Trong âm mưu
thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam, các thế lực
cơ hội chính trị, thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc bản chất, truyền thống
của Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ hy vọng rằng nếu "bôi đen" được
QĐND thì có thể làm mất uy tín, vai trò của quân đội đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ
quốc, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với quân đội, nghĩa là có thể
“tách cá khỏi nước”. Mục tiêu cuối cùng của họ là thực hiện mưu đồ “phi chính
trị hóa” quân đội, làm cho Quân đội ta thoái hóa, mất mục tiêu chiến đấu, xa rời
sự lãnh đạo của Đảng, xa rời nhân dân. Chính vì thế, họ "chăm chỉ"
tích cóp từng chi tiết, lợi dụng triệt để từng sự việc có tính chất đơn lẻ xảy
ra ở một vài đơn vị cơ sở, như: Chiến sĩ cũ đánh chiến sĩ mới; chiến sĩ xô xát
với dân; một vài chiến sĩ uống rượu... để từ đó tập hợp thành các clip, rồi
bình luận, quy kết, xuyên tạc về phẩm chất truyền thống của QĐND Việt Nam. Những
ngày gần đây, trên mạng xuất hiện một số clip chiến sĩ nọ đánh chiến sĩ kia,
kèm các bình luận khá gay gắt, cay nghiệt, rất thiếu thiện chí. Đây chính là một
thủ đoạn xuyên tạc của một số người mưu mô, cơ hội…
Gần như thành
thông lệ, cứ vào mùa tuyển quân hằng năm của các địa phương là trên không gian
mạng lại xuất hiện một vài video clip về hiện tượng chiến sĩ cũ bắt nạt, đánh đập
chiến sĩ mới. Qua tham khảo từ các kỹ thuật viên công nghệ thì có những video
clip đã được quay cách đó vài năm, nhưng được một vài cá nhân lưu giữ. Sau đó,
cứ đến gần mùa tuyển quân thì họ lại đăng lên mạng, hòng thu hút sự chú ý của
cư dân mạng cho trang của mình. Mục đích của họ thứ nhất là muốn tạo ra tâm lý
hoang mang cho các thanh niên và gia đình các thanh niên trước khi họ lên đường
nhập ngũ. Thứ hai là muốn "câu" view, "câu" like, làm cho
blog hoặc tài khoản facebook của mình có người… ngó ngàng tới. Thứ ba là có một
số người có ý đồ xấu, mưu mô, cơ hội nên đã tải lại những clip này, sau đó chỉnh
sửa, cắt ghép vô lối, rồi tán phát lên không gian mạng. Họ tự tưởng tượng ra đó
là “bằng chứng”, để từ đó viết bài, bình luận xiên xẹo, xuyên tạc tình cảm gắn
bó cán-binh trong quân đội, xuyên tạc phẩm chất, truyền thống của QĐND Việt
Nam. Điều nguy hiểm là những bài viết đó được một số người thiếu thông tin tham
gia tương tác bình luận, chia sẻ, tạo thành hiện tượng, gây ra dư luận xấu
trong xã hội, hình thành cái nhìn méo mó về phẩm chất, truyền thống đoàn kết,
anh dũng của Quân đội ta. Qua tìm hiểu từ cơ quan chức năng, chúng tôi được biết,
toàn bộ nội dung, hình ảnh, đối tượng xuất hiện trong các clip mới được tán
phát trên mạng vừa qua đã được các đơn vị báo cáo và được xử lý rốt ráo. Các
chiến sĩ xuất hiện trong clip đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về địa
phương từ lâu. Thế nhưng năm nào họ cũng bị một số đối tượng cơ hội lợi dụng
đưa lên mạng như là “diễn viên” bất đắc dĩ.
Cá biệt còn
có một số tổ chức, trang mạng từ nước ngoài cố tình sao lưu, cắt ghép hình ảnh
một cách thô thiển, kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, rồi lấy cớ đó để tạo ra một
bài bình luận dài dòng, lòng vòng nói xấu các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trong
các đơn vị, quy chụp, xuyên tạc nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với QĐND và
Công an nhân dân. Họ cho rằng nếu LLVT không “phi chính trị hóa” thì sẽ vẫn còn
hiện tượng như họ phản ánh. Khi xem các clip của họ, những người có đủ thông
tin và có phương pháp phân tích thông tin thì chắc chắn sẽ nhìn thấu "cái
đuôi" cơ hội chính trị của những kẻ đã tạo ra sản phẩm đó. Đúng như Thượng
tướng Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện
Quốc phòng trong lần trả lời các phóng viên đã khẳng định: “Quân đội ta là một
thực thể của xã hội, có thể chịu ảnh hưởng của mọi sự tác động tiêu cực từ xã hội,
nhưng điều đó không có nghĩa là tiêu cực xâm nhập được vào quân đội. Hiện tượng
đánh nhau của một số chiến sĩ có thể có, nhưng đó chỉ là sự việc đơn lẻ, và dứt
khoát đó không phải là bản chất, truyền thống của Quân đội ta…”. Tuy nhiên,
cũng còn một bộ phận cư dân mạng thiếu thông tin, hoặc không chịu tìm hiểu đúng
bản chất của sự việc đã vội tham gia tương tác, bình luận, biểu thị suy nghĩ của
mình một cách xuôi chiều, phiến diện, tạo ra dư luận không tốt trong xã hội.
Lợi dụng mạng
xã hội để đăng tải các thông tin thiếu kiểm chứng, hòng bôi xấu hình ảnh của
QĐND Việt Nam là việc làm không hề mới của một số đối tượng cơ hội chính trị và
các thế lực thù địch. Hiện tượng này lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác, từ
ngày này qua ngày khác, có tính định kỳ trên một số trang mạng của một vài đối
tượng, tổ chức cả ở trong nước và ngoài nước. Dường như những con người này
luôn mang nặng lòng thù hận với chế độ, với dân tộc, tới mức họ nhìn việc tích
cực cũng thành tiêu cực, nhìn màu trắng cũng thành đen, nhìn sự phát triển xán
lạn cũng trở nên u ám. Dựa vào cách nhìn ấy để đánh giá bản chất của sự vật, hiện
tượng thì không bao giờ chính xác và hoàn toàn không có tính thuyết phục. Do
đó, từ một vài hiện tượng có tính đơn lẻ xảy ra tại một số đơn vị cơ sở trong
quân đội, họ vội vàng kết luận về bản chất, truyền thống của QĐND Việt Nam là
điều không thể chấp nhận được.
Thực tế là:
Truyền thống đoàn kết trong cán bộ, chiến sĩ của Quân đội ta được hình thành,
nuôi dưỡng, bồi đắp từ sự khốc liệt của chiến tranh, từ sự kề vai sát cánh,
chung lưng đấu cật khắc phục khó khăn, gian khổ trong quá trình huấn luyện,
công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ngay từ buổi đầu thành lập, 34 chiến
sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã ăn với nhau một bữa cơm
không có muối để biểu thị tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn,
gian khổ, trong khốc liệt của chiến tranh. Trong suốt hơn 75 năm xây dựng, chiến
đấu và trưởng thành của QĐND Việt Nam, truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn
như anh em ruột thịt giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa các chiến sĩ với nhau vẫn
luôn được giữ vững và không ngừng được củng cố, trở thành nét nhân văn của Quân
đội ta, là yếu tố cấu thành và tạo nên danh xưng Bộ đội Cụ Hồ. Đoàn kết trên dưới
một lòng, đồng cam cộng khổ, thậm chí sẵn sàng hy sinh thân mình để tránh
thương vong cho đồng đội và tiêu diệt kẻ thù như Anh hùng Phan Đình Giót trong
Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954); sự dũng cảm hy sinh để cứu đồng đội bị lũ
cuốn như Binh nhất Rơ Chăm Thuyên (sau được truy thăng cấp bậc Trung sĩ), chiến
sĩ Đại đội công binh thuộc Bộ CHQS tỉnh Gia Lai ngày 9-8-2007; sự hy sinh để
dành sự sống cho đồng đội khi hầm bị sập như Đại úy Cao Xuân Tú (sau được truy
thăng quân hàm Thiếu tá), Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 25, Lữ đoàn Công binh
543 (Quân khu 2) ngày 15-8-2016… Và khó có thể kể hết hàng trăm, hàng nghìn tấm
gương nhường nhịn, sẻ chia từng bát cơm, ngụm nước, viên thuốc cho đồng đội
trong lúc nguy nan… Đó mới là truyền thống, bản chất, là biểu hiện chân thực về
tình cảm cán-binh của Quân đội ta. Đó cũng là những yếu tố góp phần tạo ra sức
mạnh của quân đội, xây nên bản chất cách mạng của đội quân cách mạng, làm cho bản
chất của QĐND Việt Nam khác với bản chất của các đội quân khác trên thế giới. Thực tế đó không thể phủ nhận và luôn ngời
sáng.
Tuy nhiên,
chúng ta cũng phải thừa nhận là, thời gian qua, tại một số đơn vị, một số lãnh
đạo, chỉ huy cấp cơ sở còn chưa thực sự bám sát bộ đội, chưa kịp thời phát hiện
những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, sinh hoạt, quan hệ của bộ đội nên đã để
xảy ra một vài sự việc đáng tiếc. Đây đó vẫn còn hiện tượng mâu thuẫn, xô xát
giữa các chiến sĩ; cá biệt vẫn còn hiện tượng quân phiệt bằng lời nói và hành động
đối với bộ đội. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục quán
triệt sâu kỹ các chỉ thị, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu và
các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, giáo dục bộ đội. Cần phải tổ chức
rút kinh nghiệm nghiêm túc các sự việc đã xảy ra, coi đó là những bài học sâu sắc
về xây dựng mối quan hệ đoàn kết cán-binh. Thường xuyên rà soát, chấn chỉnh, xử
lý kịp thời các hiện tượng bất thường, hiện tượng quân phiệt trong đơn vị. Đội
ngũ cán bộ từ tiểu đội trưởng trở lên phải thực sự gương mẫu, bám sát, thương
yêu, giúp đỡ bộ đội, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ phải
thương yêu đội viên… Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh,
người chị, người bạn của đội viên. Chưa làm được như vậy là chưa hết nhiệm vụ.
Cán bộ có thân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt…”.
Đồng thời phải tạo ra bầu không khí thực sự dân chủ, thân thiện ngay từ ngày đầu
các chiến sĩ mới đặt chân về đơn vị, tạo ra niềm tin, ấn tượng tốt đẹp cho bộ đội
về một môi trường chuẩn mực trong quân đội. Đó chính là công việc đầu tiên mà mỗi
cán bộ phải thực hiện khi tiếp nhận bộ đội về làm chiến sĩ của mình.
Khi chúng ta
xây dựng được một đơn vị, một tập thể gắn bó, đoàn kết, trên-dưới thương yêu,
giúp đỡ lẫn nhau, cùng vượt qua khó khăn, cùng tiến bộ là đã vừa góp phần xây dựng,
bồi đắp phẩm chất, truyền thống của QĐND, làm sáng rõ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, đồng
thời tạo ra liều thuốc đặc hiệu chống lại mọi sự xuyên tạc, mọi mưu mô, thủ đoạn
hòng bôi nhọ hình ảnh của QĐND Việt Nam anh hùng.
HAT-H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét