Pages - Menu

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

NÂNG CAO BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ CHO ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN Ở TRƯỜNG SĨ QUAN LỤC QUÂN 1 TRƯỚC ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA MẠNG XÃ HỘI

 

  Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, việc tham gia các trang mạng xã hội nhằm mục đích giải trí, chia sẻ và trao đổi thông tin, giao lưu, kết nối giữa các cá nhân với nhau ở khắp mọi nơi trên thế giới ngày càng trở nên hết sức phổ biến. Bên cạnh tác động tích cực, mạng xã hội cũng bộc lộ những tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến phẩm chất, đạo đức, lối sống, kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Bản lĩnh chính trị của người giảng viên trẻ là sự vững vàng, kiên định về lập trường chính trị, tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng; có năng lực làm chủ về chính trị, không bị dao động trước các vấn đề chính trị - xã hội nói chung, trước những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội nói riêng tác động đến hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, có quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

  Bước vào “kỷ nguyên 4.0”, con người càng trở nên bận rộn và ít có điều kiện để gặp gỡ, trao đổi thông tin, tình cảm trực tiếp với nhau. Điều đó đặt ra nhu cầu bức thiết về một giao thức, mà ở đó, con người có thể kết nối không giới hạn cả về không gian và thời gian. Mạng xã hội ra đời đã đáp ứng gần như hoàn hảo nhu cầu bức thiết đó. Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận, mạng xã hội cũng mang đến những tác động tiêu cực như: “khủng hoảng thông tin”, “nghiện online”, đặc biệt mạng xã hội chính là môi trường lý tưởng mà những phần tử cơ hội, bất mãn và các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, chống phá nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, “phi chính trị hóa” quân đội; đưa những thông tin sai trái, thậm chí xuyên tạc nhằm làm giảm sút lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; gây thù hận, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tạo dựng ngọn cờ, kích động, lôi kéo tập hợp lực lượng gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

  Nhận thức rõ vấn đề này, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, giáo dục, quản lý nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ giảng viên trước ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội. Nhờ đó, đội ngũ giảng viên của Nhà trường đã tích cực tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số giảng viên tiếp cận, nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao. Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học của Nhà trường ngày càng đòi hỏi cao, tình hình thế giới, khu vực, trong nước tiếp tục có những diễn biến mới, phức tạp. Đòi hỏi phải nâng cao bản lĩnh chính trị cho giảng viên ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 trước ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội thời gian tới. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

  Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy và các tổ chức trong đơn vị đối với việc phòng, chống tác động tiêu cực của mạng xã hội 

  Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, là một nội dung của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ giảng viên, là tiền đề tạo sự “miễn dịch”, “sức đề kháng” cho giảng viên tránh được những tác động tiêu cực của mạng xã hội trong quá trình tiếp cận, sử dụng thông tin; giữ vai trò chủ đạo quyết định đến chất lượng, hiệu quả phòng, chống tác động tiêu cực của mạng xã hội đến đội ngũ giảng viên trong Nhà trường hiện nay.

  Nhận thức là cơ sở của hành động, định hướng hành động, có nhận thức đúng mới có trách nhiệm cao và hành động đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, tư tưởng đúng thì hoạt động mới khỏi sai lệch và mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng được. Nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy đơn vị là cơ sở để vạch ra phương hướng, mục tiêu, lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp và có quyết tâm cao trong phòng, chống tác động tiêu cực của mạng xã hội đến đội ngũ giảng viên. 

  Cấp ủy, người chỉ huy các cơ quan, khoa là hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị trong việc định hướng giáo dục, quản lý cho đội ngũ giảng viên trước những thông tin “nóng” mang tính thời sự mà xã hội đang quan tâm trên các trang mạng xã hội; vạch rõ âm mưu, thủ đoạn, cách thức tiến hành chống phá của các thế lực thù địch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thông tin trên mạng xã hội; biểu dương, khen thưởng những giảng viên có thành tích tốt trong khai thác những thông tin tích cực của mạng xã hội vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học; đồng thời phê bình những cán bộ, giảng viên lười học tập, nghiên cứu, cập nhật những thông tin mới vào bài giảng. Qua đó, khắc phục tình trạng thiếu thông tin, nhiễu thông tin dẫn đến tâm lý hoang mang hoặc hiểu không đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

  Hai là, phát huy vai trò của cơ quan chính trị trong việc nâng cao bản lĩnh chính trị cho giảng viên

  Cơ quan chính trị có vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng, bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu, xây dựng phẩm chất nhân cách tốt đẹp của người giảng viên, giữ gìn, pháp huy truyền thống cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.

  Để thực hiện tốt mục tiêu nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ giảng viên trong Nhà trường nói chung, đội ngũ giảng viên nói riêng đòi hỏi cơ quan chính trị cần làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường và hướng dẫn các tổ chức, lực lượng chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, đòi “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Tổ chức, động viên cán bộ, giảng viên tích cực, chủ động tham gia đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, góp phần bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội. Hướng dẫn các cơ quan, khoa tiến hành công tác giáo dục chính trị, công tác tư tưởng; kết hợp giáo dục chính trị với giáo dục truyền thống và giáo dục pháp luật. Qua đó, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trước những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Đồng thời, tiến hành đồng bộ công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách và cán bộ nhằm từng bước định hướng tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ giảng viên trẻ.

  Ba là, trang bị cho giảng viên hệ thống tri thức toàn diện về các vấn đề chính trị - xã hội

  Đây là giải pháp cơ bản nhằm nâng cao trình độ, tri thức cho đội ngũ giảng viên trẻ, trong đó, cần tập trung nâng cao nhận thức về bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cho đội ngũ giảng viên trẻ. Qua đó, xây dựng cho họ thế giới quan, phương pháp luận khoa học; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, và chế độ xã hội chủ nghĩa.

  Từ những tri thức được trang bị, mỗi giảng viên cần tỉnh táo trong xử lý, tiếp nhận và đấu tranh bác bỏ những thông tin xấu độc, phân biệt rõ phải - trái, đúng - sai trên các trang mạng xã hội; ngăn chặn đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đơn vị, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

  Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa trong sáng, lành mạnh, quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ giảng viên

  Môi trường quân đội là môi trường văn hoá quân sự có vai trò quan trọng trong giáo dục xây dựng nhân cách quân nhân, góp phần xây dựng nên các giá trị văn hoá tinh thần của quân đội ta.

  Môi trường văn hoá sư phạm của Nhà trường là một bộ phận của môi trường văn hoá quân sự có nhiệm vụ xây dựng, bồi dưỡng nhân cách đội ngũ giảng viên phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Do vậy, cùng với công tác lãnh đạo, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải làm tốt công tác bồi dưỡng cán bộ, theo sát giúp đỡ đội ngũ giảng viên, tạo môi trường văn hóa tốt cho họ cống hiến, rèn luyện và thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của bản thân.

  Năm là, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác của giảng viên trong tự rèn luyện, tự bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị.

  Những mặt tiêu cực của mạng xã hội sẽ có tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, lối sống của giảng viên nếu họ không có mục tiêu, lý tưởng phấn đấu rõ ràng, không đủ khả năng phát hiện, phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, tiến bộ - lạc hậu ...Vì vậy, từng giảng viên cần tích cực, chủ động, tự giác trong tự rèn luyện, tự bồi dưỡng để nâng cao bản lĩnh chính trị, có khả năng “tự đề kháng”, “tự miễn dịch” cao trước những ảnh hưởng tiêu cực trên mạng xã hội.

  Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Mặt trái nền kinh tế thị trường tác động đến nhận thức, tư tưởng, niềm tin và hành động của thanh niên. Thực tế đó đang đặt ra những yêu cầu cao về bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất cách mạng và năng lực công tác đối với đội ngũ giảng viên trong Nhà trường, cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Do đó, thực hiện tốt các giải pháp trên là cơ sở vũng chắc để phòng, chống có hiệu quả tác động tiêu cực của mạng xã hội đến độ ngũ giảng viên ở trường Sĩ quan Lục quân 1 hiện nay./.

NXT-TT

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét