Qua 35 năm đổi mới đất nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta đã và đang thay đổi toàn diện theo chiều hướng giáo dục hiện đại, đáp ứng xu thế hội nhập giáo dục và đào tạo quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, sau nhiều lần cải cách ngành giáo dục vẫn chưa tìm ra được hệ thống giải pháp đồng bộ mang tính khả thi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nói chung, nhất là dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn nói riêng. Vì vậy, vận dụng quan điểm toàn diện về giáo dục và đào tạo theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng là vấn đề có tính cấp thiết đối với quá trình dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở các nhà trường đại học hiện nay.
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và
đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”[1], đây là nội dung tiếp
tục thực hiện một trong mười hai nhiệm vụ
tổng quát được Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định để hiện thực hoá mục tiêu:
“phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”[2]. Nội dung quan điểm
toàn diện về giáo dục và đào tạo của nước ta trong giai đoạn hiện nay, được thể
hiện trên những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, đánh giá một
cách toàn diện các mâu thuẫn trong công tác giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện
nay.
Giáo dục và đào tạo
nhằm thực hiện mục tiêu tạo ra những con người có đủ phẩm chất và năng lực để
làm chủ đất nước, tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây chính là quá trình trang bị
cho người học những tri thức, những giá trị của nhân loại để người học nhận thức
được và vận dụng trong thực tiễn, những tri thức đó là những hệ thống lý luận
đã được tổng kết từ thực tiễn của nhân loại trong lịch sử. Thực tiễn luôn luôn
vận động do đó hệ thống lý luận luôn phải bổ sung và bám sát vào thực tiễn, nên
hệ thống tri thức trang bị cho người học cũng cần phải bổ sung.
Đảng ta lãnh đạo
công cuộc đổi mới toàn diện đất nước từ năm 1986, trong đó có công tác giáo dục
và đào tạo. Nhất là từ khi thực hiện nghị quyết 29-NQ/TW tại Hội nghị Trung
ương 8 (Khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng
yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, nước ta đã tiến hành nhiều lần cải
cách nhưng kết quả vẫn chưa theo kịp sự thay đổi thực tiễn ở nước ta, chưa hội
nhập quốc tế.
Thứ hai, chỉ ra một
cách toàn diện về nội dung giáo dục và đào tạo
Đối với mỗi con người
để tồn tại và phát triển, thì không chỉ có năng lực. Để thực hiện các công việc
trong cuộc sống thì đòi hỏi phải có phẩm chất để có thái độ ứng xử phù hợp đối
với thiên nhiên, xã hội và đối với chính con người. Phẩm chất và năng lực là
hai mặt của một vấn đề có mối quan hệ biện chứng với nhau, người có phẩm chất tốt
sẽ là cơ sở để nâng cao năng lực, khi có năng lực sẽ góp phần hoàn thiện hơn phẩm
chất.
Thực tế trong suốt
thời gian vừa qua, nền giáo dục của nước ta quá tập trung vào trang bị kiến thức,
năng lực cho người học ở dạng lý thuyết mà ít thực hành và chưa chú ý đến trang
bị phẩm chất cho người học, như Đảng ta khẳng định: “còn nặng về lý thuyết, nhẹ
về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả
năng tự học, kỹ năng sáng tạo...”[3]. Cho nên, thực tế những
năm gần đây sẩy ra nhiều hiện tượng đáng tiếc như: bạo lực học đường, cách ứng
xử của người học với người dạy, cách ứng xử của người trẻ với người lớn tuổi
chưa đúng chuẩn mực. Vì vậy, tiếp tục kế thừa nghị quyết số 29 tại Hội nghị
Trung ương 8 khóa XI của Đảng, Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Chuyển mạnh quá trình
giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm
chất người học; … Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý
thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ,
công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công
dân toàn cầu)”[4]. Đây chính là toàn diện
về nội dung giáo dục, toàn diện cả năng lực và phẩm chất; đó là giáo dục cả đức,
cả trí, cả thể, cả mỹ; giáo dục cả kỹ năng sống, thái độ ứng xử đối với thiên
nhiên, xã hội và con người để làm việc hiệu quả.
Thứ ba, đánh giá
toàn diện chất lượng các yếu tố cơ bản của nền giáo dục và đào tạo của nước ta
hiện nay
Xét theo quan điểm hệ
thống, cấu trúc, quá trình sư phạm là giải quyết mối quan hệ giữa người dạy và
người học để thực hiện cho được mục tiêu giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở được hợp
thành bởi hệ thống các thành tố: nội dung, phương pháp, hình thức và đánh giá kết
quả giáo dục và đào tạo. Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục
tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo
hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những
yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với
cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[5]. Có thể thấy Đảng ta
nhấn mạnh các nội dung sau.
Đổi mới toàn diện
giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, từ tư duy, quan điểm
đến mục tiêu, hệ thống, chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục
và đào tạo; các chính sách, cơ chế và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục
và đào tạo. Đổi mới ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, ở cả Trung ương,
địa phương, ở cả mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Đổi mới phải đảm bảo
tính hệ thống, có tầm nhìn dài hạn, có lộ trình phù hợp với thực tiễn đất nước,
địa phương; gắn với đổi mới có trọng tâm, trọng điểm. Các giải pháp phải đồng bộ,
khả thi, có cơ sở khoa học; vừa củng cố, vừa phát huy các thành tựu, vừa kiên
quyết xử lý những sai phạm; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức
xúc; phát triển, nhân rộng các nhân tố tích cực và những mô hình, điển hình mới.
Nội dung đổi mới
toàn diện giáo dục và đào tạo cần phải đổi mới chương trình nhằm phát triển phẩm
chất và năng lực người học, hài hoà đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy
nghề. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giảm mang tính hiện đại, thiết
thực phù hợp với lứa tuổi trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến
thức vào thực tiễn; chú trọng giáo dục truyền thống, nhân cách, đạo đức, lối sống,
tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của
văn hoá, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại, giá trị cốt
lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tăng cường
giáo dục thể chất, kiến thức quốc phòng, an ninh và hướng nghiệp. Dạy ngoại ngữ
và tin học theo hướng chuẩn hoá, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người
học.
Đổi mới phương pháp
theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến
thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ
máy móc. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Tập trung dạy
cách học, cách tư duy, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật
và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực và phẩm chất. Chuyển từ học
chủ yếu trên lớp sang tổ chức các hình thức đa dạng, chú trọng các hoạt động xã
hội, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học.. chuyển “từ học chủ yếu trên lớp sang tổ
chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền
hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường
kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”[6]./.
PVĐ-H4
[1]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 136.
[2]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 234.
[3]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. Bảy phẩy
không.
[4]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 323.
[5]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 136.
[6]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 232.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét