Trên môi trường
mạng, thói quen tiếp nhận, lan truyền, cổ xúy thông tin theo hiệu ứng domino
làm cho người ta lạc vào “ma trận thông tin” không lối thoát, từ đó dễ bị lôi
kéo, kích động theo tâm lý đám đông lợi bất cập hại. Một số nghiên cứu đã chỉ
ra rằng, nhóm người ở độ tuổi trung niên trở lên (trong đó có cán bộ, đảng
viên) ít có kiến thức về công nghệ thông tin, song lại chịu sự tác động của tin
giả, tin xấu nhiều hơn nhóm người trẻ tuổi. Trong khi đó, một số cán bộ, đảng
viên trẻ am tường về công nghệ số, có kỹ năng dùng mạng xã hội (MXH) thành
thạo nhưng lại hạn chế về nhận thức, bản lĩnh chính trị, vì thế cũng có thể bị ảnh
hưởng bởi những thông tin tiêu cực trên môi trường mạng. Đấy là chưa kể một số
cán bộ, đảng viên “sống” trên MXH vẫn luôn “mũ ni che tai”, thấy
thông tin đúng không bảo vệ, biết thông tin sai không phê phán, đấu tranh.
Sử
dụng MXH là xu hướng trong thời đại công nghệ số và đây là một trong
những quyền chính đáng của con người. Cán bộ, đảng viên cũng không ngoại lệ.
Tuy vậy, cần nhớ rằng, công dân có thể làm tất cả những gì pháp luật
không cấm; còn cán bộ, đảng viên chỉ được làm những điều luật pháp cho phép. Điều
này là hiển nhiên, bởi cán bộ, đảng viên được Nhà nước, nhân dân ủy quyền làm
nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng, quản lý xã hội, do đó họ phải có bổn phận, nghĩa
vụ tiên phong trong việc tạo ra và thực thi những quy ước, chuẩn mực đạo đức,
pháp lý để góp phần nuôi dưỡng, duy trì, thúc đẩy những giá trị tiến bộ, văn
minh của xã hội.
Cán
bộ, đảng viên là “hình ảnh thể chế, hình ảnh quốc gia, hình ảnh chính quyền”
thu nhỏ trong con mắt người dân, do đó họ phải có trách nhiệm chính trị là
chung tay góp sức tạo dựng, lan tỏa “hình ảnh thể chế, hình ảnh quốc gia, hình ảnh
chính quyền” ngày càng tốt đẹp trong xã hội. Ngoài đời thực đã vậy thì
trên MXH cũng phải vậy. Để góp phần giảm thiểu sự nhiễu loạn thông
tin và làm trong sạch môi trường mạng, hơn ai hết, cán bộ, đảng viên cần đề cao
và thực hiện những quy tắc, chuẩn mực khi sử dụng MXH và chấp hành
nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước và cơ quan, đơn vị về kỷ luật phát
ngôn.
Trước
hết cán bộ, đảng viên cần tuân thủ triệt để Quy định số 47-NQ/TW ngày 01-11-2011
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về những điều đảng viên không được
làm”, đó là không được: “Nói trái cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, nghị quyết,
chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; viết bài, đăng những thông
tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước; viết bài, cho đăng tải tin, bài sai
sự thật, vu cáo, bịa đặt; tán phát bài viết, hồi ký không đúng sự thật”. Cùng với
chấp hành nghiêm các quy định về kỷ luật phát ngôn và quy định về cung cấp
thông tin trên MXH theo Luật An ninh mạng 2018, cán bộ, đảng viên,
công chức, viên chức cần quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh Đề án Văn hóa
công vụ năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có yêu cầu phải
“tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng MXH để khai thác, tuyên
truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến
hoạt động công vụ”.
MXH như
một trong những tấm gương phản chiếu về chính bản thân người sử dụng nó. Để góp
phần giữ gìn hình ảnh, tư cách của mình, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên
chức sống, ứng xử ở ngoài đời chuẩn mực như thế nào thì cũng phải giao tiếp, cư
xử, tương tác trên MXH thể hiện ý thức chuẩn mực như thế. Bên cạnh việc
giữ gìn lời ăn tiếng nói lành mạnh của bản thân trên MXH, cán bộ, đảng
viên rất nên và rất cần cổ vũ, khích lệ, lan tỏa những điều tốt đẹp, những giá
trị nhân văn, những hình ảnh tràn đầy năng lượng tích cực để góp phần làm giàu
những giá trị văn hóa trên môi trường mạng. Mặt khác, khi tham gia MXH, mỗi
cán bộ, đảng viên cần thể hiện lập trường, chính kiến chính trị rõ ràng của
mình để bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, qua đó góp phần giữ vững và tăng
cường sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; đồng thời góp phần
làm cho hình ảnh văn hóa Việt Nam và những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của con
người Việt Nam ngày càng tỏa sáng trong lòng bạn bè thế giới./.
NKC-BC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét