Pages - Menu

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

NHỮNG BÀI HỌC LỚN CHO THANH NIÊN QUA HÀNH TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 

Đã 110 năm trôi qua, kể từ khi Bác Hồ thân yêu của chúng ta lên chiếc tàu mang tên Amiral Latouche-Tréville, bắt đầu cuộc hành trình vĩ đại tìm đường cứu nước cứu dân. Hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác không chỉ truyền ý chí, cảm hứng, khát vọng cho thanh niên, mà còn giúp thanh niên Việt Nam rút ra nhiều bài học quý báu trong cuộc sống, học tập, công tác, lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước hết, đó là bài học về lòng yêu nước, thương dân, khát vọng độc lập dân tộc, phát triển đất nước. Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành từ thuở nhỏ đã gắn bó và kế thừa truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, của quê hương, đất nước, của gia đình. Trực tiếp chứng kiến, cảm nhận những nỗi đau của đồng bào đang phải chịu ách nô lệ. Sự thật ấy đã hun đúc trong Người tình yêu quê hương, đất nước và nhân dân cùng khát vọng cháy bỏng độc lập dân tộc. Chính tình yêu quê hương, đất nước, Nhân dân đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành lòng quyết tâm tìm con đường cứu nước, cứu dân. Trong quá trình tìm đường cứu nước, khi đã tìm thấy chân lý cách mạng và con đường giải phóng cho dân tộc mình, Người đã làm tất cả để tập hợp lực lượng, gây dựng phong trào, đấu tranh cách mạng để mang lại nền độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho Nhân dân.

Lòng yêu nước, thương dân, khát vọng độc lập của Người luôn soi đường cho các thế hệ thanh niên Việt Nam. Trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, với tình yêu Tổ quốc cao cả, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần, chiến đấu, cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc, tô thắm truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam anh hùng. Tình yêu quê hương đất nước, khát vọng, hoài bão của mỗi thanh niên hôm nay phải được thể hiện, được bắt đầu từ chính những công việc rất cụ thể hàng ngày trong học tập, lao động, công tác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; dấn thân làm những điều tốt đẹp, đột phá để thay đổi hiện trạng, tiên phong hiện thực hóa tầm nhìn 2030, khát vọng 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã vạch ra.

Thứ hai, phải tìm hướng đi mới, đột phá và khác biệt. Trước những thất bại của các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Bác Hồ tuy rất khâm phục tinh thần cứu nước của ông cha, nhưng Người không tán thành các con đường cứu nước ấy, mà quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước mới, một lối đi mới, đó là sang Pháp “xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”; Người còn sang nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa khác. Bằng lao động và hòa vào dòng chảy của các sự kiện trên thế giới, với trí tuệ thiên tài của mình, Người đã tiếp nhận những giá trị chung và mới của nhân loại để tìm ra con đ­ường cứu nư­ớc, cứu dân thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của nư­ớc nhà và tương thích với sự vận động, xu thế phát triển mới trong quá trình tiến hóa của loài ngư­ời.

Ngày nay, học tập tinh thần đó, mỗi thanh niên phải thực sự chủ động và sáng tạo trong các hoạt động của mình. Mục tiêu tầm nhìn 2030, khát vọng 2045 của dân tộc đòi hỏi mỗi thanh niên hôm nay phải luôn có tinh thần đổi mới sáng tạo, luôn trăn trở tìm hướng đi mới, cách tiếp cận mới đối với mỗi vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra, dấn thân vào những nhiệm vụ mới, khó. Mỗi thanh niên cần chủ động đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, ứng dụng khoa học - công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, lập nghiệp, khởi nghiệp, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các tổ chức của thanh niên cũng phải đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, sáng tạo không ngừng để thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời theo kịp sự vận động nhanh chóng của nền kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế, sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, biết kết hợp tiến bộ của nhân loại với những giá trị truyền thống cốt lõi của dân tộc. Trong sự kết hợp đó cần kiên định để tìm ra cái tốt và phù hợp nhất cho mình. Đi ra n­ước ngoài để “xem xét họ làm thế nào” nhằm “trở về giúp đồng bào chúng ta”, trong suốt 30 năm rời xa Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đi khắp các châu lục, học tập, nghiên cứu, khảo sát, chọn lọc, tiếp thu những giá trị văn hoá, văn minh của nhân loại và thực tiễn các cuộc đấu tranh cách mạng ở nhiều nước để nâng cao trí tuệ, mở rộng tầm nhìn, làm giàu các giá trị văn hóa, tìm ra con đ­ường giải phóng dân tộc, hư­ớng tới mục tiêu vì sự giải phóng con người. Kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, với thế giới quan khoa học và cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng vào thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, thực tiễn cách mạng Việt Nam phù hợp với quy luật, xu thế phát triển trong tiến trình đi lên của lịch sử nhân loại, đó là: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đ­ường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Tiến trình cách mạng Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của nhiều nước, nhiều lực lượng trên thế giới nhưng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vẫn chủ trương “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Bài học của Bác tiếp tục truyền cảm hứng cho thanh niên ngày nay phải luôn nỗ lực học tập, tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo những trào lưu, các tiến bộ, cái tinh hoa của nhân loại vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam. Bối cảnh hội nhập, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày nay giúp thanh niên có điều kiện để học những tinh hoa và phù hợp của các trào lưu trên thế giới nhưng không được phụ thuộc, không được dựa dẫm vào người khác, phải tiếp thu có chọn lọc trên nền tảng các giá trị truyền thống cốt lõi của dân tộc, tiếp thu những giá trị mới để làm giàu bản sắc dân tộc. Để hội nhập sâu rộng với thế giới, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với những tinh hoa của nhân loại, thanh niên ngày nay phải tích cực nâng cao năng lực ngoại ngữ, trở thành những công dân toàn cầu.

Thứ tư, bài học về nghị lực và rèn luyện ý chí quyết tâm, bản lĩnh, nỗ lực, phấn đấu không ngừng và không được tự mãn. Cả quá trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ cũng như suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là tấm gương sáng ngời về nghị lực, ý chí vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện. Thanh niên ngày nay phải luôn có ý thức tự rèn thái độ sống đúng đắn, ý chí, nghị lực vươn lên, vượt khó sáng tạo. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi mỗi thanh niên phải luôn làm giàu cho bản thân tri thức, sức khỏe, kỹ năng, phải luôn có khát vọng vươn tới những tầm cao, nếu thỏa mãn, thanh niên sẽ sớm bị tụt hậu. Để xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sẽ còn phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đòi hỏi thanh niên phải ra sức học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần nghị lực và ý chí quyết tâm, không ngừng nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của tuổi trẻ, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước.

Hướng về kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, mỗi bạn trẻ Việt Nam nói chung, mỗi thanh niên Trường SQLQ1 nói chung cần nỗ lực hơn trong tự rèn luyện, không ngừng sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần thiết thực xây dựng Nhà trường, Quân đội và đất nước.

NMH-H1

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét