Thế giới đã bước
sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI với những biến động phức tạp và đa chiều,
tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước. Dịch
bệnh COVID-19 tác động nghiêm trọng, sâu rộng chưa có tiền lệ đến tình hình
kinh tế, chính trị, xã hội ở mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Kinh tế thế giới
rơi vào suy thoái, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt
kể từ sau Chiến tranh lạnh. Các trào lưu chống toàn cầu hóa, trào lưu dân túy,
bảo hộ thương mại vốn xuất hiện từ trước, càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ.
Tình hình Biển Đông tiếp tục có nhiều phức tạp mới, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ đối
với hòa bình, ổn định ở khu vực. Bên cạnh dịch bệnh COVID-19, các thách thức an
ninh phi truyền thống khác nổi lên gay gắt, như vấn đề an ninh nguồn nước,
thiên tai, lũ lụt... tác động mạnh đến khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt
Nam.
Trong bức tranh
mang nhiều mảng màu xám đó, vẫn có những gam màu tươi sáng cho niềm tin và hy vọng.
Trên bình diện thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn và
là khát vọng cháy bỏng của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình. Châu Á - Thái
Bình Dương tiếp tục khẳng định là khu vực phát triển kinh tế năng động, là động
lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu và có tầm ảnh hưởng về chính trị ngày
càng gia tăng. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) củng cố đoàn kết, thích
ứng nhanh với nhiều biến động mạnh của tình hình quốc tế, đặc biệt là tác động
của dịch bệnh COVID-19 và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tiếp tục giữ
vững vai trò trung tâm ở khu vực và nỗ lực xây dựng Cộng đồng đoàn kết, tự cường,
thịnh vượng, hướng về người dân, lấy người dân làm trung tâm để vững bước tiến
lên với tầm nhìn mới sau năm 2025 về một khu vực hòa bình, an ninh, ổn định,
phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm và tiến bộ xã hội.
Ở trong nước, mặc
dù không thể tránh khỏi tác động của dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh toàn cầu
hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhưng nhìn chung Việt Nam đã kiểm soát tốt
tình hình dịch bệnh, tạo nền tảng quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi các mục
tiêu ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng hơn hết, đó là thế và lực
mới của Việt Nam sau 35 năm đổi mới; sự vững mạnh, đoàn kết của cả hệ thống
chính trị; sự tin tưởng, đồng hành, ủng hộ của nhân dân cũng như sự trưởng
thành, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó có đội ngũ cán bộ đối
ngoại. Đây là những tiền đề vững chắc để Việt Nam tự tin bước vào năm 2021 và
những năm tiếp theo với tâm thế mới, vận hội mới.
Năm 2021 là năm
đầu tiên Việt Nam triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế -
xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tạo nền tảng thực hiện khát vọng phát triển, nâng
cao vị thế quốc tế của nước ta. Đại hội XIII của Đảng đã xác định đối ngoại “tiếp
tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa
bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng
cao vị thế và uy tín của đất nước”. Theo đó, một trong những ưu tiên của đối
ngoại Việt Nam trong năm 2021 là tổ chức triển khai đường lối đối ngoại của Đại
hội XIII của Đảng, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, làm sâu sắc quan hệ với
các nước, phấn đấu đạt mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ,
góp phần củng cố môi trường hòa bình, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ
phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.
Trước yêu cầu
nhiệm vụ đó, nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đối ngoại của đất nước
trong thời gian tới, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu
cầu: “Nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới
sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động
thích ứng trước chuyển biến của tình hình; tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ
giữa các kênh và các cơ quan đối ngoại, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác đối
ngoại và hội nhập quốc tế” và “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với
ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.
Có thể thấy,
nhiệm vụ đặt ra đối với công tác đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới hết
sức nặng nề, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước
nói chung và lãnh đạo Bộ Ngoại giao nói riêng, sự tham gia, phối hợp đồng bộ,
hiệu quả trên mọi lĩnh vực của các bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực, phấn
đấu, quyết tâm của đội ngũ cán bộ ngoại giao nói riêng và đội ngũ làm công tác đối
ngoại nói chung trên tất cả các mặt trận./.
NCB-H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét