Pages - Menu

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHỦ NGHĨA DÂN TÚY

 

Dân túy được xem như một khuynh hướng tư tưởng và chính trị nhấn mạnh sự tương phản giữa “nhân dân” với tầng lớp “tinh hoa”, thể hiện trong những tuyên bố cho là mình đứng về phía “dân thường”. Dưới góc độ phong cách ngôn ngữ và một phương thức hành động, dân túy “là chính sách của kẻ cơ hội tìm cách để giành được lòng tin của quần chúng”. Trong ngôn ngữ hằng ngày ở châu Âu, châu Mỹ lẫn ở châu Á, dân túy thường dùng để chỉ trích một đảng phái, một vài chính trị gia nào đó đang tìm kiếm sự thu hút, ủng hộ của dân chúng và dư luận bằng những lời hứa êm tai nhưng trống rỗng, thậm chí thiếu trách nhiệm đối với tương lai chính trị của đất nước, mang nặng cảm xúc nhất thời, thiếu triết lý bền vững cho những mục tiêu chính trị lâu dài và giải pháp hiệu quả cho các vấn đề hiện tại. 

(Ảnh: Internet)

Từ các cách tiếp cận trên, chúng ta nhận thấy, “dân túy thường được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân”. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau: 

Một là, sự trì trệ về kinh tế, sự già hóa dân số và mức thu nhập không tăng đã làm cho đời sống người dân, nhất là của những người yếu thế không được cải thiện làm gia tăng sự bất mãn của người dân.

Hai là, toàn cầu hóa đã đưa đến nghịch lý: Công nghệ sản xuất phần lớn được đưa từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia chậm hay đang phát triển và hàng hóa được chuyển theo chiều ngược lại. Do đó, lợi ích chủ yếu mang lại cho các công ty lớn hoặc đa quốc gia, trong khi đó những người lao động thiếu việc làm hoặc tay nghề thấp mất việc nhưng không có khả năng để tìm việc mới, gây bất bình trong người lao động.

Ba là, cuộc cách mạng công ghiệp 4.0 phát triển như vũ bão, đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống, từ kinh tế đến quan hệ giữa con người; quá trình cá nhân hóa thông tin tăng cao, tin giả tràn lan, làm cho người dân hiểu không đủ rõ vấn đề, dễ hoang mang, bị thông tin chi phối, dẫn dắt.

Bốn là, chính sách xã hội phải đối mặt với nhiều thách thức, chi phí cho chính sách an sinh đối với người già, tàn tật, thất nghiệp hay hưu trí càng tăng làm gia tăng đáng kể số nợ của chính phủ, theo đó, nợ nần luôn đè nặng lên đời sống vốn đã khó khăn của không ít người dân và của xã hội.

Năm là, sự quan liêu xa rời và thiếu gần gũi với nhân dân của giới quan chức cầm quyền đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa lợi ích và tiếng nói của người dân hoặc của một số tầng lớp dân cư với giới chức cầm quyền hoặc những người có quyền lực trong xã hội.

Sáu là, di dân và di tản toàn cầu với nhiều lý do, thật sự là thách thức đối với các chính phủ, khoét sâu sự ngăn cách về tâm lý giữa người đến và người sở tại về những khó khăn trong giải quyết, tiếp cận cơ hội, việc làm và phát triển.

Tóm lại, tình hình biến đổi sâu sắc, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội chưa được giải quyết tốt, lợi ích chính đáng, hợp pháp của số đông người lao động chưa được quan tâm giải quyết hiệu quả… là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở các nước Âu, Mỹ hiện nay. Khi nhiều người dân bất mãn trong một thời gian dài, vượt quá giới hạn chịu đựng của họ mà không có những giải pháp chính trị, kinh tế - xã hội thích hợp thì đó chính là mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện các khuynh hướng của chủ nghĩa dân túy, là “dư địa” để nó gây ra những cơn địa chấn mới./.

NTC-H4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét