Pages - Menu

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

NHỮNG ĐIỀU QUÂN NHÂN CẦN LƯU Ý KHI CHIA SẺ THÔNG TIN LÊN MẠNG XÃ HỘI

  

Tại Việt Nam, các trang mạng xã hội đang phát triển rất mạnh mẽ, phần lớn những người biết sử dụng internet và smartphone đều sở hữu cho mình ít nhất một tài khoản mạng xã hội. Facebook là một trong số những mạng xã hội phổ biết nhất Việt Nam hiện nay. Việt nam xếp ở vị trí thứ 7 với 58 triệu người dùng, tăng 5% trong quý đầu năm, và rộng hơn là 16% so với cùng kỳ năm ngoái. TPHCM cũng nằm trong top 6 thành phố có người dùng Facebook đông nhất, với 14 triệu người dùng.

Như vậy trong top 10 nước có lượng người dùng Facebook đông nhất thì có tới 4 quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan. Bên cạnh đó, Băng Cốc và Jarkarta cũng là 2 thành phố có lượng người dùng Facebook lớn nhất thế giới. Mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến và thể hiện những chức năng ưu việt của nó so với các phương tiện truyền thông khác, nhanh chóng, cập nhật và sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nhờ tính tương tác cao. Vì vậy, hầu hết mọi người dân và không ít quân nhân đã tham gia ít nhất một vài mạng xã hội. Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Sự vội vàng, thiếu cẩn trọng, thiếu kiểm soát trong khai thác và sử dụng mạng xã hội đã dẫn đến những hệ lụy khó lường như nguy cơ lộ, lọt thông tin liên quan đến bí mật quốc gia, an ninh, quốc phòng, gây mất đoàn kết nội bộ cơ quan đơn vị, xâm phạm cuộc sống đời tư của người khác…

 Pháp luật  Việt Nam không cấm việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Người dùng mạng được tự do chia sẻ thông tin cho người khác, đưa ra những suy nghĩ, quan điểm cá nhân về bất kì vấn đề nào. Song, việc chia sẻ cần phải được chọn lọc, cân nhắc. Hành vi vô ý chia sẻ thông tin sai lệch sẽ khó bị xử phạt.

Nhưng nếu người dùng mạng xã hội cố ý chia sẻ những thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức thì sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm.

Theo quy định tại điểm a, khoản 3 điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, hành vi tung tin sai sự thật gây hoang mang trong xã hội vi phạm quy định pháp luật về thông tin trên mạng, có thể bị xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng điểm a, khoản 3 điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Đối với trường hợp tung tin đồn nhảm gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị khởi tố hình sự.

Bắt nguồn từ việc nhận thức chưa đầy đủ các nguy cơ cũng như thói quen cá nhân từ trước nên có một số quân nhân đã vi phạm các quy định khi tham gia mạng xã hội. Việc thiếu cẩn trọng trong việc đăng tải các thông tin, hình ảnh cá nhân, về hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, học tập, công tác của các quân nhân lên mạng xã hội đã vô tình tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, những người bất đồng quan điểm khai thác sử dụng để nói xấu, chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Cùng với đó là sự vội vàng, cẩu thả, khâu thẩm định, kiểm duyệt thông tin thiếu chặt chẽ của một số trang báo mạng trong việc khai thác thông tin, hình ảnh từ mạng xã hội, đã gây nên những hiểu lầm về các sự việc, hiện tượng trong dư luận xã hội. Đặc biệt có những cá nhân, thành phần bất mãn đã lợi dụng mạng xã hội để gây sự chú ý của cộng đồng mạng nhằm mục đích khiếu kiện, tố cáo gây hoang mang, hiểu lầm đối với dư luận quần chúng; đây là một hành vi hết sức nguy hiểm có thể dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" mà Đảng, Nhà nước ta đang ra sức ngăn chặn. 

Nhằm ngăn ngừa việc các quân nhân vi phạm trong quá trình tham gia mạng xã hội, ngày 22 tháng 8 năm 2014, Bộ quốc phòng đã ra Thông tư số 110/2014/TT-BQP, ban hành Quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó đối với các hành vi cá nhân ở Điểm 1, 2, 3, Điều 7, Chương 1 có nêu rõ "Các hành vi bị nghiêm cấm:

1. Cung cấp, trao đổi thông tin có nội dung thuộc lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, quốc phòng qua mạng Internet.

2. Tạo lập và cung cấp thông tin cá nhân với tư cách quân nhân lên các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội.

3. Truy cập vào các trang thông tin điện tử mạo danh, phản động, có nội dung không lành mạnh".

Đây là các hành vi mà bất cứ quân nhân nào khi tham gia mạng xã hội vi phạm đều phải chịu xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên, căn cứ theo mức độ vi phạm. Đã có rất nhiều bài học về hệ lụy của việc sử dụng mạng xã hội, vì thế những người tham gia mạng xã hội cần phải luôn tỉnh táo, cẩn trọng với việc chia sẻ thông tin lên mạng xã hội. Trước khi quyết định đăng tải nội dung gì đó cần phải xem xét mức độ, phạm vi tác động của nó đối với cá nhân, những người xung quanh, cơ quan, đơn vị để từ đó có hành vi đúng đắn./.

NTP-H2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét