Tranh minh họa. Nguồn: anninhthudo.vn |
Vấn đề “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ không phải bây giờ, cũng không phải chỉ có ở
Việt Nam mà có từ trong Phong trào Cộng sản quốc tế và ở các nước xã hội chủ
nghĩa khác. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống chính trị cũng như
trong xã hội ở các nước Xã hội chủ nghĩa thường xuất hiện khi mà tình hình thế
giới diễn biến phức tạp, tình hình trong nước có nhiều khó khăn, thách thức.
Nói cách khác khi mà cách mạng thế giới, cách mạng trong nước có những “khúc
quanh lịch sử” thì trong nội bộ Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội sẽ xuất
hiện những đối tượng cơ hội chính trị và nảy sinh vấn đề “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa”.
Ngay từ cuối thế
kỷ XIX, chủ nghĩa cơ hội, đối tượng cơ hội chính trị đã xuất hiện trong Phong
trào Cộng sản và công nhân quốc tế theo khuynh hướng tư tưởng đối lập nhau như:
Phái Latxan, phái Công Liên, phái Blongxki, phái Bruđông, phái Bacunin… Những
phần tử thuộc các trường phái đó không những không đi theo, không ủng hộ mà còn
công khai, quyết liệt chống lại học thuyết Mác về chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó
là những người cộng sản đã bị biến chất, thoái hóa về tư tưởng chính trị, họ “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” và trở thành những “con chiên ngoan đạo” của “chủ
nghĩa cơ hội tả khuynh” hay “chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh”. Vào đầu những năm
60,70 của thế kỷ XX, ở Liên Xô xuất hiện “chủ nghĩa xét lại hiện đại”, một trào
lưu tư tưởng - chính trị đối lập, thù địch với chủ nghĩa Mác.
Trong thời kỳ
đó, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện những cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sỹ,
phóng viên báo chí, triết gia…; trong đó có những người là cán bộ trung, cao cấp
theo “Chủ nghĩa xét lại”. Từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, khi Liên Xô và
các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, hệ thống Xã hội chủ nghĩa tan rã, ở
nước ta lại xuất hiện các đối tượng cơ hội chính trị. Thực chất đó là những cán
bộ, đảng viên đã sa vào “vũng bùn”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Biểu hiện
trước hết của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là sự hoang mang, dao động về tư
tưởng chính trị, sự hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, tính khoa học của
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
của dân tộc ta.
Bản chất của “tự
diễn biến”, “tự chuyển hoá” này là một quá trình suy thoái từ bên trong đội ngũ
cán bộ, đảng viên của Đảng. Đó là một quá trình diễn ra sự thay đổi dần từ lập
trường, quan điểm, tư tưởng và đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản sang lập
trường, tư tưởng, đạo đức và lối sống của giai cấp tư sản. “Tự diễn biến”, “Tự
chuyển hoá” diễn ra, một mặt do tác động khách quan bởi mặt trái của nền kinh tế
thị trường, hội nhập quốc tế và do âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của
các thế lực thù địch; mặt khác chủ yếu là do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu
rèn luyện tu dưỡng, bỏ rơi vai trò chiến sĩ tiền phong, giảm sút ý chí chiến đấu,
sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Họ
ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm, bất chấp đạo lý, dư luận, kỷ cương không
nghiêm, không gương mẫu, nói không đi đôi với làm, thoái hoá, biến chất về tư
tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.
Tính chất, hậu
quả của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là hết sức nguy hại; nếu không được
phòng ngừa và đấu tranh kịp thời, sẽ làm chia rẽ, suy yếu và sai lầm ngay từ
bên trong Đảng. Đây là điều V.I. Lênin đã cảnh báo từ rất sớm: “Không ai có thể
tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta... Nếu chúng
ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”. Do vậy, từ khi Đảng
ta ra đời cho đến ngày nay, Đảng ta luôn kết hợp xây đi liền với chống và để đấu
tranh, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ cán bộ ta hiện
nay cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, cần thường
xuyên tăng cường giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối,
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về mục tiêu, lý tưởng
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, về tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội… cho
đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cần làm tốt công tác giáo dục nâng cao
nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân mức độ nguy hại của “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh.
Hai là, phải
quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Việc
ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng
trong ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, Nghị quyết đã thẳng thắn
chỉ rõ những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm cơ sở để đấu tranh, khắc phục. Gắn thực hiện
nghị quyết Trung ương 4 với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy
mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy
định về những điều đảng viên không được làm, tạo sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn,
đẩy lùi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ba là, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình
hình, đánh giá đúng tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng suy
thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác nắm tình hình cần
tập trung vào những nội dung sau: (1) Những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy
thoái về tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống cũng như có biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”; (2) Suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
các ngành, các cấp, các địa phương tới mức độ nào; (3) Nguyên nhân, điều kiện dẫn
tới sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong
ngành mình, địa phương mình và có thể cả ở tổ chức, đơn vị mình… Trên cơ sở đó
đề ra và tiến hành các giải pháp, áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn
sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với từng cán bộ, đảng viên và
cơ quan, đơn vị.
Bốn là, tăng cường
công tác bảo vệ chính trị nội bộ, cốt lõi là công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ hệ thống
chính trị từ Trung ương tới cơ sở. Cụ thể là: bảo vệ cơ sở tư tưởng - chính trị
(Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), bảo vệ chủ trương, đường lối, quan
điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng
viên, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng; tăng cường vai trò lãnh đạo
và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường “sức đề kháng” nhằm vô hiệu hóa mọi âm
mưu, hoạt động phá hoại tư tưởng, thâm nhập, chuyển hóa, lũng đoạn nội bộ, tha
hóa cán bộ Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch và đối tượng khác. Bảo vệ
chính trị nội bộ được tiến hành bằng nhiều biện pháp công tác, song quan trọng
nhất là giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao khả năng “miễn dịch” của mỗi
cán bộ, đảng viên trước sự tác động chuyển hóa từ bên ngoài và bên trong.
Có thể nói, phòng
chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” - đây là một cuộc đấu tranh vì sự tồn
vong của Đảng, của chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính vì vậy, đòi
hỏi phải có quyết tâm cao, sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân
và bằng những biện pháp quyết liệt, tinh thần thái độ kiên quyết, không khoan
nhượng thì mới có thể đạt được kết quả như mong muốn.
PVT-H8
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét