Ngay từ buổi
bình minh lịch sử, khai thiên lập địa, con Lạc cháu Hồng luôn ý thức được rằng,
muốn tồn tại và phát triển phải luôn chung sức, đồng lòng, cố kết dân tộc. Trải
qua các cuộc đấu tranh chống chọi với tự nhiên và địch họa, nhân dân ta luôn hiểu
thấu triết lý, ý nghĩa của tình đồng bào, đồng chí, anh em, sớm tạo nên một đặc
trưng văn hoá nổi bật của Việt Nam: tư tưởng yêu nước thấm sâu và bao trùm mọi
lĩnh vực. Các yếu tố cộng đồng có nguồn gốc nguyên thuỷ đã sớm được cố kết lại,
trở thành cơ sở phát triển chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường,
tự tôn dân tộc, nhân văn, nhân ái, thủy chung... Tinh thần cộng đồng, tương
thân tương ái, yêu thương san sẻ, đùm bọc lẫn nhau là những đức tính được hun
đúc, sợi chỉ đỏ xuyên suốt truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc
Việt Nam. Đó là cơ sở, nền tảng vững chắc để rồi trải qua bao khó khăn, hoạn nạn,
trong thử thách của chiến tranh, địch họa, người Việt Nam luôn và đều có những
sáng tạo không ngừng để hướng về tương lai tốt đẹp. Điều này đã được minh chứng
sống động qua các cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ
xâm lược và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Trong những
ngày này, chúng ta có thể nhận thấy những chuyến bay chở các y, bác sĩ từ miền
Bắc vào với đồng bào miền Nam. Chúng ta như được trở về với lịch sử hào hùng của
những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với những chuyến xe lịch
sử của đồng bào miền Trung chở những chuyến hàng hỗ trợ, chia sẻ với Thành phố
Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Các tỉnh miền trung như Nghệ An, Hà Tĩnh.. cũng đã lên phương án đón con em Hà Tĩnh sinh
sống, học tập và lao động tại đây trở về về quê hương. Hình ảnh của những cụ
già 90 tuổi, những em bé còn đang trong độ tuổi học sinh tiểu học cũng đồng
lòng cùng cả nước chống dịch với số tiền tiết kiệm của mình. Đây thực sự là
tình người, là sự chuyển hóa truyền thống nhân văn, nhân đạo của người dân đất
Việt, con Lạc, cháu Hồng.
Cùng với đó,
các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ nói chung và của Thành phố
Hồ Chí Minh nói riêng đã được người dân đồng tình, ủng hộ. Trên các diễn đàn, mạng
xã hội, nhiều ý kiến đã liên tục ca ngợi các quyết sách của Chính phủ và chính
quyền thành phố cũng như đối với một số cá nhân chủ chốt - là các vị lãnh đạo -
của công tác này. Sự đồng thuận đó không chỉ xuất phát từ các nỗ lực chung hay
các giải pháp kiên quyết, hợp lý mà còn ở mục tiêu nhân đạo, nhân văn sâu sắc của
các giải pháp. Ngay cả một số người thường có thành kiến với các quyết sách của
Đảng và Nhà nước, thường phản đối các phát biểu của các vị lãnh đạo thì nay vẫn
bày tỏ những ý kiến ủng hộ, khen ngợi.
Ngay cả người
nước ngoài khi đến Việt Nam, phải thực hiện việc cách ly, dù có những khó chịu
nhất định, nhưng cũng tỏ ý ca ngợi giải pháp của Việt Nam, như trường hợp của một
công dân Anh mang tên Gavin Wheeldon, đăng trên Globe, một trang tạp chí về
Đông Nam Á. Anh từ London đến Hà Nội ngày 14/3, vừa xuống sân bay thì phải đến
khu cách ly tập trung tại Sơn Tây. Gavin viết: “Khi mọi người đến, cứ tiếp
tục hỏi những câu đã hỏi rồi, tôi bỗng thấy thương cho cô phiên dịch. Cô ấy ở
đây để giúp chúng tôi. Mọi thứ bỗng trở nên hiền dịu nhân văn hơn. Chúng
tôi là những vị khách tới thăm một quốc gia đang vừa cố gắng tự bảo vệ trước dịch
Covid-19 vừa đối đãi chúng tôi tử tế. Đó là bản tính tốt của con người Việt
Nam”... Đây không phải là nhận xét tích cực duy nhất của người nước ngoài về
công tác phòng chống dịch của Việt Nam trong thời gian qua. Cuộc chiến chống
Covid-19 có thể còn dài và còn nhiều khó khăn, thử thách. Hơn lúc nào hết, cần
sự đồng lòng, hiệp lực của toàn dân, nhất là trong việc nâng cao ý thức, nhận
thức về sự tự bảo vệ và trách nhiệm với cộng đồng, để cuộc chiến chống dịch bệnh
này có thể thắng lợi hoàn toàn.
Với chủ trương
dồn mọi nguồn lực, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong phòng chống đại
dịch Covid-19, kiểm soát tốt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, dập dịch triệt để
bên trong, “truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa,
giãn cách xã hội ở phạm vi và thời hạn cần thiết, chặn đứng nguồn lây”, đề cao
chiến lược 5K + Vắc xin, thần tốc xét nghiệm và tiêm vắc xin cho nhân dân, bảo
đảm an toàn ở mức cao nhất cho các cơ sở y tế, khu công nghiệp, khu dân cư đông
người.
Đặc biệt, mục
tiêu đảm bảo đủ vắc xin, triển khai nhanh, hiệu quả và an toàn kế hoạch tiêm vắc
xin ở tại thời điểm này có ý nghĩa chiến lược, quyết định rất lớn đến thành quả
chống dịch, đưa xã hội trở lại nhịp sống bình thường cũng như thực hiện thắng lợi
mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế cho năm 2021
và những năm tiếp theo.
Cho đến thời điểm
hiện tại, dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đang diễn biến hết sức phức tạp, Thành
phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đang gồng mình chống chọi với cơn đại
dịch. Tính đến 6.00’ ngày 23/7/2021 ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh
(3.302), Long An (223), Đà Nẵng (47), Bình Dương (37), Tiền Giang (37), Tây
Ninh (36), Đồng Nai (33), Đồng Tháp (31), Bình Thuận (23), Bến Tre (20), Ninh
Thuận (19), Phú Yên (15), Hà Nội (14), Kiên Giang (13), Vĩnh Long (12), Nghệ An
(11), Cần Thơ (10), Trà Vinh (9), Đắk Lắk (4), Quảng Nam (1), Lai Châu (1)
trong đó có 191 ca trong cộng đồng. Lai Châu kể từ đầu mùa dịch, lần đầu tiên
ghi nhận có ca mắc mới tại cộng đồng trong giai đoạn này. Đây là ca bệnh có tiền
sử về từ TP. Hồ Chí Minh. Tính đến sáng ngày 23/7, Việt Nam có tổng 78.269 ca mắc,
trong đó có 2.129 ca nhập cảnh và 76.140 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi
nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 74.570 ca. Có 09/62 tỉnh,
thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị,
Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.
Tuy nhiên, với
nhiều chủ trương, biện pháp tích cực của lãnh đạo các cấp dịch bệnh Covid - 19 ở
nước ta cơ bản được kiểm soát tốt, nhiều bệnh nhân dương tính với virus đã
được điều trị, xuất viện, trở lại cuộc sống bình thường (10.647 bệnh nhân đã được
công bố khỏi bệnh). Những tín hiệu vui mừng đó chính là “liều
thuốc tinh thần’ hữu hiệu trấn an tâm lý người dân, giúp họ yên tâm lao động,
sản xuất, học tập… Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ở Ấn Độ, Inđônêxia, Thái Lan,
Nga... lại có những biến động bất thường với số ca nhiễm mới và tử vong có
chiều hướng gia tăng. Vì thế, chúng ta vẫn luôn xác định không chủ quan, coi
thường, luôn giữ tinh thần chủ động để ứng phó kịp thời với những tình huống xấu
có thể nảy sinh. Từ những ứng phó, ứng xử kịp thời, linh hoạt, hiệu quả của
Chính phủ, nhân dân trong “cuộc chiến phòng chống” dịch bệnh đã cho chúng ta những
bài học quý mang đậm triết lý nhân sinh.
Đó là sự gắn kết,
đồng lòng giữa Chính phủ với nhân dân. Mỗi quyết sách của Chính phủ xuất phát từ
lợi ích của nhân dân đều được toàn dân tin tưởng, ủng hộ, đồng lòng,
tạo nên sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Chính sự phối hợp nhịp
nhàng cùng tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đã trở thành
cơ sở vững chắc để các cơ quan chức năng từng bước nhận diện,
khoanh vùng và dập tắt dịch bệnh, tạo môi trường, không gian lành mạnh cho toàn
dân. Yêu thương, nhân ái, đoàn kết, đồng lòng là truyền thống quý báu
của dân tộc ta, được thể hiện rõ nhất mỗi khi đất nước lâm vào tình thế khó
khăn, thử thách.
Trong xã hội
thông tin, bên cạnh “dòng” thông tin chính thống, hữu ích, thì những tin giả
(fake news) xuất hiện tràn lan trên internet và mạng xã hội thường gây hoang
mang, lo lắng, bi quan cho không ít người. Những thông tin xấu, tin giả với mục
đích “câu view”, xuyên tạc, bịa đặt cũng được coi là một loại “dịch bệnh xã hội”
mà đôi khi tác hại của nó còn nguy hiểm hơn virus. Vì thế, bài học đối với mỗi
người dân khi tiếp nhận thông tin là cần bình tĩnh, có bản lĩnh, trình độ để
phân biệt, nhận diện đúng - sai. Từ đó lên án, đấu tranh với những biểu hiện
sai trái, gìn giữ khối đại đoàn kết toàn dân.
Đi lên từ đất
nước nông nghiệp, nhân dân ta luôn hiểu thấu triết lý, ý nghĩa của tình đồng
bào, đồng chí, anh em. Trải qua bao khó khăn, hoạn nạn, trong thử thách, hiểm
nghèo, người Việt đều có những sáng tạo không ngừng để hướng về tương lai tốt đẹp.
Tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái, yêu thương san sẻ, đùm bọc lẫn nhau
là những đức tính được hun đúc, hình thành xuyên suốt truyền thống lịch sử để
tiếp nối, phát huy trong tình hình mới.
Dù dịch bệnh
Covid-19 vẫn đã và đang là mối đe dọa gây nguy hại to lớn về nhiều mặt đối với
xã hội và nhiều người, nhưng nó cũng là một phép thử đối với khả năng
ứng phó, điều hành của chính quyền; thái độ, bản lĩnh của mỗi người dân.
Khi “sức đề kháng” tinh thần của mỗi cá nhân, rộng ra là cả dân tộc khỏe mạnh,
triệu con tim chung nhịp đập quyết tâm, đồng hành vượt khó khăn, lan tỏa giá trị
nhân văn, bồi đắp tình nhân ái, thì chắc chắn dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, đất nước
sẽ tiếp tục đi lên “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc”.
N.T.K.T - H2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét