Pages - Menu

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ CON ĐƯỜNG ĐÚNG ĐẮN CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Phải khẳng định ngay rằng, việc lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan của cách mạng nước ta.

Quá trình ra đi tìm đường cứu nước, chỉ khi đến được với chủ nghĩa Mác - Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mới tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Năm 1924, khi đọc Luận cương của V.I. Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người thấy “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[1] Trong cuốn “Đường Kách mệnh”, Người viết rằng, bây giờ chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin. Người chỉ ra: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2]. Đó cũng chính là con đường kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta là một tất yếu khách quan do lịch sử quy định, phù hợp với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, với mục tiêu lớn của thời đại và ý nguyện của nhân dân; được gắn với đặc điểm, tình hình của mỗi giai đoạn khác nhau của cách mạng Việt Nam. Đây không phải do ý muốn chủ quan của Đảng mà là tổng hợp những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, kinh tế và chính trị, trong nước và quốc tế, phản ánh khát vọng của dân tộc.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Năm 1986, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do chủ nghĩa xã hội trên thế giới lâm vào thoái trào, phe xã hội chủ nghĩa đứng trước nguy cơ tan rã, khủng hoảng kinh tế – xã hội trong nước kéo dài, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, tạo ra một bước ngoặt mang ý nghĩa cách mạng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhờ đó, gần 30 năm qua, nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực mới, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Có thể khẳng định các sự kiện trong những năm 1930, 1945, 1954, 1975, 1986 đã trở thành những cột mốc lịch sử quan trọng cho sự lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nó minh chứng con đường cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản chân chính lãnh đạo tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội; độc lập dân tộc luôn gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một tất yếu, nội tại. Bởi, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[3]. Văn kiện Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng nêu rõ: "Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Ðảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Ðảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[4]./.

PQ-H3



[1] Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, Tập 12, Tr. 562

[2] Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, Tập 12, Tr. 30

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr.70

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, t.1, tr.109 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét