Pages - Menu

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2021

ĐIỂM MỚI TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VỀ ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG, CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ

(Ảnh minh họa)

Vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế là nội dung lớn, chính thức được đề ra từ Đại hội XI. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011  - 2020 xác định nội dung của đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, như sau: “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; phát triển kinh tế tri thức. Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh”. Đại hội XII tiếp tục đề ra nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cụ thể: “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng: cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước; cơ cấu lại và giải quyết có kết quả vấn đề nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại nông nghiệp...”.

Như vậy, có thể thấy vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế là vấn đề lớn, quan trọng và nhất quán trong chủ trương, đường lối của Đảng từ Đại hội XI đến nay, đồng thời còn có sự gắn kết giữa các quá trình và phạm vi cơ cấu lại đã mở rộng từ chủ yếu tập trung vào ba lĩnh vực đã mở rộng ra toàn bộ nền kinh tế.

Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục đề cập đến nội dung trên, nhưng nhấn mạnh mô hình tăng trưởng mới cần tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể là: “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”.

Điểm mới, được nhấn mạnh ở đây là mô hình tăng trưởng mới dựa trên tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này do, một là, nền kinh tế của chúng ta phát triển theo chiều rộng đã tới hạn, cần đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu; hai là, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc tận dụng cơ hội là hết sức quan trọng và có tính quyết định tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững cho đất nước. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” nhấn mạnh, cần chủ động và tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chính phủ cũng đã có chương trình hành động để thực hiện nghị quyết này. Trong các chỉ tiêu cụ thể của nền kinh tế cần đạt được cho giai đoạn 2020 - 2025 đã xác định cụ thể kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Văn kiện cũng nhấn mạnh yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học - công nghệ; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công. Cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực”(4). Ở đây, cần chú ý cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên để đất đai, tài nguyên được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sức cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, văn kiện lần này nhấn mạnh đến cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nói chung để phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Đây cũng chính là để khắc phục sự thiếu gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dẫn đến chưa tạo ra được sự chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân để thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế cũng là điểm nhấn trong văn kiện lần này. Văn kiện nêu rõ: “Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60% - 65%”. 

Ngoài ra, điểm mới của văn kiện lần này là nội dung cơ cấu lại kinh tế vùng, đổi mới thể chế liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng, phát huy vai trò các vùng kinh tế động lực, quan tâm phát triển các vùng còn khó khăn, thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các vùng.

Những điểm mới này, thể hiện sự phát triển lý luận của Đảng trước thực tiễn kinh tế đang diễn ra, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đồng thời tạo cơ sở lý luận vững chắc cho các nhiệm kỳ tiếp theo đưa kinh tế nước ta phát triển đi lên./.

NHB-H3

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét