60 năm trước, Đoàn tàu không số bí mật đạp sóng Biển Đông, dũng cảm vượt qua sự ngăn chặn, kiểm soát ngặt nghèo của quân thù, tiếp tế vũ khí, bổ sung lực lượng cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam đánh mạnh, thắng to.
Cũng từ đây, đánh dấu sự ra đời của
một lực lượng vận tải quân sự đặc biệt-Đoàn 759-Đoàn 125 Hải quân, với con đường
chi viện trên biển, đích đến là những bến bãi, kho tàng được bố trí dọc theo bờ
biển miền Nam. Con đường biển cùng với đường bộ chạy dọc dãy Trường Sơn hùng
vĩ, trong suốt những năm tháng chiến tranh, ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt
của quân và dân ta. Hành trình nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến
lớn miền Nam không dừng lại ở sự vận chuyển thông thường, mà trở thành biểu tượng
của ý chí, quyết tâm, tài thao lược, trí thông minh, sức sáng tạo của toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Quá trình hoạch định đường lối
kháng chiến là quá trình Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan
tâm, chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể, tỉ mỉ công tác chi viện chiến trường thông qua Bộ
Chính trị, Quân ủy Trung ương. Ngay sau Hội nghị Trung ương 15 khóa II (năm
1959) quyết định đường lối cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế
tiến công, Bộ Chính trị đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức mở tuyến đường Trường Sơn
chi viện miền Nam (Đoàn 559). Không lâu sau đó, tuyến đường chi viện trên biển
cũng được chỉ đạo tổ chức, xây dựng (tháng 7-1959).
Sự nhìn nhận từ sớm của Đảng và Chủ
tịch Hồ Chí Minh về yêu cầu, nhiệm vụ, vị trí và vai trò của công tác chi viện
chiến trường đã tạo bước phát triển vững chắc, mạnh mẽ cho cách mạng miền Nam.
Con đường chi viện trên biển đã ghi dấu ấn quan trọng, thúc đẩy sự lớn mạnh của
lực lượng vũ trang cách mạng trên chiến trường, góp phần vào thắng lợi của những
trận đánh gây tiếng vang lớn như: Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Bình Giã,
Ba Gia, Vạn Tường...
Sự nối kết, chuyển tải sức mạnh của
hậu phương đối với tiền tuyến đã được thực hiện hiệu quả thông qua con đường
chi viện trên biển, nhất là trong điều kiện tuyến đường Trường Sơn chưa thể
vươn tới những chiến trường, địa bàn xa hậu phương, sâu trong vùng địch tạm chiếm.
Kết quả của sự phát triển thực lực kháng chiến ở miền Nam sau thắng lợi của
Phong trào “Đồng khởi” (năm 1960) đã chứng tỏ rằng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí
Minh trên cơ sở nắm bắt, lường định đúng xu thế phát triển của cuộc kháng chiến,
chủ động, tích cực chuẩn bị thời cơ, lực lượng, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ,
vững chắc của cách mạng; con đường chi viện trên biển đã có những đóng góp thiết
thực trong quá trình ấy./.
NMH-H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét