Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình yêu vô hạn và sự trân quý cho tất cả mọi người, nhưng đối với thương binh, liệt sĩ, Người luôn dành những tình cảm đặc biệt và hơn ai hết, Người là tấm gương sáng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thương binh, liệt sĩ.
Ngay từ giữa năm
1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn cam go
và quyết liệt, trước hiện thực chiến đấu gian khổ và hy sinh nơi chiến trường,
Chủ tich Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương có chủ trương, chính sách chăm lo đến
thương binh, gia đình liệt sĩ. Chính phủ ban hành chế độ hưu bổng, thương tật
và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ, “ưu đãi các chiến sĩ bị thương và gia đình
liệt sĩ”. Tháng 6 năm 1947, Chủ tich Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một
ngày nào đó trong năm làm “Ngày Thương binh” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu
nghĩa, yêu mến thương binh. Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, một hội nghị trù bị đã khai mạc tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh
Thái Nguyên gồm có một số đại biểu ở Trung ương, khu và tỉnh. Hội nghị nhất trí
lấy ngày 27 tháng 7 là Ngày Thương binh Liệt sĩ và tổ chức ngay lần đầu trong
năm 1947.
Mặc dù bận trăm
công nghìn việc, nhưng hằng năm vào dịp 27/7, Người thường gửi thư và quà đến
các thương binh và các gia đình liệt sĩ. Những bức thư của Người giản dị, chân
thành nhưng là sự động viên, an ủi, kêu gọi rất mộc mạc, cụ thể và thiết thực.
Trong thư Chủ tịch
Hồ Chí Minh gửi cho ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”, Bác viết:“Thương
binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc,
bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm
yếu…Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh
dũng ấy”. Khi đất nước còn nhiều khó khăn, điều kiện để chăm lo, giúp đỡ
thương binh liệt sỹ còn thiếu thốn, Bác đã phát động toàn dân: “Trong lúc chống
nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa, để giúp các đồng bào
bị đói. Bây giờ chống giặc ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba
tháng nhịn ăn một bữa để giúp các chiến sĩ bị thương”. Lời phát động ấy
của Bác vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt mà Bác dành cho những người đang ngày
đêm cầm súng chiến đấu nơi chiến trường, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết dân
tộc của nhân dân Việt Nam, vừa phát động, kêu gọi người dân hãy thể hiện sự
biết ơn thương binh liệt sỹ bằng những hành động cụ thể mà ý nghĩa để chia sẻ
với những hy sinh và mất mát của họ. Với tinh thần đó, Bác là người nêu gương,
tiên phong đi đầu tỏ lòng quan tâm đến thương binh: “Tôi xin xung phong gửi…một
tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch,
cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”. Vào tháng 7 năm 1953, Bác
gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh: “Thưa cụ. Nhân dịp
“Ngày thương binh” tôi xin gửi một tháng lương của tôi và 50 cái khăn tay do
đồng bào phụ nữ Thái biếu tôi, nhờ cụ chuyển cho anh em thương binh lời chào
thân ái của tôi”.
Trong Bản Di chúc
lịch sử, trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn toàn Đảng, toàn quân,
toàn dân ta: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn
thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và
những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình. Đảng,
Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn,
đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần
dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn
hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục
tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh,
liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải
giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Những tư tưởng, tình cảm của Người dành cho thương binh, liệt sĩ và thân nhân
của họ tới nay vẫn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vận dụng, kế thừa và phát
huy.
74 năm qua kể từ
khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lấy ngày 27/7 hằng năm là ngày Thương
binh liệt sỹ, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã tạo nên một truyền thống
quý báu. Đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng
cây”, tri ân, biết ơn và chăm lo những người đã hy sinh máu xương của mình cho
nền độc lập của dân tộc. Hằng năm, các địa phương, các cấp, các ngành bằng
những hoạt động thiết thực đã tạo sức lan tỏa của phong trào “Đền ơn đáp
nghĩa”, hướng về những thương binh, liệt sỹ, nạn nhân chất độc màu da cam, gia
đình có công với cách mạng…Đó là nét đẹp văn hóa, tỏ lòng hiếu nghĩa của dân
tộc, của nhân dân Việt Nam với những người con ưu tú của dân tộc. Đạo lý ấy
luôn sáng ngời trong tâm hồn dân tộc, luôn vang vọng và khắc ghi lời dạy của
Bác Hồ kính yêu đối với thế hệ hôm nay và mai sau.
Mai Duyên – H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét