Pages - Menu

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

XÂY DỰNG MỘT MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA LÀNH MẠNH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG HIỆN NAY LÀ VẤN ĐỀ CẤP THIẾT

 

Môi trường mạng đang làm chuyển đổi toàn bộ cách thức sinh hoạt, học tập, làm việc, giao tiếp, vui chơi, giải trí của con người. Internet cũng thức đẩy xu hướng tự do ngôn luận, bình đẳng thông tin và dân chủ hóa trên phạm vi toàn thế giới. Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực đó, ngày càng có nhiều vấn nạn trên mạng xã hội, từ việc bán hàng "rởm" đến "bóc phốt", khoe thân.... Điều này buộc các nhà quản lý cũng như mọi người cùng cần chung tay xây dựng một không gian mạng sạch sẽ, văn minh và lành mạnh để mỗi chúng ta và con em chúng ta đều được "sống đẹp" dù ở bất cứ đâu, trên mạng hay trong đời thật.

Theo thông kê của Cục Viễn thông - Bộ TT&TT, năm 2020, Việt Nam là 1 trong top 20 nước có số người sử dụng (NSD) Internet cao nhất thế giới, tỷ lệ NSD Internet theo thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2019 là đạt 68,7%, trong khi đó trung bình của thế giới là 51,4%. Hiện tỷ lệ này chỉ thấp hơn các nước phát triển (86,7%), nhưng cao hơn các nước đang phát triển (44,4%) và vượt qua nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương (44,5%).

Mặc dù là một "không gian ảo", "thế giới ảo", nhưng những tác động, ảnh hưởng, hệ lụy của Internet lại rất thật. Trên môi trường văn hóa đó đang diễn ra những hoạt động văn hóa vô cùng sôi động, các tác phẩm văn hóa nghệ thuật được phổ biến nhanh chóng, các hình thức hưởng thụ văn hóa rất cởi mở, đa dạng.

Với quyền tự do biểu đạt văn hóa, các cá nhân có cơ hội tối đa khám phá và thể hiện sở trường, năng lực, tài năng. Hiện nay trên các ứng dụng khác nhau của mạng đang diễn ra những thử nghiệm nghệ thuật đa dạng và táo bạo nhất. Những thử nghiệm này nhanh chóng được phát hiện và dễ dàng được đánh giá trong cộng đồng mạng. Không ít ca sĩ, họa sỹ, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim trẻ tài năng của Việt Nam đã được phát hiện thông qua môi trường này.

Đặc biệt, giới trẻ thường không quan tâm lắm đến đời sống chính trị - xã hội theo kiểu truyền thống, nhưng lại tỏ ra hứng thú và có trách nhiệm trên các trang mạng xã hội, diễn đàn, website, blog cá nhân. Trong tay những người trẻ có nhiệt huyết, chúng biến thành những công cụ hữu hiệu để họ thể hiện ý thức công dân, lòng yêu nước, tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, bảo vệ môi

Tuy nhiên, do tính chất ẩn danh, khó kiểm soát, khó quản lý, không gian mạng cũng là môi trường thuận lợi cho các biểu hiện tiêu cực như: lừa đảo về kinh tế, gian lận trong thương mại, tung tin đồn thất thiệt để triệt hạ đối thủ, những ứng xử vô văn hóa như tung ảnh "nóng", "comment bẩn", "ném đá hội đồng", "cuồng like", anti-fan, đề cao thái quá cái tôi cá nhân, tạo scandal để trở nên nổi tiếng...

Hiện nay, một bộ phận không nhỏ dân mạng dường như ngày càng trở nên háo danh hơn trên không gian mạng. Không ít người cố tìm các chiêu trò để lôi kéo sự chú ý của người khác nhằm thể hiện "tôi khác người", "tôi đặc biệt", "tôi cá tính", "tôi thú vị". Họ dùng mạng xã hội như một bàn đạp để thỏa mãn "cơn khát hào quang", "anh hùng bàn phím" trong khi chẳng mấy quan tâm đến tình hình đất nước. Đặc biệt gần đây, việc livestream, đăng bài, clip, hình ảnh khủng bố tinh thần, xúc phạm danh dự người khác, hiện tượng "ảo tưởng quyền lực", "ngáo quyền lực", tham vọng điều khiển đám đông đã dẫn tới những xáo trộn, bất ổn về mặt văn hóa và xã hội như những lùm xùm giữa một CEO nổi tiếng với các nghệ sĩ trong nước.

Theo báo cáo của Microsoft năm 2020, chỉ số văn minh trên không gian mạng (Digital Civility Index - DCI) của Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia thấp nhất thế giới. Còn theo khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) năm 2017, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người dùng mạng tại Việt Nam tập trung ở: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37%); kỳ thị giới tính (29,3%); kỳ thị khuyết tật (21,76).

Do vậy, việc chấn chỉnh và tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng hiện nay đang đặt ra cấp thiết. Tuy nhiên, với tính chất là một "không gian ảo", "xã hội ảo", "cộng đồng ảo", việc quản lý văn hóa, quản lý thông tin, xây dựng môi trường văn hóa tại đây đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Song khó không có nghĩa là không làm được và chúng ta đành bó tay đứng nhìn không làm gì cả.

Cũng như đối với công việc điều hành, quản lý trong cuộc đời thực, việc xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng cần được quan tâm rốt ráo ở tất cả các khâu: thể chế quản lý, nguồn lực quản lý, công cụ quản lý, biện pháp quản lý.

Trước hết, cần tạo dựng hành lang pháp lý phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản dưới Luật liên quan đến mạng như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ Thông tin…, rất cần kịp thời sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến môi trường mạng trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật như: Luật Điện ảnh, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Quảng cáo, Luật sở hữu trí tuệ, Nghị định về hoạt động Nghệ thuật biểu diễn, Nghị định về hoạt động Mỹ thuật, Nghị định về hoạt động Nhiếp ảnh…

Cùng với đó, phải tăng cường kiện toàn bộ máy quản lý, đội ngũ nhân lực quản trị mạng, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm duyệt, cấp phép, thanh tra... Cần có các chế tài đủ sức răn đe, xử phạt nghiêm minh những vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Để tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng, cùng với quá trình "chống", chúng ta phải tích cực "xây". Rất cần khuyến khích các văn nghệ sĩ lưu hành rộng rãi trên mạng các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị cao, có sức lan tỏa, hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ. Khi chúng ta nỗ lực chăm sóc, vun trồng càng nhiều hoa đẹp, thì cỏ dại sẽ càng ít có cơ lan rộng. Có các hình thức phù hợp khơi dậy ý thức trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc để dần dần loại bỏ những đánh giá tiêu cực của các tổ chức quốc tế về ứng xử thiếu văn minh trên mạng của người Việt Nam. Đối với những hành xử vô văn hóa, những biểu hiện "lệch chuẩn", rất cần có sự phản biện tích cực của dư luận xã hội, đề cao vai trò của người đứng đầu, quản trị viên các diễn đàn, website, fanclub… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, giáo dục cách thức tự bảo vệ trên không gian mạng cho giới trẻ, nhất là trẻ em.

Ngoài ra, đối với một môi trường đặc thù như không gian mạng, rất cần đẩy mạnh các biện pháp quản lý bằng khoa học - kỹ thuật, "dùng công nghệ để quản lý công nghệ" như dùng tường lửa, phần mềm lọc thông tin, cảnh báo các ứng xử phản văn hóa, xây dựng mạng xã hội nội địa...

Tóm lại, để có thể xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng Internet ở Việt Nam hiện nay rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, tổ chức xã hội liên quan, sự quan tâm sát sao của các gia đình và nhà trường, sự nâng cao ý thức tự giác của mỗi công dân./.

LXT-H4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét