Trong
thời gian qua rất nhiều cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm trong các hoạt
động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án bị đưa ra trước công lý, điều đó đã
gióng lên hồi chuông “cảnh báo” về sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ,
đảng viên, công chức, viên chức đảm nhiệm thực thi và bảo vệ pháp luật nhưng lại
làm trái pháp luật, chà đạp lên công lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Những
người một thời từng được Đảng, nhà nước trao quyền ký lệnh khởi tố người này, bắt
giam người khác vì hành vi phạm tội, thì nay lại trở thành đối tượng tội phạm.
Có những người được Nhà nước ủy quyền nhân danh công lý để góp phần bảo đảm
công lý cho xã hội và người dân, nhưng đã buông trôi quyền lực thực thi công lý
theo những đồng tiền chạy án để rồi tự họ trở thành đối tượng xét xử của tòa
án.
Nhưng
đáng trách hơn và cần phải cảnh tỉnh đối với những người được Nhà nước giao trọng
trách "cầm cân nảy mực" thực thi luật pháp nhưng vì lòng tham, vì đồng
tiền dơ bẩn mà đã bán rẻ lương tâm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không làm tròn
phận sự của người phụng công thủ pháp. Đây là một trong những căn nguyên sâu xa
có thể dẫn tới nguy cơ chuyển hóa bản chất chế độ pháp chế xã hội chủ nghĩa ưu
việt ở nước ta.
Muốn
phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực đó việc cần kíp hiện nay là phải
tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực
thi và bảo vệ pháp luật theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch. Cùng với đó,
cần chú trọng xây dựng cơ chế và duy trì nghiêm túc hoạt động thanh tra, kiểm
tra nhằm phát hiện, tố giác hành vi tiêu cực bảo đảm nguyên tắc bất cứ cán bộ,
công chức nào nắm giữ và thực thi quyền lực bảo vệ pháp luật cũng phải chịu sự
điều chỉnh, răn đe, trừng trị nếu vi phạm pháp luật. Tuy vậy, mọi cơ chế, chính
sách dù có hoàn thiện đến đâu mà người thực thi lòng dạ không trong sáng thì cơ
chế, chính sách cũng khó phát huy hiệu lực, hiệu quả. Do đó, vấn đề căn cốt vẫn
là giáo dục, rèn luyện nâng cao đạo đức công vụ, phẩm chất liêm chính cho đội
ngũ cán bộ, công chức hoạt động trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Các
cơ quan bảo vệ pháp luật được ví như “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, “lá chắn” bảo
vệ chế độ. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ
quan bảo vệ pháp luật phải thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản thân để “thanh
bảo kiếm” luôn sắc bén, dám vung kiếm và vung kiếm đúng lúc, chém đúng đối tượng,
không bị sứt mẻ; để “lá chắn” luôn vững vàng, chắc chắn, không viên đạn, mũi
tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên “bọc đường”. Đó là
cách bảo vệ tốt nhất, an toàn nhất cho mỗi người, mỗi tổ chức và ý nghĩa hơn,
đó là bảo vệ tính uy nghiêm tối thượng của luật pháp./.
NQV-QSĐP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét