Pages - Menu

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

NGƯỜI VỀ THĂM QUÊ GIỮA MÙA SEN THÁNG SÁU


Quê hương đối với Bác Hồ là Tổ quốc Việt Nam thân yêu và rộng hơn  nữa là "Quan sơn muôn dặm một nhà- Bốn phương vô sản đều là anh em". Vì quê hương Việt Nam và thế giới cần lao mà suốt đời Người chiến đấu hy sinh cho Việt Nam độc lập, cho thế giới hoà bình. Cả nhân loại tiến bộ tôn vinh Hồ Chí Minh- Người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới. Cũng như bao người khác, Bác Hồ còn có quê hương, theo nghĩa hẹp là nơi "chôn rau cắt rốn", nơi Người sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của gia đình và bà con làng xóm. Đó là làng Sen (quê nội), làng Chùa (quê ngoại) ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Từ ngày Người tạm biệt quê mẹ làng Chùa, quê cha làng Sen, rời Nghệ An vào Huế, vào Sài Gòn rồi ra đi tìm đường cứu nước, sau hơn nửa thế kỷ mới có điều kiện trở về thăm quê nhà (1906 - 1957).

 Những ngày giữa mùa hoa sen năm 1957, mơ ước được đón Bác của nhân dân Nghệ An mới thành sự thực. Sáng ngày 14-6-1957, 9 giờ 30 phút, đoàn xe đưa Bác tới thành phố Vinh. Cùng đi với Bác có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Uỷ viên BCT Trung ương Đảng. Tại trụ sở Tỉnh uỷ Nghệ An, Bác đã tiếp và nói chuyện thân mật với Hội nghị đại biểu dân, quân, chính, Đảng tỉnh Nghệ An và Liên khu 4. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với hàng vạn cán bộ và nhân dân trong cuộc mít tinh chào đón Người. Vui mừng, phấn khởi Người xúc động nói:

“Tôi là một người con của tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay là lần đầu tiên trở về thăm tỉnh nhà. Có thể nói là:

  "Quê hương nghĩa nặng tình cao

            Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình"

Bác khen ngợi những thành tích vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An trong kháng chiến cũng như trong hoà bình xây dựng nước nhà. Đồng thời Người đã chỉ ra những khuyết điểm cần phải khắc phục. Kết thúc buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phải quyết tâm phấn đấu làm cho Nghệ An thành một tỉnh gương mẫu và Người bắt nhịp bài hát Kết đoàn trong không khí thân tình vui vẻ.

Sáng ngày 15- 6- 1957, cả xã Kim Liên và huyện Nam Đàn rạo rực hân hoan đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê. Tối hôm trước, nghe tin Người sẽ về, bà con thức suốt đêm, náo nức từng giờ từng phút. Từ sáng tinh mơ, trên các ngả đường, người kéo về đông như trẩy hội. Tám giờ sáng, xe đưa Bác về đến làng. Một đồng chí trong Uỷ ban xã mời Bác vào nhà khách, Bác nói: Tôi xa nhà, xa quê đã lâu. Tôi phải về nhà tôi đã. Còn đây là nhà khách để dành cho khách, tôi có phải là khách đâu!

Năm mươi năm xa nhà, dù cảnh vật đã thay đổi theo thời gian, nhưng Bác vẫn nhớ đường xưa lối cũ về nhà, nhớ cây ổi đào ở cổng, cây bưởi trước sân, cây cam bên hồi và hàng cau sau nhà. Nhìn những kỷ vật thân quen gắn bó với Người thời niên thiếu, dâng nén hương thơm tưởng nhớ người thân đã khuất, Bác xúc động nói với bà con: Xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ làm bằng tre, không có chân, mà chỉ dùng hai miếng gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc.

Ra ngõ, sang thăm nhà thờ họ Nguyễn Sinh bên cạnh, có người xin ý kiến Bác, nên xây nhà khách thật to, rào vườn rộng, trong vườn trồng hoa. Bác góp ý: Nhà Bác nghèo, tất nhiên vườn nhà Bác phải hẹp. Chỉ nên xây nhà đủ tiếp khách. Trong vườn trồng hoa khoai, hoa đậu vẫn hơn. Xung quanh nên rào bằng râm bụt, vừa có lá cho bò ăn, vừa không bị hỏng. Mọi người đều cảm động và hiểu rõ ý nghĩa thiết thực trong câu nói của Người.

Sáng hôm ấy, dưới gốc cây đa toả bóng mát ở sân vận động giữa làng Sen, cách nhà ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc 200m, Bác Hồ đã nói chuyện thân mật với bà con xã Kim Liên và các xã lân cận. Lời Người giản dị mà ấm áp: “Đã lâu không về thăm quê hương, thì thường tình người ta tủi tủi, mừng mừng . Tôi không thấy tủi tủi, mà chỉ thấy mừng mừng. Mừng mừng là vì sao? Từ lúc tôi ra đi và bây giờ trở lại, thấy nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng có thay đổi rất nhiều. Thay đổi quan trọng nhất là lúc tôi ra đi, nước ta đang còn bị thực dân Pháp cai trị, đồng bào ta đều là những người nô lệ. Bây giờ trở về thì đồng bào miền Bắc nước ta nói chung, Nghệ An nói riêng, là những công dân tự do, làm chủ nước nhà. Đó là thay đổi to nhất”.

Bác dặn dò cán bộ và dân làng phải đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, phải chăm sóc giáo dục thiếu niên, đừng để các cháu gày gò ốm yếu. Hầu như việc gì Người cũng đề cập một cách thiết thực, cụ thể. Trước lúc ra đi, Bác chia kẹo cho các cháu, biếu trà cho các cụ. Người chúc sức khỏe bà con một lần nữa và hứa: Cán bộ và nhân dân Kim Liên làm tốt Bác sẽ về thăm. Xe Bác từ từ ra khỏi làng. Dân làng vẫy tay dõi nhìn theo. Ai nấy bàng hoàng như một giấc mơ.

50 năm đã trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ về thăm quê lần đầu tiên, theo dấu chân Người, hàng năm làng Sen, làng Chùa xã Kim Liên đã thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế về thăm. "Bác Hồ là vị cha chung- Là sao Bắc đẩu là vầng thái dương". Ai ai cũng muốn được về thăm quê Bác, để được chứng kiến một vùng quê văn hiến và những gì đã góp phần tạo nên sự vĩ đại Hồ Chí Minh. Một vĩ nhân ngày càng chói sáng. Kim Liên quê Bác thật xứng đáng là một địa danh vàng thu hút du khách trong và ngoài nước.

Dù đã đi xa, nhưng tư tưởng của Bác Hồ vẫn sống mãi với non sông đất nước. Lời Người vẫn ấm mãi. Ôn lại sự kiện Người về thăm quê cách đây 50 năm, chúng ta càng khắc sâu lời Bác, quyết tâm đi theo con đường của Đảng và Bác đã lựa chọn.

       Mai Duyên – H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét