Những năm gần đây, khi internet phát triển,
đến mùa tuyển quân, trên mạng xã hội và một số trang web lại lan truyền những
bài viết, video “bày mẹo” trốn nghĩa vụ quân sự (NVQS).
Các bài viết, video này chủ yếu lợi dụng Điều
41, Luật NVQS về “Tạm hoãn nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ”, hướng dẫn người
không thuộc diện hoãn, miễn gọi nhập ngũ làm sai lệch hồ sơ, kết quả khám tuyển
để trốn NVQS.
Thực trạng này đã có những tác động nhất định
đến công tác tuyển quân. Trong khi hầu hết các gia đình động viên con em mình
đang trong độ tuổi nhập ngũ hăng hái đăng ký, khám tuyển NVQS và sẵn sàng lên
đường nhập ngũ, thì vẫn còn một số người nhận thức chưa đầy đủ về NVQS, dùng mọi
cách để trốn tránh. Anh bạn tôi đang làm cán bộ phường than phiền vì liên tục
nhận được các cuộc gọi của người quen, anh em, họ hàng nhờ “can thiệp” để con
em họ không phải thực hiện NVQS.
Như chúng ta đã biết, NVQS không chỉ được
quy định rõ ràng bằng luật mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng của công dân. Được đứng
trong hàng ngũ quân đội và công an để bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào của
gia đình, dòng họ, quê hương; là truyền thống, nét đẹp văn hóa của các thế hệ
thanh niên Việt Nam. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước, quân đội, các địa phương đã
có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo hậu phương, gia đình và bảo đảm quyền lợi
cho công dân nhập ngũ. Vì vậy, những cái nhìn thiển cận về NVQS, những biểu hiện
tiêu cực trong công tác tuyển quân cần lên án, loại bỏ.
Hiện các địa phương trên cả nước đang tiến
hành các bước theo luật định để khám tuyển, gọi công dân nhập ngũ năm 2022. Mặc
dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các địa phương phải dành nhiều nguồn lực
và sự chỉ đạo phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế nhưng công tác tuyển quân vẫn
được tiến hành một cách nghiêm túc, chặt chẽ, dân chủ, công khai. Rất nhiều
thanh niên đã chủ động viết đơn tình nguyện nhập ngũ, mang theo hoài bão, cống
hiến sức trẻ bảo vệ Tổ quốc. Song, dịch Covid-19 cũng làm cho công tác tuyên
truyền, đăng ký, khám tuyển và quản lý số lượng, chất lượng công dân trong độ
tuổi nhập ngũ, nhất là công dân đi làm ăn xa gặp rất nhiều khó khăn. Để tiếp tục
nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, giao quân, các địa phương cần vận dụng
linh hoạt, sáng tạo hình thức tuyên truyền về Luật NVQS và các thông tư, hướng
dẫn.
Kế thừa và tiếp tục phát huy truyền thống
"thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", các địa
phương cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và tận dụng triệt để thiết
chế văn hóa, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng, thanh niên
đã hoàn thành NVQS, mạng xã hội để tuyên truyền cho mọi người dân nhận thức sâu
sắc quyền lợi, nghĩa vụ của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; làm rõ các
quy định xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn
NVQS, đồng thời tạo dư luận xã hội rộng rãi để lên án các hành vi sai trái.
Phát huy vai trò của cơ quan quân sự trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và
hội đồng NVQS các cấp tiến hành chặt chẽ các khâu, các bước từ đăng ký, quản lý
nguồn sẵn sàng nhập ngũ đến quy trình tuyển chọn với phương châm “tuyển người
nào chắc người đó”. Phải công khai kết quả khám tuyển đến mọi người dân và tăng
cường kiểm tra, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có biểu hiện, hành vi tiêu
cực khi thực hiện quy trình tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ./.
HGL-H8
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét