Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Thực
dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam; dân tộc Việt Nam từ một quốc gia phong kiến
độc lập trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến; đời sống nhân dân vô cùng
khổ cực, phải chịu cảnh sống “một cổ hai tròng”. Các phong trào yêu nước Việt
Nam đã phát triển mạnh mẽ theo nhiều xu hướng khác nhau nhưng đều thất bại vì
chưa có một đường lối cứu nước đúng đắn. Mặc dù rất khâm tục tinh thần yêu nước
của các bậc tiền bối, nhưng với lòng yêu nước, thương dân sâu sắc và một tinh
thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, ngày 5/6/1911 tại bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất
Thành đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước và chính thức bước vào cuộc hành
trình cách mạng. Mặc dù, Người chưa biết con đường cứu nước, cứu dân là như thế
nào, con đường đó ở đâu, ai có thể chỉ giúp? Nhưng sau hơn 6 năm vừa lao động cực
khổ, vừa khảo sát thế giới, vừa tham gia hoạt động xã hội, Nguyễn Ái Quốc đã dần
tiếp cận được với những trào lưu cách mạng tiến bộ.
Ngày 07/11/1917, Cách mạng tháng
Mười Nga đã nổ ra; dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích Nga, đứng đầu là Lênin
vĩ đại, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã vùng lên đấu tranh, lật
đổ chính quyền của giai cấp tư sản, lập nên Nhà nước Xôviết - nhà nước công
nông đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại, thời đại
quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đây
là sự kiện tạo ra bước ngoặt đột phá trong nhận thức và tình cảm cách mạng của Hồ
Chí Minh, giúp Người hiểu rằng: Sự kiện lớn lao nhất trong lịch sử loài người,
chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ là một ước mơ cao đẹp của loài người,
sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trở thành hiện thực. Người khẳng định: “Giống
như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh
hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử
loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế.”[1] và Người cũng nhấn
mạnh: Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả
loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa
tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.
Tìm
hiểu cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh đã nhận thấy đây là cuộc cách mạng
thành công đến nơi: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành
công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do,
bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa
Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi,
lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh
để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”[2].
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười
Nga đã tăng thêm nghị lực, ý chí và niềm tin cách mạng để Nguyễn Ái Quốc tiếp tục
vững bước trên con đường đi tìm chân lý cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự kiện
Người bắt gặp Luận cương của Lênin là một tất yếu lịch sử. Sau tiếng reo vui giữa
đêm tối, trong căn phòng nhỏ tại một hẻm phố ở Pa-ri “Hỡi đồng bào bị đọa đày
đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng
ta!”[3]; Người khẳng định
rằng, trong thời đại ngày nay “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con
đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[4]. Con đường
cách mạng vô sản đã được Nguyễn Ái Quốc khái quát, bao gồm những nội dung chủ yếu
sau:
Một là, làm tư sản dân quyền cách
mạng và thổ địa cách mạng (tức là cách mạng dân tộc dân chủ) và tiến dần từng
bước đi tới xã hội cộng sản.
Hai là, lực lượng cách mạng là khối
đại đoàn kết toàn dân, nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân.
Ba là, lực lượng lãnh đạo cách mạng
là giai cấp công nhân mà đội tiên phong là Đảng Cộng sản.
Bốn là, phương pháp cách mạng là
sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân.
Năm là, cách mạng Việt Nam là một
bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, cho nên phải đoàn kết quốc tế.
Theo gương của Cách mạng Tháng Mười,
để chuẩn bị cho nhân tố quan trọng mang tính quyết định của con đường cách mạng
Việt Nam, mùa Xuân năm 1930, tại bán đảo Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc, được
sự ủy quyền của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất 3
tổ chức Cộng sản Đảng thành một Đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói đến
vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam Người đã khẳng định: “Trước hết phải có đảng
cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với
dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành
công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[5].
Để chuẩn bị lực lượng cho cách mạng
Việt Nam, tiếp thu tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và bài học kinh nghiệm từ
Cách mạng Tháng Mười Nga: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Nguyễn Ái Quốc
cho rằng cần vận động tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam đang bị mất
nước thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất, để huy động sức mạnh của đại đoàn kết
toàn dân; lấy công - nông là gốc, liên minh với các giai tầng khác phải
chú ý đến lợi ích của giai cấp công - nông và của cả dân tộc. Chủ trương này đã
phản ánh tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người gắn với việc thành lập Mặt trận
Việt Minh tại Hội nghị Trung ương 8 (5/1941). Cùng với việc chuẩn bị lực lượng
cho cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trương thành lập đội Việt Nam
tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944) để thực hiện chủ trương dùng bạo lực
cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng của chủ nghĩa Đế quốc; và chính Người
đã đặt nền móng cho mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới,
kết hợp sức mạnh của dân tộc Việt Nam với sức mạnh của nhân dân thế giới; hoàn chỉnh
các nhân tố cơ bản để cách mạng Việt Nam sẵn sàng nổ ra và giành thắng lợi.
Sau khi phát xít Đức đầu hàng ngày 09-5-1945, quân Đồng minh
tiến hành phản công trên mặt trận châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 14-8-1945, Nhật
Bản tuyên bố đầu hàng Hồng quân Liên Xô. Trước tình hình như vậy, Chủ tịch Hồ
Chí Minh khẳng định: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù
phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.
Sau 15 năm thành lập, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân ta giành được chính quyền, lập
ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ Nhân dân dựa trên nền tảng
của liên minh giai cấp công - nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo đầu
tiên ở Đông Nam châu Á. Nói đến vai trò của Cách mạng tháng Mười Nga với việc lựa
chọn con đường cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Đi theo con đường
do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt
Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng
biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với
Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”[6].
Ngày nay, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục soi sáng con đường chúng ta đi. Dưới sự lãnh đạo
đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân ta đang tiếp tục vững
bước trên con đường đổi mới đất nước. Mặc dù, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy
mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” hòng “hạ bệ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam”, bôi nhọ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nhưng với tất
cả những gì Nhân dân ta đã giành được về quyền sống, quyền tự do, quyền tự quyết
dân tộc… sẽ vẫn mãi là điểm tựa hết sức vững chắc. Trong đó, tư tưởng chỉ đạo
xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là “Kiên định và vận dụng,
phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục
tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng
để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[7].
Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của
Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”, để toàn Đảng, toàn dân
và toàn quân ta đồng tâm nhất trí, chung sức đồng lòng, đưa đất nước bước vào một
giai đoạn phát triển mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh”./.
NXT-H1
[1]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.387.
[2]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.304.
[3]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.562 .
[4]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.30.
[5]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.289.
[6]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.397.
[7] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021,
tr.109.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét