Pages - Menu

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÁC VĂN NGHỆ SĨ YÊN TÂM VÀ TÍCH CỰC HƠN NỮA KHI THAM GIA LÀM TỪ THIỆN

 

Trước hết, phải khẳng định, những hành động tương thân, tương ái của nhiều văn, nghệ sĩ là rất đáng trân trọng. Đó là tình cảm, tình yêu thương, chia sẻ với người dân, đất nước trước những khó khăn của thiên tai, dịch bệnh.

Nghệ sĩ được gọi là người của công chúng. Hơn ai hết, họ có sức ảnh hưởng để kêu gọi cộng đồng quyên góp vật lực cho mục đích thiện nguyện. Bằng tình cái tâm, bằng tình cảm yêu thương đó nhiều văn, nghệ sĩ đã dùng uy tín, sự ảnh hưởng của mình để huy động, khuyên góp những khoản tiền lớn nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho người dân, bà con trên cả nước. Có nhiều người nghệ sĩ có tâm, có tình sẵn sàng đứng ra vận động, kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ từ các mạnh thường quân. Đó là những nghệ sĩ bất chấp nguy hiểm, không ngại khó nhọc đến tận nơi để trao tiền, cứu trợ công khai, minh bạch cho đồng bào gặp khó. Đó là những nghệ sĩ đã làm rất trách nhiệm, rất có tâm cần phải ghi nhận.

           Làm từ thiện đâu phải là dễ

Từ thiện là hoạt động tất yếu của con người trong đời sống cộng đồng. Hoạt động từ thiện có 2 hình thức chính: dùng tài sản cá nhân đóng góp cho cộng đồng (như các tỷ phú quyên góp tài sản cho các quỹ) hoặc cá nhân/tổ chức huy động vật lực từ đám đông.

Nghệ sĩ Việt hoạt động từ thiện theo cả 2 hình thức này nhưng chủ yếu vẫn là hình thức thứ 2 và thường dính lùm xùm ở cách làm này. Cần nhấn mạnh, mọi hoạt động từ thiện đều đáng quý nhưng từ thiện chưa bao giờ là việc làm đơn giản và dễ dàng. Các quỹ từ thiện chuyên nghiệp luôn có một hệ thống kiểm soát tài chính chặt chẽ, bài bản để điều hành mô hình hoạt động bền vững, hợp pháp. Trái lại, nhiều cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp thường thiếu sự chuẩn bị cần thiết. Người làm từ thiện nếu chỉ có lòng nhiệt huyết, một ý tưởng vừa lóe lên và một kế hoạch vừa phác thảo nguệch ngoạc bằng vài phép tính đơn giản để "xách ba lô lên và đi", sẽ là rủi ro rất lớn với chính người kêu gọi lẫn người đóng góp.

Một số vụ việc cho thấy nghệ sĩ Việt làm từ thiện còn nặng cảm tính và chưa chuyên nghiệp. Từ tháng 3 đến nay, NSƯT Trịnh Kim Chi nhiều lần kêu gọi khán giả quyên góp tiền giúp đỡ nghệ sĩ Thương Tín, Hoàng Lan và các nghệ sĩ khác. Trường hợp của Thương Tín và Hoàng Lan, cô kêu gọi nhiều đợt, tổng kết mỗi đợt, quyên góp hơn 400 triệu đồng cho mỗi người. Điều đáng nói, thay vì tạo mới tài khoản rồi yêu cầu ngân hàng đóng tài khoản ấy bằng nghiệp vụ sau khi kết thúc kêu gọi, Trịnh Kim Chi lại kêu gọi quyên góp bằng chính tài khoản cá nhân và thông báo ngừng nhận quyên góp bằng một dòng trạng thái trên Facebook. Trường hợp Thủy Tiên sau khi trở về từ chuyến đi cứu trợ miền Trung đã gây bất ngờ khi công khai sao kê là những tờ giấy A4 chi chít chữ viết tay của mình; giấy xác nhận trạng thái tài khoản; cùng thư cảm ơn và biên bản xác nhận của chính quyền địa phương thay vì sử dụng dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp.

Gần đây nhất, NSƯT Hoài Linh bị khán giả chỉ trích vì anh có nhiều hơn một cách để triển khai hoạt động từ thiện (như ủy nhiệm chi) mà không cần trực tiếp ra miền Trung thay vì đến tận 6 tháng mọi thứ vẫn chưa đi đến đâu. Dĩ nhiên, Trịnh Kim Chi, Thủy Tiên,... đều là những nghệ sĩ có uy tín trong hoạt động từ thiện. Họ rất sốt sắng, nhiệt huyết giúp đỡ người gặp khó khăn. Dù vậy, sự cảm tính và thiếu chuyên nghiệp có thể gây nguy hiểm với chính uy tín của nghệ sĩ. Chưa kể, hành động cảm tính như Thủy Tiên lén chồng mở lại tài khoản sau khi chính thức thông báo ngừng nhận quyên góp là rất nhạy cảm, thậm chí cấm kị trong hoạt động từ thiện. Nghệ sĩ hoàn toàn có thể tự đẩy mình vào thế khó nếu xảy rủi ro. Một trường hợp khác là Phan Anh quyên góp hơn 20 tỷ đồng cứu trợ đồng bào chịu lũ lụt. MC này dính lùm xùm và dù sau đó đã lập website công khai việc giải ngân thì vẫn rất khó phủ nhận rằng ngay từ đầu, chính anh đã có phần chủ quan khi làm việc với đám đông. Nhiều vụ việc điển hình cho thấy, nghệ sĩ chịu áp lực rất lớn khi nhận tiền quyên góp. Người góp tiền luôn luôn đặt ra rất nhiều yêu cầu, từ chính yếu đến soi xét cả chuyện ăn mặc, trang điểm, thái độ... khiến nghệ sĩ càng thêm nhọc nhằn.

Tuy nhiên một hiện tượng khác là hiện tượng làm từ thiện theo kiểu tự phát, thiếu trách nhiệm, nhân việc làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi, thậm chí tranh thủ, thiếu minh bạch, làm từ thiện không đến nơi, đến chốn gây bức xúc. Điển hình là hàng loạt những vụ việc ồn ào liên quan tới nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thời gian gần đây. Có sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm nói trên là do một số nghệ sĩ đang nhầm vai. Cá biệt có những người còn cho rằng mình là cầu nối giữa người muốn làm từ thiện và người cần được giúp nhưng lại cứ nghĩ mình chính là mạnh thường quân, tiền đó là của mình, nhờ có mình mới có được số tiền đó nên ứng xử tùy tiện, thiếu trách nhiệm. Cách làm này đã có tâm chưa? Có trách nhiệm chưa? Đã xứng đáng với sự tin tưởng của các mạnh thường quân gửi gắm chưa?

Đó là bài học đắt giá cho những nghệ sĩ nào còn có ý định mượn danh "làm từ thiện" để đánh bóng tên tuổi. Việc làm từ thiện là "con dao hai lưỡi", nếu làm đúng, làm tốt sẽ được ghi nhận, ngược lại, làm lấy danh, lấy tiếng thì cái giá phải trả có thể là cả sự nghiệp của mình.

Làm thế nào để các văn nghệ sĩ thật sự yên tâm và tích cực hơn nữa khi tham gia làm từ thiện?

Những nghệ sĩ muốn làm từ thiện chân chính thì cần công khai, minh bạch. Đồng thời, nên hoạt động dưới sự giám sát, kiểm tra của các tổ chức, đoàn thể có thể là các cơ quan quản lý nhà nước nhưng cũng có thể là các đoàn thể thuộc giới văn nghệ sĩ.

Các tổ chức này có trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm tra những thông tin không minh bạch liên quan tới các hoạt động từ thiện của các văn nghệ sĩ. Việc này vừa nhằm giúp các hoạt động từ thiện minh bạch hơn những cũng đồng thời là để bảo vệ các văn nghệ sĩ khi làm từ thiện tránh vướng phải những tai tiếng oan nếu không có.

Việc đa dạng hóa các hoạt động công tác từ thiện là rất cần thiết, tuy nhiên, cũng không cổ xúy cho việc làm từ thiện kiểu "trăm hoa đua nở", không ai kiểm soát, không ai quản lý. Do đó, cũng cần phải có cơ quan, tổ chức đứng ra quản lý, giám sát việc làm từ thiện. Việc này có thể giao cho các cơ quan MTTQ các cấp, Hội chữ thập đỏ...

Nghệ sĩ Việt cần rút kinh nghiệm từ người đi trước khi tham gia làm từ thiện

Khi muốn đứng ra làm từ thiện thì phải có được cái tâm rất sáng, rất trách nhiệm thì hãy nên làm. Còn khi nhân việc từ thiện để lợi dụng trục lợi, để đánh bóng tên tuổi đó là vô cảm, thiếu nhân văn, rất đáng lên án. Có nhiều nghệ sĩ do không hiểu đúng vai đã tự cho rằng việc mình đứng ra kêu gọi, nhận tiền gửi hỗ trợ từ người khác đến trao cho người dân mà giống như mình đang trao tiền của mình, đang ban ơn cho người dân vậy. Tư duy này rất nguy hiểm.

Của cho không bằng cách cho. Người dân nghèo nhưng "nghèo thảo, nghèo thơm", nghèo có tự trọng. Bản thân người trao tiền từ thiện không phải của mình mà chỉ là cầu nối giữa các nhà hảo tâm với người dân nghèo khó nên càng cần phải ý thức rõ trách nhiệm của mình.

Nếu người nghệ sĩ đã có lòng đứng ra kêu gọi khuyên góp thì phải coi việc mang những tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm đó đến với người dân một cách trách nhiệm, chu đáo. Nếu không làm được như vậy thì không nên đứng ra kêu gọi giúp đỡ

Trường hợp của MC Phan Anh và sắp tới có thể là NSƯT Hoài Linh có thể trở thành điển hình cho "công thức": Người nổi tiếng được yêu quý, tin cậy, kêu gọi quyên góp từ thiện được rất nhiều tiền nhưng khi cầm tiền lại không quản lý và chi tiêu đúng quy cách do thiếu sự vận hành chuyên nghiệp. Từ đó, họ sa lầy vào hỏi-đáp, tranh cãi, lời qua tiếng lại cho đến khi trở thành cái tên mà có làm gì đi nữa vẫn không xóa nhòa thái độ nghi hoặc từ khán giả. Mấu chốt của tiến trình vẫn nằm ở việc người nổi tiếng kêu gọi quyên góp đã mắc sai lầm hoặc sơ suất nào đó do thiếu chuyên nghiệp sau khi nhận tiền. 

Vì vậy, nghệ sĩ Việt làm từ thiện cần rút kinh nghiệm cho bản thân từ trường hợp của người đi trước. Nghệ sĩ cũng là người bình thường, không nên ôm đồm mọi công đoạn của một hoạt động từ thiện. Một số nghệ sĩ như Thái Thùy Linh, Tùng Dương,... làm từ thiện không gây tranh cãi mà vẫn hiệu quả do họ chỉ làm đúng phần việc của mình. Chẳng hạn, Thái Thùy Linh cùng nhóm "Tim hồng" đã làm từ thiện miệt mài gần 10 năm. Ca sĩ quản lý toàn bộ quá trình diễn hoạt động nhưng luôn có cộng sự hỗ trợ cô từng việc cụ thể lớn nhỏ. Rõ ràng, từ thiện là hoạt động có lý có tình. Người làm thiện nguyện có cái tình lớn lao đến đâu đi nữa vẫn cần cái lý để giữ cho cái tình bền vững trước dư luận thị phi. 

Nghệ sĩ quyên góp quy mô lớn cần tiên quyết 2 yếu tố công khai và minh bạch bằng cách sử dụng các dịch vụ kiểm soát tài chính. Trường hợp Thủy Tiên, có thể nói cô chưa chuyên nghiệp, còn sai sót nhưng chính sự cập nhật công khai và sát sao từng hoạt động trên trang cá nhân giúp ca sĩ vẫn được khán giả tin tưởng, yêu thương. Nếu quyên góp quy mô nhỏ, nghệ sĩ chỉ nên nhận tiền quyên góp từ những người thực sự quen biết và làm những việc vừa sức. Khi ấy, ngay cả khi nghệ sĩ không có bộ máy vận hành như các quỹ chuyên nghiệp vẫn tránh được nhiều lỗi nghiệp dư nhãn tiền.  Bên cạnh đó, khán giả - những người ủy thác nghệ sĩ làm từ thiện thay mình, nên "chọn mặt gửi vàng" và tin tưởng vào lựa chọn của mình. Cần hết sức tránh việc đóng góp có hạn nhưng đòi hỏi vô hạn gây áp lực lên người nhận quyên góp. Không ít trường hợp nghệ sĩ bị chỉ trích nặng nề, thậm chí tẩy chay vì sơ suất nhỏ là không xứng đáng.

Làm từ thiện là tốt nhưng cơ chế thị trường hiện nay đang làm đồng tiền biến hóa "thành tiên, thành phật", nếu không có sự quản lý sẽ dễ dẫn tới những nhiễu loạn, lạm dụng, tiêu cực, làm ảnh hưởng xấu tới tính nhân văn của việc từ thiện. Do đó, rất cần phải có sự quản lý của cơ quan nhà nước./.

 NVH-BC

                   

   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét