Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh
luôn cho rằng: tương lai của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc và sự thành công của
cách mạng phần lớn phụ thuộc vào lực lượng thanh niên. Người chỉ rõ: “Thanh
niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu
hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên.”[1]. Hồ Chí Minh
luôn coi trọng việc giáo dục, đào tạo thanh niên, trong đó giáo dục đạo đức
cách mạng cho họ có vị trí quan trọng đặc biệt. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo
dục đạo đức cách mạng cho thanh niên là cơ sở, điểm xuất phát cho giáo dục các
lĩnh vực khác. Đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng vững chắc của thanh niên.
Nhờ có đạo đức cách mạng mà mỗi thanh niên có thể tự phấn đấu hoàn thiện mình,
hình thành năng lực thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Người
cho rằng: “Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây
phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có
đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[2]. Với việc đánh
giá vai trò của đạo đức cách mạng như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ đạo
sát thực, để giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên. Trước lúc đi xa Người
còn căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo
họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”[3].
Để giáo dục đạo đức cách mạng cho
thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải thực hiện tốt một số giải pháp cơ
bản sau:
Thứ nhất, giáo dục lòng trung thành
với Đảng với Tổ quốc, và nhân dân.
Tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh
là Tổ quốc luôn gắn liền với nhân dân. Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh
niên phải giáo dục phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân”. Yêu nước hay trung
thành với Tổ quốc là phải “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được
hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[4]. Trung thành với
Đảng, theo Người là phải giáo dục cho thanh niên có được những đức tính trung
thực, ngay thẳng, không làm gì hại cho Tổ quốc và nhân dân. Lúc được giao việc
thì bất kể to hay nhỏ đều ra sức làm cẩn thận, có hiệu quả và phải biết làm
việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng. Hiếu với nhân dân, là phải giáo dục
thanh niên biết yêu mến nhân dân, quý trọng nhân dân, học tập, chiến đấu vì
nhân dân. Phải chăm lo và bảo vệ lợi ích của nhân dân, tích cực giúp đỡ nhân
dân vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, để phát triển sản xuất, cải thiện
đời sống. Đồng thời, dám đấu tranh chống lại mọi biểu hiện sách nhiễu nhân dân,
và luôn dựa vào nhân dân để phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, làm
cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thứ
hai, Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên phải giáo dục những phẩm chất
cao quý như: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
Thông qua giáo dục cho họ những
phẩm chất những tác phong đẹp đẽ như khiêm tốn, giản dị; tích cực, siêng năng,
làm hết sức mình, gan dạ, táo bạo và sáng tạo; giáo dục đức tính trung thực,
thật thà, dũng cảm trong việc công cũng như việc tư. Trong buổi lễ khai giảng
Trường đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19 tháng giêng năm 1955, Người nói:
“Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư, tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh
hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói
xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa sỉ. Chống
cách sinh hoạt uỷ mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”[5], vì đó là những
thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của thanh niên. Người còn căn dặn thanh niên
phải: “Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu
căng tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành phê bình và phê bình nghiêm
chỉnh để giúp nhau cùng tiến bộ”[6].
Thứ ba, phải giáo dục thanh niên có nhận thức
đúng và tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng và trí tuệ của
tập thể của nhân dân.
Nếu không có sự lãnh đạo của Đảng,
sự chăm lo của tập thể và của nhân dân thì thanh niên không thể trưởng thành
được. Từ đó, phải làm cho thanh niên tìm ra được sức mạnh trong tập thể nhỏ bé
của mình cũng như trong nhân dân, có sự đồng cảm và chia sẻ những công việc
nặng nhọc với nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân. Hồ Chí Minh nói: “Đạo đức
cách mạng là hoà mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần
chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”[7]. Phải giáo dục
thanh niên có tình thương và trách nhiệm với mọi người, chống chủ nghĩa cá
nhân. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III, Đoàn thanh niên Lao động Việt
Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích
riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể, miễn là mình béo,
mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra mọi tính hư tật xấu như: lười biếng, suy bì,
kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô. Nó là kẻ thù hung ác của đạo
đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”[8].
Thứ tư, cùng với việc chỉ ra nội
dung giáo dục, Hồ Chí Minh còn chỉ ra phương pháp giáo dục.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải nói
những điều dễ hiểu, không nên nói những điều cao xa, chung chung về đạo đức và
cũng không đồng ý cách giáo dục đóng khung trong sự tu tâm, dưỡng tính để tìm
thấy sự yên ổn, thanh khiết của cá nhân. Người nói: “Nếu các cháu tốt nghiệp
rồi việc trước tiên lại chỉ lo sao cho mình có quần áo đẹp, có căn nhà riêng
sang trọng làm tổ ấm, thì công tác giáo dục của các chú không thể coi là có kết
quả tốt được”[9]. Đạo đức cách
mạng phải được thể hiện bằng hành động cách mạng, chỉ có hành động cách mạng
cho dân, cho nước, thanh niên mới thể hiện giá trị đạo đức của mình. Người nói:
“Người có đạo đức là người biết rèn luyện tài năng và không được phép ngồi yên
bên cạnh dòng thác lịch sử đang cuồn cuộn chảy xiết, như ẩn sĩ ngồi trong tháp
ngà”[10]. Trong quá
trình giáo dục Người còn chỉ rõ: “ Nhà trường, đoàn thể và gia đình hàng ngày
phải biết phòng ngừa và đẩy lùi những cái không tốt đó cho các cháu. Phải thấy
phần đông các cháu là tốt, cần lấy ngay gương tốt đó của các cháu và những
gương người tốt việc tốt trong nhân dân để giáo dục các cháu, không nên nói lý
luận suông”[11]. Người phê phán
phương pháp giáo dục nhồi sọ của đế quốc và phong kiến. Người yêu cầu “ Trong
trường, cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận dân
chủ nhưng phải kính thầy, thầy phải quí trò, chứ không phải “cá đối bằng đầu”[12].
Tư
tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên còn nguyên giá
trị trong thời đại ngày nay. Những lời dạy của Người, là cơ sở lý luận và thực
tiễn để Đảng ta vạch ra chiến lược giáo dục- đào tạo thanh niên trong thời gian
tới. Vận dụng những lời dạy thiết thực của Người, chắc chắn chúng ta sẽ bổ xung
những điểm thích hợp vào mô hình người thanh niên mới xã hội chủ nghĩa. Đặc
biệt, chúng ta sẽ khắc phục được những điểm bất cập trong giáo dục thanh niên
hiện nay, nhằm xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát huy cao nhất năng lực
nội sinh của mình, để phục vụ có hiệu qủa trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện
đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh.
NXT- H1
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 216
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 252
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 510
[4]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb,
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 187
[5] Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh
niên, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1980, tr. 133
[6] Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh
niên, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1980, tr. 376
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr. 290
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr. 306
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 566
[10] Thành Duy: Tư tưởng Hồ Chí Minh về
đạo đức, Nxb, CTQG, Hà Nội, 1996, tr. 144
[11]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12,
tr. 566
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 456
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét