Lấy lý do chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời từ những tiền đề
kinh tế - xã hội của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở châu Âu và sự sụp đổ của chủ
nghĩa xã hội theo mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu cũng như sự điều chỉnh,
thích nghi của các nước tư bản phát triển nhờ tận dụng thành quả của cuộc cách
mạng khoa học công nghệ hiện đại, nhất là thành tựu của cuộc mạng công nghiệp lần
thứ tư, một số học giả trong và ngoài nước, các thế lực phản động, cơ hội chính
trị đã vội cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lạc hậu, lỗi thời, Việt Nam muốn
phát triển cần phải “thay đổi hệ tư tưởng”, cần phải có một lý luận khác phù hợp
với điều kiện cụ thể của Việt Nam, v.v..
Trước hết phải khẳng định luận điệu trên là hoàn toàn
sai trái, phản động nhằm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta, nhằm làm cho
chúng ta tan rã từ bên trong đúng như mong muốn của kẻ thù khi chúng tiến hành âm
mưu diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa nhằm chống phá cách mạng
Việt Nam.
Về nguyên nhân sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN ở
Liên Xô và các nước Đông Âu cách đây vừa tròn 30 năm chúng ta phải thấy rằng đó
là sự sụp đổ của một mô hình CNXH chứ không phải do chủ nghĩa Mác - Lênin đã lạc
hậu, lỗi thời. Bởi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ là do những Đảng Cộng sản mà nhất là
lãnh đạo các Đảng Cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu đã không tôn trọng tính khoa học,
cách mạng của chủ nghĩa Mác –Lênin đã vận dụng chủ nghĩa Mác– Lênin vào thực tiễn một
cách máy móc, sai lầm. Và cũng chính sự sụp đổ đó đã và đang chứng minh tính
đúng đắn, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, rằng trong thời đại
ngày nay, bất cứ một Đảng Cộng sản nào, cá nhân lãnh tụ của Đảng Cộng sản nào,
nếu vi phạm những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, chà đạp thô bạo
lên giá trị khoa học, cách mạng của học thuyết Mác - Lênin, thì Đảng Cộng sản ấy,
cá nhân lãnh tụ của Đảng Cộng sản ấy phải trả giá đắt.
Chúng ta phải
luôn nhận thức được rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết duy nhất từ trước tới
nay đặt ra mục tiêu, chỉ rõ con đường giải phóng triệt để giai cấp công nhân,
nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới thoát khỏi tình trạng
bị nô dịch và bóc lột, thoát khỏi đói nghèo và tha hoá về nhiều mặt. Đồng thời,
học thuyết đó chỉ ra lực lượng cách mạng thực hiện sự nghiệp giải phóng và phát
triển xã hội là giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đem lại cho họ niềm
tin vào khả năng và sức mạnh của chính mình. Học thuyết đó cũng đã chỉ ra
quy luật của sự giải phóng và phát triển xã hội. Đó là quy luật về mối quan hệ
giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; về sự chuyển biến từ hình thái
kinh tế-xã hội này sang hình thái kinh tế-xã hội khác không phải diễn ra một
cách tự phát mà phải thông qua cuộc đấu tranh giai cấp gay go quyết liệt.
Bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin
còn thể hiện ở chỗ: Đó là học thuyết mở, không cứng nhắc, bất biến mà nó đòi hỏi
luôn được bổ sung, tự đổi mới, tự phát triển trong dòng phát triển trí tuệ của
nhân loại. Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết về sự phát triển, bao hàm cả
sự phát triển của chính học thuyết đó với tinh thần phê phán và tự phê phán. Bởi
lẽ, có nhiều vấn đề mà Mác - Ăngghen cũng như Lênin chưa có điều kiện, thời
gian nghiên cứu, làm sáng tỏ hoặc do hạn chế của lịch sử nên những luận điểm của
các ông cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Các ông đòi hỏi những
người cách mạng đời sau bổ sung và phát triển làm cho học thuyết đó hoàn chỉnh. Theo
đà phát triển không ngừng của thực tiễn và khoa học, thì bất cứ học thuyết nào
tự bản thân nó cũng không phải là một hệ thống lý luận giáo điều, và chính C.
Mác cũng đã từng khẳng định: “Mỗi bước tiến của phong trào thực tiễn còn quan
trọng hơn hàng tá cương lĩnh”. Những vấn đề chủ nghĩa Mác - Lênin trình bày, chỉ
mới là những quy luật chung nhất về tự nhiên, xã hội và tư duy, là quy luật
chung nhất và tổng thể nhất của sự phát triển của thời đại, là phương hướng căn
bản của sứ mệnh lịch sử cũng như việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp
công nhân ở mỗi thời điểm lịch sử. Do đó, nó chỉ là thế giới quan và phương
pháp luận khoa học, là vũ khí tư tưởng của con người trong cuộc đấu tranh vì
chân lý khoa học và chính nghĩa nhân văn để nhận thức và cải tạo thế giới mà
không phải là “cái đã xong xuôi” hay “nhất thành bất biến”.
Mặc dù hiện nay, các thế lực thù địch trong và ngoài
nước ra sức chống phá, đã kích nhằm chèo lái nước ta theo mô hình TBCN, nhưng Đảng
ta với bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu con đường đi lên CNXH,
nắm vững và vận dụng sáng tạo bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa
Mác-Lênin mà Đảng ta đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng
lợi khác. Thực tiễn đã chứng minh với đường lối đổi mới sáng tạo, hơn 35 năm
qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đạt những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; chúng ta có cơ ngơi và tiền đồ xán lạn
như ngày hôm nay. Thực tiễn sinh động ấy đã bác bỏ quan điểm quy kết chủ nghĩa
Mác - Lênin đã lỗi thời, lạc hậu và nó cũng chỉ ra rằng, ai đó đừng vì chút lợi
trước mắt mà cố tình quay lưng lại với lịch sử dân tộc, đừng a dua, hùa theo bọn
người xấu để chống lại chế độ, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân
Việt Nam. Hãy dừng việc quy kết, đỗ lỗi cho chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời,
lạc hậu./.
VanBinh-KCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét