Pages - Menu

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

VỤ QUÂN NHÂN TRẦN ĐỨC ĐÔ MẤT: TRƠ TRÁO “BẺ LÁI” XUYÊN TẠC VỀ TÌNH ĐỒNG CHÍ, ĐỒNG ĐỘI

 

Trong những ngày qua, khi vụ việc quân nhân Trần Đức Đô (sinh năm 2002, quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh là chiến sĩ thuộc Đại đội 14, Tiểu đoàn 4, Trường Quân sự Quân khu 1) tử vong đã được các cơ quan chức năng của cả Quân đội và Công an điều tra làm rõ thì trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin không chính thống, những thông tin bịa đặt, nhào nặn sai sự thật thậm trí xuyên tạc, bóp méo từ các trang mạng xã hội của các tổ chức phản động như Việt Tân, Nhật ký yêu nước...khi cho rằng quân nhân Đô tử vong là do bị tiểu đội trưởng (là chiến sĩ cũ đánh).

Lợi dụng sự việc trên và một số vụ việc xô sát giữa những chiến sĩ đã từng bị đưa lên mạng xã hội trước đây. Chúng cho rằng tình trạng cán bộ đánh chiến sĩ hay chiến sĩ cũ bắt nạt chiến sĩ mới xảy ra thường xuyên trong các đơn vị quân đội, thậm trí việc cán bộ đánh chiến sĩ hay bật đèn xanh để cho chiến sĩ cũ đánh chiến sĩ mới là biện pháp để "giáo dục", "dằn mặt". Từ đó chúng cho rằng môi trường quân đội không còn tính nhân văn, không còn cái gọi là tình đoàn kết đồng chí, đồng đội. Đó là nhận định hoàn toàn sai trái, quy chụp. Trong quân đội không phải không có tình trạng chiến sĩ cũ bắt nạt chiến sĩ mới hay xô sát giữa các chiến sĩ với nhau vì những điều nhỏ nhặt, vụn vặt nhưng đó đều là những điều bị cấm kỵ trong quân đội và những quân nhân vi phạm đều bị xử lý kỷ luật thích đáng. Và về bản chất những sự việc như vậy không phải là phổ biến và không thể làm mất đi bản chất, truyền thống đoàn kết "gắn bó với nhau như ruột thịt", tình đồng chí, đồng đội trong quân đội.

Quân đội nhân dân Việt Nam ngay từ ngày đầu thành lập (ngày 22/12/1944 với tên ban đầu là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân) đã có Mười lời thề danh dự. Trong đó có lời thề: “Xin thề: hết sức ái hộ các bạn chiến đấu, trong đội cũng như ái hộ bản thân, hết lòng giúp nhau trong lúc thường cũng như lúc ra trận”. Tình cảm đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội đã trở thành phẩm chất cơ bản trong các phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ. Tình đồng chí, đồng đội phản ảnh mối quan hệ của những người cùng chung mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời cũng phản ánh các mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa những người đồng cấp, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa chiến sĩ với chiến sĩ, đó là thứ tình cảm đặc biệt sâu sắc giữa các quân nhân trong đội quân cách mạng. Tình đồng chí, đồng đội được hình thành ngay từ khi quân nhân bước vào quân ngũ, được các cấp uỷ đảng, chỉ huy các cấp giáo dục, được tôi luyện trong thực tiễn chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động, học tập và công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được. Bởi vậy, cần phải thương yêu đội viên. Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất, tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn no, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới là dân chủ, là đoàn kết, là tất thắng”.

Tập thể quân nhân trong mỗi đơn vị quân đội là một tập thể có quan hệ đặc biệt, mỗi thành viên luôn có trách nhiệm với nhau, liên kết chặt chẽ với nhau về mọi mặt trên tình thương yêu đồng chí, đồng đội. Mọi hành vi ứng xử của mỗi quân nhân và mối quan hệ qua lại giữa các quân nhân với nhau đều có ảnh hưởng đến bầu không khí tâm lí trong tập thể, sức mạnh chiến đấu và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của toàn đơn vị. Tập thể quân nhân cũng chính là môi trường ảnh hưởng trực tiếp nhất đến sự hình thành phẩm chất tình đồng chí, đồng đội của mọi quân nhân. Tình yêu thương đồng chí, đồng đội không chỉ biểu hiện trong suy nghĩ, trong lời nói mà còn bằng hành động cụ thể cùng nhau chia sẻ khó khăn, hoạn nạn trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Những người lính Bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng nhận khó khăn, gian khổ, hy sinh về mình, nhường cơm, sẻ áo cho nhau, chăm sóc đồng đội lúc thường cũng như lúc ra trận. Nhờ có tình cảm yêu thương đặc biệt đồng chí, đồng đội mà mặc dù hoạt động trong môi trường đặc thù, luôn phải đối mặt với các khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh cả tính mạng, nhưng với bản chất cách mạng, phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, những người lính luôn vượt qua được mọi khó khăn trở ngại.

Tình đồng chí, đồng đội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, vừa là thuộc tính bản chất của một đội quân cách mạng, vừa là một trong những cơ sở tạo nên sức mạnh của Quân đội. Nó đã được tôi luyện, thiết lập vững chắc qua những năm tháng chiến tranh ác liệt và cho đến nay, trở thành nét đẹp truyền thống, thành bản chất không thể phai mờ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, là một trong những nhân tố “gốc” cấu thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Quân đội ta.

Do vậy không thể chỉ vì một vài sự việc đơn lẻ mà đã vội quy chụp cho rằng tình cảm đoàn kết yêu thương đặc biệt đồng chí, đồng đội trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã bị phai nhạt. Nhận thức được điều đó để mỗi chúng ta ra sức góp phần giữ gìn, phát huy, tô thắm thêm bản chất, truyền thống tốt đẹp tình đoàn kết, đồng chí, đồng đội, yêu thương giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, mọi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội. Kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng vi phạm kỷ luật làm phá hoại tình đoàn kết, đồng chí, đồng đội trong quân đội và những bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ, bóp méo của các thế lực thù địch về bản chất, truyền thống tốt đẹp tình đoàn kết, đồng chí, đồng đội của Quân đội ta.

LXT-K1

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét