“Cách mạng sắc
màu” (colour revolution) hay còn được biết đến với tên gọi như “cách mạng cam”,
nhung, hạt dẻ, hoa hồng, hoa tulip... là khái niệm dùng để chỉ các phong trào
biểu tình quần chúng, các cuộc chính biến do các thế lực bên ngoài kích động
tại một số quốc gia thuộc Liên Xô (cũ), Đông Âu vào thập kỷ cuối thế kỷ XX và ở
Trung Đông - Bắc Phi trong những năm đầu thế kỷ XXI. Sau sự kiện Đông Âu và
Liên Xô tan rã, các cuộc “cách mạng sắc màu” diễn ra thường xuyên hơn và trở
thành một trong những con bài chủ chốt của phương Tây để can dự vào nội bộ của
các quốc gia, đặc biệt là các nước theo chế độ Xã hội chủ nghĩa.
Có thể hiểu “Cách mạng sắc màu” là các cuộc lật đổ chế
độ hiện tại bằng phương pháp bất bạo động, được kết hợp giữa những kẻ phản động
bên trong với các thế lực thù địch bên ngoài. Những kẻ chủ mưu giương ngọn cờ
dân chủ, lôi kéo người dân tham gia vào các cuộc biểu tình tuần hành khiến đời
sống xã hội bị tê liệt, Chính phủ mất dần kiểm soát xã hội. Khi những cuộc biểu
tình tác động xấu đến đời sống xã hội và sự điều hành của Chính phủ ở mức độ
nào đó, sẽ xuất hiện các thế lực bên ngoài thông qua các tổ chức phi chính phủ,
thậm chí Chính phủ của một quốc gia khác lên tiếng ủng hộ. Từ đây, xung đột
giữa người dân và chính quyền ngày càng đẩy lên và rồi hậu quả của nó là rất nặng
nề. Có thể thấy, “cách mạng sắc màu” chỉ diễn ra ở các nước có sự bất ổn về
chính trị, nền kinh tế trì trệ, tham nhũng tràn lan... Yếu tố bên ngoài sẽ chỉ
phát huy được hiệu quả khi nhân tố bên trong không còn đủ sức để duy trì một
quốc gia đủ mạnh mẽ. Ngược lại, nhân tố trong nước nếu không bị chi phối của
các yếu tố bên ngoài thì sẽ không dễ dàng, nhanh chóng dẫn đến sự sụp đổ chế
độ. Do đó, để có cái nhìn khách quan, toàn diện về “cách mạng sắc màu”, cần
phải chỉ ra được các động cơ cơ bản bên trong và các tác động bên ngoài, đồng
thời phải làm rõ sự tác động qua lại giữa các nhân tố bên trong và bên ngoài
cũng như chỉ ra được đâu là nhân tố mang tính chất quyết định.
Trên thế giới, Từ sau khi Liên Xô sụp đổ và sau hơn 10
năm thành lập nhà nước độc lập, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đều lựa
chọn chế độ đa đảng. Tổng thống các nước đều bước vào nhiệm kỳ thứ hai và lần
lượt chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống và Nghị viện nhiệm kỳ mới. Trong bối
cảnh đó Mỹ và Phương Tây đã để lợi dụng thời điểm bầu cử làm cơ hội thúc đẩy
quá trình “chuyển hóa dân chủ”, thực hiện chiến lược cạnh tranh sự ảnh hưởng
với Trung Quốc và Nga ở khu vự này. Để làm rõ hơn về bản chất các cuộc “Cách
mạng sắc màu”, trước hết, chúng ta điểm qua sự manh nha hình thành và diễn
biến, tính chất của một số cuộc “cách mạng màu” trên thế giới như: Cuộc “cách
mạng nhung” tại Nam Tư năm 2000, Cuộc “cách mạng hoa hồng” ở Gruzia năm 2003, Cuộc
“cách mạng màu cam” tại Ucraina năm 2004, “cách mạng hoa tuy- lip” tại
Cưrơgưxtan năm 2005. Nhiều cuộc cách mạng tương tự cũng đã xảy ra ở Trung Đông
như: “cách mạng cây tuyết tùng” ở Li băng năm 2005, “cách mạng Màu tím” ở Iran
sau cuộc tuyển cử hợp pháp tại Irac năm 2005, “cách mạng màu Xanh” ở Kuwait bắt
đầu từ tháng 3/2005.
Qua các cuộc “cách mạng sắc màu” trong những năm gần
đây, có thể thấy rằng các nước nhỏ, nhất là những nước có vị trí địa - chính
trị chiến lược sẽ dễ trở thành con bài mặc cả quyền lực giữa Mỹ và Nga, hoặc
trở thành “con tốt” trong ván bài phong tỏa toàn cầu của Mỹ và các nước phương
Tây. Tại những quốc gia manh nha tư tưởng, mô hình đối lập với Mỹ thường sẽ bị
can dự nội bộ chính trị, thậm chí lật đổ chế độ. Phong trào cộng sản, công nhân
thế giới đang ở bước quanh co, khó khăn nhất; do đó, với các nước đang và sẽ đi
theo con đường XHCN, cũng chịu chi phối trực tiếp, rõ rệt.
Tại Việt Nam, nhìn từ thực tế các cuộc “Cách mạng sắc
màu” ở một số quốc gia Đông Âu và Trung Đông, Bắc Phi trong thời gian qua, câu
hỏi đặt ra là: Việt Nam chúng ta có phải đối diện với nguy cơ xảy ra Cách mạng
màu hay không? Có thể nhận thấy, “Cách mạng sắc màu” là một trong những thủ
đoạn vô cùng nguy hiểm nằm trong âm mưu diễn biến hòa bình mà các thế lực thù
địch đã và đang thực hiện. Việt Nam, là một quốc gia có vị trí địa lý đặc biệt
quan trọng ở khu vực Ðông Nam Á về phát triển kinh tế, giao thương quốc tế và
bảo đảm quốc phòng, an ninh không chỉ đối với quốc gia mà còn cả với khu vực;
Việt Nam cũng luôn nằm trong danh sách các quốc gia bị chi phối bởi chính sách
của các nước lớn với từng mức độ khác nhau, trong đó có Mỹ - phương Tây, Nga và
Trung Quốc. Việt Nam còn là một trong số ít quốc gia đang tiếp tục con đường xã
hội chủ nghĩa, là tâm điểm trong chiến dịch “toàn cầu phản cách mạng” của các
nước phương Tây. Chính vì thế, trong nhiều năm qua, các nước phương Tây và các
thế lực thù địch coi luôn coi Việt Nam là trọng điểm thực hiện “diễn biến hoà
bình”, “Cách mạng sắc màu” nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt
Nam, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa mà Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân
ta đã lựa chọn; hướng Việt Nam vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, Việt
Nam là một trong những mục tiêu mà chúng sẽ tấn công. Các vụ việc trong nhiều
năm qua cho thấy rằng các thế lực thù địch luôn không ngừng sử dụng chiến lược
diễn biến hòa bình nhằm xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Những biểu hiện của cái
gọi là “Cách mạng sắc màu” vì thế cũng đã manh nha xuất hiện ở Việt Nam. Đó
chính là các cuộc tụ tập đông người dưới nhiều lý do, trong đó có cả những cuộc
tụ tập đập phá gây bất ổn xã hội.
Các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước kêu gọi
mọi người tụ tập ở một số nơi nhạy cảm, như: trước cổng cơ quan đảng, chính
quyền, đại sứ quán, ở các thành phố lớn, “hương hoa nhài, hoa sen” sẽ khích lệ
tiếng nói đối kháng qua các phong trào, cùng ký tên vào tâm thư, thỉnh nguyện,
các bản tuyên cáo, kiến nghị nào đó để tạo dư luận xã hội; lấy danh nghĩa
“Hướng về biển, đảo quê hương” kích động bài xích quan hệ Việt Nam - Trung
Quốc, kêu gọi nhân dân xuống đường biểu tình, hòng gây bạo loạn như vụ phản đối
giàn khoan HD-981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam (2014), vụ Formosa
và cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung (2016), họ cũng đã kích động kêu gọi
biểu tình, thực hiện cuộc “Cách mạng cá”... Gần đây nhất là các vụ biểu tình,
tụ tập đông người tại 23 tỉnh, thành phố liên quan đến Luật An ninh mạng và Dự
thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; kêu gọi “xuống đường tổng biểu
tình” vào dịp 2.9, 4.9.2018. Khi các cuộc biểu tình đã được đẩy lên ở mức cao
tại các tỉnh, thành phố lớn, sẽ có sự hà hơi tiếp sức của các tổ chức phản động
trong và ngoài nước, rồi sẽ có sự can thiệp của nước ngoài... Đặc biệt, vụ bạo
động tại Bình Thuận là minh chứng rõ ràng nhất, chúng đã cử người về Việt Nam, hướng
dân, chủ mưu vụ gây rối. Với nguồn tài chính từ các tổ chức phản động, chúng đã
trả mỗi người đi biểu tình từ 300-400.000 đồng, nếu đánh bị thương Công an thì
số tiền lớn nhiều. Đa phần đối tượng kích động đều là đối tượng hình sự, trẻ
thành niên thiếu hiểu biết,… Chúng sử dụng các đối tượng này để tấn công lực
lượng chức năng, chờ mong sự thiếu kiềm chế, bình tĩnh từ cơ quan chức năng để
thổi bùng ngọn lửa bạo lực. Một kế hoạch chuẩn bị rất kỹ, đợi đến kỳ họp quốc
hội để xuyên tạc vấn đề đặc khu kinh tế, sự chuẩn bị tung tin xuyên tạc trên
các trang mạng xã hội rất kỹ lưỡng. Có thể nói, vụ việc ở Bình Thuận vừa rồi đã
có bàn tay của nước ngoài, là một cuộc tập dượt để tiến hành những vụ việc lớn
hơn.
Từ những thực tiễn trên thế giới và trong nước có thể
thấy, để tiến hành một cuộc “Cách mạng sắc màu” có các nhân tố quan trọng, chủ
chốt đó là: (1) Các cuộc “Cách mạng sắc màu” đánh giá cao vai trò của các tổ
chức Phi Chính phủ (NGO) . Các tổ chức NGO là các tổ chức không phải là một bộ
phận của chính phủ và không do nhà nước thành lập. Các tổ chức NGO là các tổ
chức không vì mục đích lợi nhuận (tuy nhiên, hiểu rộng ra thì các tổ chức NGO
cũng có thể gồm các tập đoàn hoạt động vì mục đích lợi nhuận. Hiện có khoảng
29000 các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Ngân sách của các tổ chức NGO thường
được vận động từ thiện từ các cá nhân và kể cả các quỹ hỗ trợ phát triển của
Chính phủ. Bản chất của các tổ chức NGO là không xấu nhưng có thể bị lợi dụng
để thực hiện những công việc mà hậu quả của nó đôi lúc chính các tổ chức này
cũng không biết. Chính vì vậy, trong điều kiện nhạy cảm hiện nay, tiếp nhận
viện trợ của các tổ chức phi chính phủ không đơn giản là tiếp nhận tất cả mà
cần phải có sự lựa chọn, đặc biệt đối với những tổ chức liên quan đến chính
trị, dân chủ, tự do. (2) Các cuộc “Cách mạng sắc màu” chủ yếu thông qua các
phong trào của thanh niên để tiến hành biểu tình, gây dự luận ép lãnh đạo chính
quyền từ chức. Thanh niên là sáng tạo, nhất là thanh niên trí thức, nhưng đồng
thời thanh niên cũng dễ bị lôi cuốn do tính cách nhiệt tình và thiếu kinh
nghiệm của tuổi trẻ. Lợi dụng đặc điểm này, nhiều thế lực phản động đã thông
qua các hoạt động phong trào kích động thanh niên biểu tình, gây bạo loạn, lật
đổ. Lực lượng phản đối “Cách mạng sắc màu” cho rằng đứng phía sau các cuộc cách
mạng này là Quỹ Soros (Soros Foundation) - một quỹ do ông Gorge Soros tài trợ -
một nhà đầu cơ có nhiều ‘thành tích’ trong lật đổ các chính quyền Xô viết. Hoặc
sự hậu thuẫn, lên kế hoạch cách mạng của chính quyền Mỹ (thông qua quỹ hỗ trợ
phát triển của Mỹ USAID là chính), đặc biệt là trong việc xây dựng các trang
web tự do (ví dụ hệ thống mạng Freenet ở một số nước trong đó có Kazistan),
cung cấp tài liệu và đào tạo con người. Thành viên Otpor ở Serbia và Pora ở
Ucraina đã thừa nhận những tài liệu và kiến thức đào tạo họ nhận được từ Mỹ có
giá trị đặc biệt để xây dựng chiến lược hoạt động của tổ chức.
Đảng ta đã xác định, “diễn biến hòa bình” là một trong
bốn nguy cơ chúng ta cần giải quyết. Đại hội XII xác định, cần “chủ động đấu
tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch;
ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội
phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống
và phi truyền thống; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng. Theo đó,
Đảng ta xác định “củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính
trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng”. Để
ngăn chặn những nguy cơ của “cách mạng sắc màu”, chúng ta cần phải đi vào những
yếu tố chủ quan, bao gồm tình hình kinh tế - chính trị - xã hội nội tại. Trong
đó, về chính trị, cần phải nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường niềm
tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên
thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, tệ nạn tham nhũng, “lợi ích nhóm” đã
khiến cho nhân dân bất bình. Do đó, cần phải giải quyết tận gốc để người dân
tin và đi theo chế độ, không bị các thế lực thù địch lôi kéo. Nghị quyết Trung
ương 4 khoá XII đã đưa ra 4 nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ hiện nay. Theo đó, cần tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống
chính trị cơ sở, đảm bảo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà
nước, nhất là ở những vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Chú trọng công
tác bảo vệ chính trị nội bộ, khắc phục kịp thời nguy cơ phân hóa, mâu thuẫn nội
bộ, các biểu hiện suy thoái, phai nhạt lý tưởng. Đấu tranh và xử lý nghiêm minh
các hành vi sai trái, lạm dụng chức quyền, tham nhũng, đi ngược lại lợi ích của
nhân dân. Phát hiện, vô hiệu hóa các phần tử cơ hội, phản bội trong tổ chức; bóc
gỡ, vô hiệu hóa cơ sở nội gián trong nội bộ.
Trong hoạch định và tổ chức thực hiện Chiến lược bảo
vệ Tổ quốc, cần chủ động dự báo những tình huống chiến lược về quốc phòng - an
ninh có thể xảy ra; tích cực “bảo vệ Tổ quốc từ xa”, chủ động phòng ngừa, sớm
phát hiện, ngăn chặn mọi nguy cơ từ bên ngoài để triệt tiêu những yếu tố bất
lợi có thể dẫn đến nguy cơ xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ. Tuyên truyền,
giáo dục cho sinh viên, thanh niên, trí thức và nâng cao hiểu biết cũng như
tinh thần cảnh giác cho người dân về “cách mạng sắc màu” và bản chất cũng như
phương thức can thiệp của Mỹ và phương Tây. Công khai, minh bạch, thông tin cho
nhân dân những thông tin cần thiết để người dân không tiếp cận những thông tin
xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội. Hoàn
thiện cơ chế quản lý, pháp luật về an ninh thông tin, trong đó chủ đạo là Cục
An ninh thông tin truyền thông nhằm định hướng đúng dư luận, kịp thời khắc phục
những biểu hiện lệch lạc trong hoạt động thông tin - báo chí.
Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường quản lý với các dự
án NGO của Mỹ và EU tại nước ta như: Quỹ Ford, Quỹ châu Âu, USAID (Mỹ); Viện
KAS, FES (Đức), CIDA (Canađa), SIDA (Thụy Điển)... có nội dung nhạy cảm như
tăng cường năng lực, dân chủ cơ sở, xây dựng và cải cách pháp luật, cải cách tư
pháp, cải cách hành chính, “nâng cao năng lực đại biểu Quốc hội”, “nâng cao
năng lực cán bộ địa phương”, “hỗ trợ Quy chế dân chủ cơ sở”, “chống tham
nhũng”... Đây là một vấn đề nhạy cảm, bởi không dễ dàng phân hóa các tổ chức
này một cách rõ ràng, và dễ dàng lan tỏa trong nhân dân thông qua nhiều hình
thức truyền thông và mạng xã hội./.
Tia chớp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét