Giữa lúc các quốc gia căng sức ứng phó đại dịch Covid-19, một loại "vi-rút" khác không kém phần nguy hiểm cũng đang lây lan với tốc độ nhanh chóng và tạo tâm lý hoang mang, lo sợ, đó là tin giả. Dẹp bỏ các luồng thông tin sai lệch đang là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết, bởi các thông tin này cản trở nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu.
Các chuyên gia Mỹ mới
đây tố giác 12 đối tượng liên quan các thông tin sai sự thật về vắc-xin ngừa
Covid-19 đang lan truyền mạnh mẽ trên những nền tảng mạng xã hội như Facebook,
Instagram, Twitter... Giám đốc điều hành Trung tâm chống hận thù trên nền tảng
kỹ thuật số, ông Imran Ahmed nêu rõ, chỉ riêng 12 đối tượng nêu trên đã phát
tán tới 65% lượng tin giả có nội dung bài vắc-xin trên các nền tảng xã hội. Những
người này kêu gọi tăng cường sức khỏe một cách tự nhiên, thay vì tiêm vắc-xin
phòng bệnh. Một vài người trong số đó còn rao bán thực phẩm chức năng và sách.
Mặc dù chính phủ
các nước đã tuyên chiến với nạn tin giả, đưa ra nhiều biện pháp xử lý "mạnh
tay" đối với các đối tượng tung tin giả, song đến nay, sự xuất hiện của
các luồng tin sai lệch, thất thiệt vẫn gia tăng nhanh chóng. Tại Anh, những
thông tin trên mạng xã hội như tiêm chủng gây vô sinh, vắc-xin phòng Covid-19
làm thay đổi ADN… trở nên phổ biến đối với giới trẻ, ít nhiều tạo nên sự nghi
ngại trong tiêm phòng. Tại Philippines (Phi-líp-pin), hàng triệu người dân đang
sinh sống tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng họ vẫn chần chừ
chưa tiêm vắc-xin do bị tác động bởi những thông tin thất thiệt. Theo khảo sát
của Viện Nghiên cứu Social Weather Stations, 68% số người dân Philippines hiện
chưa quyết định hoặc không sẵn sàng tiêm vắc-xin.
Tổng Giám đốc Tổ chức
Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, niềm tin của công
chúng vào các bằng chứng và cơ sở khoa học là điều cần thiết để vượt qua đại dịch
Covid-19. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google, Microsoft, Twitter,
YouTube... cũng quyết liệt tham gia chống thông tin giả mạo. Chỉ riêng trong ba
tháng cuối năm 2020, Facebook thông báo đã xóa 1,3 tỷ tài khoản giả mạo, qua đó
góp phần loại bỏ việc lan truyền các thông tin sai lệch.
Tổng thống Mỹ Joe
Biden khẳng định, thông tin giả về vắc-xin ngừa Covid-19 có thể "giết người",
bởi vắc-xin đã được chứng minh là hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử
vong. Cuộc chiến gian nan đẩy lùi nạn tin giả chỉ có thể đạt được thành quả khi
chính phủ các nước, các hãng công nghệ... quyết liệt vào cuộc và quan trọng hơn
cả là mỗi người dân cần nâng cao sự tỉnh táo cùng tinh thần trách nhiệm khi tiếp
nhận những nguồn thông tin chung quanh mình./.
NTH-H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét