Pages - Menu

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

HIỂU ĐÚNG VỀ NHỮNG ĐIỀU ĐẢNG VIÊN KHÔNG ĐƯỢC LÀM

 

Ngày 29/11/2021, Ủy ban Kiểm tra Ban Chấp hành Trung ương có Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm. Văn bản trên đã cụ thể hóa, hướng dẫn chi tiết về 19 điều đảng viên không được làm trong Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Lợi dụng sự kiện này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã công kích, xuyên tạc, nhất là các nội dung liên quan đến tư tưởng chính trị, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Các thế lực phản động đã xuyên tạc việc đảng viên không được đòi thực hiện “xã hội dân sự”.

Thứ nhất, Chúng lái dư luận nhận thức sai lệch về “xã hội dân sự” và việc đảng viên không được đòi thực hiện “xã hội dân sự” ở nước ta. Trong những năm gần đây, vấn đề xã hội dân sự được nhiều cá nhân, tổ chức, trong và ngoài nước quan tâm, bàn luận. Ở nước ta, bên cạnh các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, nhiều hội đã và đang được thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân hoạt động công khai hợp pháp.  

Hiện có khoảng gần 400 hội đang hoạt động trên phạm vi cả nước, trên 600 tổ chức hội, đoàn đang hoạt động trên phạm vi các địa phương; hàng ngàn hiệp hội, câu lạc bộ hoạt đông trên các lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó còn có khoảng trên 600 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có quan hệ với Việt Nam, trong đó gần 400 tổ chức có các chương trình, dự án đang triển khai tại nước ta. Tuy nhiên, “xã hội dân sự” mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đề cập đến là những tổ chức đối lập, có mưu đồ và hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là các tổ chức: đề cao và nhấn mạnh vai trò “phản biện xã hội” của các tổ chức “xã hội dân sự”, triệt để khai thác tính đa dạng về thành phần, mục tiêu thành lập, lợi ích của tổ chức và các thành viên, đa nguyên về tư tưởng, chính kiến để hướng lái hoạt động của các tổ chức “xã hội dân sự” đã hình thành hoặc chuẩn bị hình thành vào các khuynh hướng tư tưởng chính trị khác nhau, từ đa nguyên về tư tưởng, dẫn tới đa nguyên về chính trị và mục đích cuối cùng là đối lập về tư tưởng chính trị; thúc đẩy xu hướng thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; lợi dụng chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” để hướng lái xã hội dân sự vào các hoạt động trái với tôn chỉ, mục đích; các thế lực thù địch bên ngoài gia tăng các hoạt động móc nối, liên kết, hậu thuẫn cho những người “bất đồng chính kiến” trong nước, những người bất mãn với chế độ trong một bộ phận văn nghệ sĩ, trí thức, luật sư… Thứ “xã hội dân sự” như vậy không vì quyền làm chủ của người dân, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh mà chỉ là mưu đồ để tiến tới đa nguyên, đa đảng, hình thành, tập hợp, phát triển lực lượng chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bất kỳ một tổ chức, đảng phái nào đều có những quy định đối với các thành viên tham gia, trong đó, các thành viên phải có trách nhiệm thực hiện tôn chỉ, mục đích của tổ chức đó và đấu tranh với các tổ chức đối lập. Do vậy, quy định đảng viên không được đòi thực hiện “xã hội dân sự” hoàn toàn đúng đắn, công kích, xuyên tạc quy định này là hành động của kẻ phá hoại mà thôi.

Thứ hai, cấm đảng viên không đòi thực hiện “xã hội dân sự” không giảm đi sức mạnh của Đảng. Sức mạnh của một tổ chức bao gồm nhiều yếu tố, trong đó hoạt động của mỗi thành viên có vai trò hết sức quan trọng. Sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng có được giữ vững và phát huy hay không phụ thuộc vào đội ngũ đảng viên. Nếu mỗi đảng viên luôn kiên định, trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có những hoạt động cống hiến, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì Đảng sẽ ngày càng lớn mạnh, càng giữ vị trí trung tâm, không thể thay thế trong lãnh đạo cách mạng. Ngược lại, nếu đảng viên phai nhạt lý tưởng, dao động sẽ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có những hoạt động có hại cho Đảng, Nhà nước, Tổ quốc, chế độ. Nếu đảng viên cổ súy, tham gia cho cái gọi là “xã hội dân sự” mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị rêu rao thì rất nguy hại đến sự tồn vong của Đảng, chế độ. Cấm, xử lý kỷ luật, khai trừ đối với đảng viên có tư tưởng và hành động đó sẽ làm trong sạch đội ngũ đảng viên, làm cho Đảng mạnh lên chứ không hề giảm đi vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Như vậy, luận điệu của bọn phản động trong bài viết: “Không quản được thì cấm!” hết sức xuyên tạc, nhằm hướng dư luận nhận thức sai lệch về xã hội dân sự và quy định đảng viên không được đòi thực hiện “xã hội dân sự”, từ đó thực hiện mưu đồ đa nguyên, đa đảng, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết vạch trần và đấu tranh bác bỏ.

                                                   HKT-KBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét