Khi trình bày “những
nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” tại phiên họp đầu
tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945 Bác Hồ đề nghị phải thực hiện
"TÍN NGƯỠNG TỰ DO VÀ LƯƠNG GIÁO ĐOÀN KẾT" (Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh
ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010). Đề nghị này của Chủ tịch
Hồ Chí Minh sau đó đã được đưa vào Hiến pháp đầu tiên của nước ta (năm 1946):
“Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”, và được các bản Hiến pháp sau đó
(1959, 1980, 1992, 2013) kế thừa, phát triển.
Trải qua hơn 35
năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, toàn dân, toàn quân ta dưới sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực
phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Để xây
dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng vững chắc là “thế
trận lòng dân” trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, làm thất bại âm mưu và
mọi thủ đoạn của các thế lực thù địch, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn quán triệt,
vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong quá trình lãnh đạo
cách mạng. Quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII về đoàn kết tôn giáo một lần nữa
thể hiện điều này. Văn kiện Đại hội chủ trương: “Vận động, đoàn kết, tập hợp
các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực
cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt
động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận.
Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo
cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những
đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa;
chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Có thể
thấy, vấn đề đoàn kết tôn giáo nằm trong tổng thể các nội dung nhằm xây dựng và
củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, quan điểm của Đảng về đoàn kết
tôn giáo đã quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ
Chí Minh trong điều kiện, hoàn cảnh mới của đất nước, thể hiện như sau:
Một là, quan điểm
của Đảng tại Đại hội XIII về đoàn kết tôn giáo thể hiện sự vận dụng tư tưởng Hồ
Chí Minh về vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc.
Theo Chủ tịch Hồ
Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định
thành công của cách mạng. Sinh thời, Người luôn cho rằng “Đoàn kết, đoàn kết, đại
đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công” . Với vấn đề đoàn kết tôn
giáo, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng
hoà, ngày 03/9/1945, Hồ Chí Minh đã khẳng định một trong sáu nhiệm vụ cấp bách
của Chính phủ là: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào
giáo và đồng bào lương để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín
ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Trong điều kiện Nhà nước Dân chủ cộng hoà
non trẻ còn phải chống chọi với thù trong giặc ngoài và khó khăn về mọi mặt, Hồ
Chủ tịch đã giải quyết tế nhị, mềm dẻo vấn đề tôn giáo. Người vạch rõ tính chất
nguy hiểm của việc khối đoàn kết toàn dân bị rạn nứt: “Nước Phật ngày xưa có những
4 đảng phái làm cho ly tán lòng dân và hại Tổ quốc. Nhưng nước Việt Nam ngày
nay chỉ có một đảng phái là đảng toàn dân quyết giành độc lập” và kêu gọi nhân
dân cả nước chung lòng, góp sức vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bởi lẽ, theo
Người, “đoàn kết là điểm mẹ, điểm này mà tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt”.
Quán triệt tư
tưởng của Người, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội
XIII khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là
khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn
kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hai là, quan điểm
của Đảng tại Đại hội XIII về đoàn kết tôn giáo đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh
về một trong những cơ sở thực hiện đại đoàn kết dân tộc, đó là điểm tương đồng
giữa tôn giáo với cách mạng, giữa lý tưởng xã hội chủ nghĩa với lý tưởng tôn
giáo.
Chấp nhận những
khác biệt về nhận thức, tư tưởng, khai thác điểm tương đồng để thu hút, tập hợp
quần chúng có đạo cùng tiến hành sự nghiệp cách mạng là điểm đặc sắc trong tư
tưởng về đoàn kết tôn giáo của Hồ Chí Minh. Người đã gắn nhiệm vụ của cách mạng
với lý tưởng của những người sáng lập tôn giáo nhằm vận động tín đồ, tranh thủ
chức sắc tôn giáo tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng. Người chỉ rõ: “Nay đồng
bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh
tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất
và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ bi của đức Phật
Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”; “Đồng bào ta,
lương cũng như giáo, đoàn kết kháng chiến, ủng hộ chính sách ruộng đất, thực hiện
người cày có ruộng tức là làm đúng lời dạy của Chúa Giêsu, tức là thật thà tôn
kính Chúa Giêsu”. Hồ Chí Minh luôn khẳng định rằng đồng bào các tôn giáo đi
cùng với cả dân tộc trên một con đường. Con đường đó là hoàn toàn đúng đắn, phù
hợp với tinh thần của Chúa, của Phật và cũng là cái đích mà lý tưởng xã hội chủ
nghĩa hướng tới - suy cho cùng là giải quyết vấn đề con người.
Trong điều kiện
phát triển “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam hiện
nay, đất nước tất yếu tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nhiều bộ phận, tầng lớp
dân cư có nhu cầu, nguyện vọng, đặc điểm đời sống, tâm lý, theo những tín ngưỡng,
tôn giáo, thuộc thành phần những dân tộc khác nhau. Vì vậy, để thực hiện đại
đoàn kết dân tộc, Đảng phải chú trọng tìm điểm tương đồng, tôn trọng những khác
biệt không trái với lợi ích dân tộc, chủ trương giải quyết những mâu thuẫn về lợi
ích phù hợp thì mới thực sự huy động được sức mạnh của mọi người dân. Ở thời kỳ
Hồ Chí Minh lãnh đạo đất nước, cơ sở để thực hiện đoàn kết tôn giáo là lợi ích
quốc gia - dân tộc, cụ thể là mục tiêu đánh đổ đế quốc, thực dân để giành độc lập
dân tộc, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, quan điểm ấy vẫn còn
nguyên giá trị nhưng được phát triển bằng nhận thức về điểm tương đồng là mục
tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội XIII của Đảng
chủ trương “Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của
các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước” , qua đó góp phần: “Khơi dậy mạnh
mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ba là, quan điểm
của Đảng tại Đại hội XIII về đoàn kết tôn giáo là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng
Hồ Chí Minh về phương pháp xây dựng đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết
toàn dân tộc.
Để đoàn kết tôn
giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Hồ Chí Minh cho rằng trước hết phải
thực hiện khoan dung đối với các tôn giáo. Theo Hồ Chí Minh, khoan dung tôn
giáo biểu hiện rõ nhất ở việc triệt để tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của đồng
bào có đạo. Ngay sau khi giành được độc lập, Người đã đề nghị Chính phủ tuyên bố
tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết. Trong buổi lễ ra mắt Đảng Lao động Việt
Nam ngày 03/3/1951, Người khẳng định: “…về vấn đề tôn giáo thì Đảng Lao động Việt
Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người” và đã ban hành
nhiều văn bản pháp luật quy định về việc thực hiện tự do tín ngưỡng (Hiến pháp
năm 1946, Sắc lệnh ngày 20/9/1945, Sắc lệnh số 65 và số 223…).
Khoan dung tôn
giáo với Hồ Chí Minh còn đi đôi với việc kiên quyết chống các hoạt động lợi dụng
tôn giáo chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, các hoạt động mê tín dị
đoan, hủ tục… Người cho rằng những kẻ chống lại dân tộc chính là những kẻ phản
Chúa, chúng không chỉ là “Việt gian” mà còn là “giáo gian”. Có thể nói nhờ đức
khoan dung trong ứng xử với tôn giáo mà Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cách mạng Việt
Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vượt trên những thủ đoạn xuyên tạc, vu
khống thâm độc của kẻ thù để đoàn kết toàn dân, tập trung lực lượng kháng chiến
và kiến quốc thành công.
Ngày nay, cùng
với việc đổi mới tư duy về xây dựng hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, việc
giải quyết vấn đề tôn giáo, thực hiện đoàn kết tôn giáo đã được Đảng Cộng sản
Việt Nam nhấn mạnh và cụ thể hóa bằng những quan điểm chỉ đạo, phương pháp cụ
thể, gắn chặt chẽ với yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện
hệ thống pháp luật. Đặc biệt, so với Đại hội XII, Đại hội XIII không chỉ chủ
trương “kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để
chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” mà còn phải làm tốt công tác “Vận
động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp
đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” ; mặt khác,
“Xử lý hài hòa các vấn đề dân tộc, tôn giáo, bức xúc xã hội, không để xảy ra
các “điểm nóng”. Đây chính là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ
sở thực tiễn Việt Nam, thực tiễn tình hình an ninh trên lĩnh vực tôn giáo trong
nước và phương thức, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia của
các thế lực thù địch hiện nay./
NXT-H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét