng chiến còn nhiều. Chú chuyển cho tôi lời chia buồn tới bà cố, thím và
tất cả gia đình”.
Khi
biết tin Hồ Tùng Mậu hy sinh, tự tay Bác Hồ đã viết thư điếu. Trong đó có đoạn:
“Về tình nghĩa riêng: Tôi với chú là đồng chí, lại là thân thiết hơn anh em ruột.
Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi đấu
tranh ở nước nhà, hơn 25 năm, đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ, như tay với
chân. Về công việc chung: Từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền
nhân dân thành lập, đến thời kỳ kháng chiến cứu nước, tôi đã thay mặt Chính phủ
và đoàn thể giao phó cho chú những trách nhiệm nặng nề... Đồng bào, Chính phủ
và đoàn thể đang cần những con người đắc lực như chú. Mất chú, đồng bào mất một
người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, đoàn thể mất
một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn
thương tiếc, cộng vào trong một lòng tôi!”.
Gia
tộc Hồ Tùng Mậu có 4 thế hệ kế tiếp đã bỏ mình vì nước. Trong đó, ông là người
cuối cùng. Dù 4 đời hy sinh vì nước, nhưng gia đình ông vẫn kịp gieo hạt mầm mới
cho cách mạng. 3 người cháu nội của ông (con của Hồ Kim Xuyên) sau này đều giữ
trọng trách của Đảng, có người là Ủy viên Bộ Chính trị, có người giữ chức bộ
trưởng, thứ trưởng.
Năm
nay tròn 70 năm Hồ Tùng Mậu hy sinh. Bài viết này xin thay nén tâm hương tưởng
nhớ ông-người trợ thủ xuất sắc, tận tụy, người anh em chí thiết của Chủ tịch Hồ
Chí Minh.
TVV_H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét