Pages - Menu

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM LÀ HỢP QUY LUẬT

 

 Trong thời gian gần đây trên các diễn đàn, nhất là trên không gian mạng xã hội có một số bài viết, bài nói với luận điệu sai trái, xuyên tạc và phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mà chúng ta cần lên án bác bỏ. Họ cho rằng việc lựa chọn con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, là đẻ non, là duy ý chí, là trái quy luật phát triển... Những luận điệu này cơ bản xoay quanh các lập luận như: các nước trong khu vực phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, nay đã trở thành những “con rồng”, “con hổ” châu Á. Trong khi Việt Nam vẫn là nước chậm phát triển, còn nhiều hạn chế, yếu kém về kinh tế - xã hội, bộc lộ nhiều sai lầm về đường lối, không đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Cho nên, không nhất thiết phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, con đường nào cũng được miễn sao giàu mạnh, “chưa đẻ con đã lo đặt tên”; “Sự hùng mạnh như Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, từng là thành trì của chủ nghĩa xã hội cuối cùng cũng từ bỏ ngọn cờ để đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”. Do đó, một nước như Việt Nam không nên tiếp tục đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, mà nên rẽ theo một hướng khác, con đường khác để mở đường phát triển…(?)

Vì vậy mỗi người dân Việt Nam phải nhận thức rõ con đường phát triển của mỗi chế độ xã hội nói chung, của chế độ xã hội chủ nghĩa trên thế giới và ở Việt Nam nói riêng là quá trình quanh co phức tạp. Sau sự khủng hoảng, sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên xô, một số nước Đông Âu, Đảng ta khẳng định: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”[1]. Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[2].

Thực tế dân tộc Việt Nam đã bị hai đế quốc (là hai nước tư bản) lớn nhất trong thế kỷ XX xâm lược, bóc lột, nên rất thấu hiểu bản chất, tội ác của chúng gây ra và những giá trị về độc lập tự do của dân tộc. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã trải qua nhiều giai đoạn, nhưng bản chất chưa bao giờ thay đổi vẫn là chế độ người bóc lột người. Ngày nay chủ nghĩa tư bản hiện đại bước sang giai đoạn cao là chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa, tuy đạt được nhiều thành tựu giải phóng, phát triển lực lượng sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ nên đã đạt được năng suất lao động cao. Song chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó, các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, các tệ nạn xã hội mà nhất là khi dịch Covid - 19 diễn ra lại càng làm bộc lộ rõ bản chất chế độ chính trị - xã hội là không phải vì sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân lao động.

Lịch sử Việt Nam đã là nước nông nghiệp lạc hậu, lại bị chiến tranh xâm lược tàn phá rất nặng nề, để lại những hậu quả hết sức to lớn cả về người, về cơ sở vật chất và môi trường sinh thái. Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng ta lãnh đạo cả nước bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên chủ nghĩa xã hội, với đường lối đổi mới trong 35 năm qua đã đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm, cùng với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”… Những thành tựu to lớn ấy khẳng định con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Từ năm 1986 đến nay đã có những bàn luận về tính đặc thù, các chặng đường và độ dài của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Với các thuật từ mà Đảng ta đã sử dụng trong các văn kiện là: “chặng đường đầu”, “thời kỳ công nghiệp hóa”, “thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa”; “thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; “công nghiệp phát triển”…Miền Bắc đã trải qua gần 70 năm, cả nước là 46 năm tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, trải qua 13 kỳ Đại hội của Đảng và 35 năm thực hiện đường lối đổi mới. Đây là khoảng thời gian vừa đủ để tổng kết, khái quát về tính đặc thù, độ dài, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ở các chặng đường đã đi qua, những chặng đường còn lại của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định đến năm 2045, chúng ta thực hiện khát vọng trở thành nước có nền công nghiệp phát triển  - nước phát triển, đây là bước nhảy cần thiết để kết thúc thời kỳ quá độ là có căn cứ khoa học. Bởi vì, đến thời điểm đó chúng ta đã chuẩn bị về cơ bản cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội tồn tại và thể hiện tính ưu việt thực sự trên chính cơ sở của nó.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thành công rất tốt đẹp; các phần tử cơ hội chính trị lại hằn học và ra sức tìm mọi thủ đoạn để gây mất niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, Bác Hồ, nhân dân ta đã lực chọn. Chúng muốn chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân nhằm làm suy yếu nội bộ, tạo thời cớ can thiệp để làm đổi màu chế độ chính trị của nước ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Vì thế, mỗi người dân Việt Nam hãy cảnh giác, không bị mắc mưu của những luận điểm xuyên tạc và phản động đó. Chúng luôn tỏ vẻ là “người yêu nước”, “vì dân” và có “lý luận” nhưng thực chất chỉ là “những nhà chính trị cuội”, làm tay sai cho kẻ thù, phản bội lại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta và bài xích Đảng Cộng sản Việt Nam. Khát vọng của dân tộc ta trở thành nước phát triển phồn vinh, nhân dân có đời sống ấm no, hạnh phúc theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhất định sẽ trở thành hiện thực./.

 [1] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb, ST, HN, 1991, tr.8.

 [2] ĐCSVN, Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XI, Nxb, CTQG, ST, HN, 2011, tr.24.

=TXD-H2=

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét