Đại
dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống
xã hội. Trong bối cảnh chồng chất khó khăn và thách thức, một bộ phận cá biệt
cán bộ, đảng viên bộc lộ tư tưởng sợ dịch bệnh, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng,
thu mình cầu an...Biểu hiện cực đoan này không chỉ cản trở hiệu quả tổ chức chống
dịch ở cơ sở, mà còn tác động xấu đến môi trường “tự soi, tự sửa” trong tổ chức
đảng, là mầm mống của suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, suy thoái chính trị
tư tưởng trong tổ chức đảng...
Cuộc
chiến chống dịch Covid-19 của cả nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam đang bước
vào giai đoạn mới khi tiến độ bao phủ vaccine cho người dân đạt tỷ lệ, hiệu suất
ngày càng cao. Chiến lược chống dịch đang được điều chỉnh theo hướng gỡ phong tỏa
từng phần, mở rộng “vùng xanh”, từng bước thí điểm mở cửa trở lại các dịch vụ,
hoạt động thiết yếu, duy trì trạng thái bình thường mới có điều kiện ở những địa
bàn đáp ứng yêu cầu. Để đạt hiệu quả thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới,
cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và toàn dân tiếp tục quán triệt sâu
sắc quan điểm lấy xã phường làm “pháo đài”, người dân là chiến sĩ. Chiến lược
chống dịch, từng bước đưa địa phương trở lại trạng thái bình thường mới trong
tình hình hiện nay đặt ra yêu cầu rất cao đối với cán bộ ở cơ sở. Họ chính là
những người chỉ huy, giữ vai trò nòng cốt trong mỗi “pháo đài”. Để tập hợp được
lòng dân theo tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, không cho phép người
chỉ huy lơ là, bàng quan, thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Càng không thể chấp nhận kiểu
tư duy, hành vi “làm màu”, giả dối. Tổ kén cho dù có sặc sỡ sắc màu đến mấy,
cũng không thể nào che đậy con nhộng bên trong, nhất là khi con nhộng ấy thực
chất là con bướm tự mình khép cánh, rụt đầu để chui vào. Trong cuộc họp trực
tuyến toàn quốc về nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, kết nối đến 63 tỉnh,
thành phố; 705 quận, huyện, thị xã; 9.043 xã, phường, thị trấn diễn ra ngày
5-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu: Trên cơ sở chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn được giao thì mỗi cấp phải làm việc của mình, cấp trên kiểm
tra, đôn đốc cấp dưới, cấp dưới báo cáo, đề xuất cấp trên, ai vào việc nấy...,
phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ chính là
mệnh lệnh chống dịch, mọi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ở cơ sở phải
có trách nhiệm, bổn phận thi hành. Những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm
quy định, thiếu trách nhiệm bị xử lý kỷ luật vừa qua là bài học chung của mọi
cán bộ, đảng viên, ở tất cả các cấp, ngành, địa phương. Xử lý kỷ luật cán bộ vi
phạm là để xốc lại bộ máy, để hệ thống chính trị mạnh lên chứ không phải và
không thể là cái cớ để số ít cán bộ vin vào đó bao biện cho hành vi sợ trách
nhiệm, sống thu mình như con nhộng trong tổ kén.
Trong
tình hình khó khăn, thách thức hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ chống dịch, cấp ủy,
tổ chức đảng các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên tuyệt đối không được coi nhẹ
công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng. Ngược lại, từng cấp ủy, tổ chức đảng và hệ
thống chính trị các cấp phải coi thử thách, khó khăn chính là điều kiện để rèn
luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên. Để xảy ra các tổ kén trong nội bộ tổ
chức đảng, một phần là do tinh thần “tự soi, tự sửa”, ý thức đấu tranh phê
bình, tự phê bình trong sinh hoạt chưa nghiêm, làm chưa đến nơi đến chốn. Ý kiến
chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về “cấp trên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới,
cấp dưới báo cáo, đề xuất cấp trên”... phải được thực hiện toàn diện trong môi
trường phòng, chống dịch, bởi trách nhiệm, phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng
viên được thể hiện thông qua hiệu quả công việc, chứ không phải là “tự soi, tự
sửa” chung chung. Cấp trên muốn kiểm tra, đôn đốc cấp dưới hiệu quả thì phải
sâu sát, đến tận nơi, lắng nghe ý kiến đa chiều chứ không chỉ dựa vào báo cáo của
một người. Cấp dưới báo cáo cấp trên phải là kết quả của tập thể lãnh đạo, cá
nhân phụ trách, chứ không thể lấy việc “làm màu” để tô vẽ, đánh bóng hình ảnh
cá nhân. Trong từng nhiệm vụ, từng giai đoạn chống dịch đều phải thể hiện rõ
tinh thần ấy. Lơ là, giáo điều, duy ý chí trong chỉ đạo, tổ chức, điều hành thực
hiện nhiệm vụ ắt dẫn đến sự lệch lạc trong suy nghĩ và hành động. Ngăn ngừa “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ những việc rất cụ thể như thế thì mới ngấm, mới
thấm.
Trong
bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục nhiệm vụ chống dịch cam go, phức
tạp, cần luôn nhắc nhớ những lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Phát biểu tại Lễ khai
mạc lớp học lý luận khóa I, Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc
gia Hồ Chí Minh), ngày 7-9-1957, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, đảng viên: “Muốn cải
tạo xã hội mà đảng viên không tự cải tạo mình, không tự nâng cao mình thì không
thể được”. Chống dịch Covid-19 thành công cũng là một hình thức cải tạo xã hội.
Vậy thì cán bộ, đảng viên phải tự cải tạo mình trước, phải giúp đồng chí của
mình phá những tổ kén được bao bọc bởi những lớp màng tiêu cực, cầu an, sợ
trách nhiệm... ngay trong cấp ủy, tổ chức đảng của mình./.
LQT-H8
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét