Trong
sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định
văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Hiện
nay, trước những thách thức đặt ra của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
và hội nhập quốc tế, càng phải chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn
hóa dân tộc vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Trong
quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa
và hội nhập quốc tế cùng với cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu hiện nay, yêu
cầu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được đặt ra đối với bất kỳ dân tộc
hay quốc gia nào trên thế giới. Trong các nghiên cứu khoa học về văn hóa, tác
giả A.A. Ra-du-ghin (nhà nghiên cứu văn hóa của Nga) đã khẳng định, xu hướng hiện
đại của việc suy ngẫm lại vai trò và ý nghĩa của di sản văn hóa là ở chỗ, không
chỉ cố gắng giữ gìn di sản văn hóa đó ở dạng ban đầu, mà còn phải nỗ lực gắn di
sản đó vào nền móng của đời sống xã hội. Tức là bản thân quá trình lịch sử của
văn hóa - nghệ thuật xuất hiện ở đây không chỉ như quá trình bảo toàn quá khứ
và tích lũy các giá trị văn hóa, mà còn như quá trình phát triển cái mới trong
cái cũ. Như vậy, mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển đã được xác định có sự
kế thừa và mang tính khách quan với yếu tố cốt lõi là các giá trị văn hóa.
Giá
trị văn hóa còn được gọi là “vốn văn hóa” với các đặc điểm tiêu biểu là: Giá trị
văn hóa có khả năng bổ sung làm gia tăng giá trị kinh tế của một sản phẩm văn
hóa; Giá trị văn hóa góp phần xây dựng nhân cách, điều chỉnh hành vi cá nhân
làm cho nguồn nhân lực xã hội có chất lượng trí tuệ cao hơni; Vốn văn hóa là một
bộ phận cấu thành môi trường xã hội lành mạnh ; Một sản phẩm có hàm lượng văn
hóa, trí tuệ càng cao thì giá trị hàng hóa/giá thương phẩm càng tăng.
Các
di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể (lâu đài, thanh quách, đình, chùa,
miếu, phủ, di sản thiên nhiên, bảo vật, cổ vật...) và di sản văn hóa phi vật thể
(nghệ thuật, văn chương, tri thức, kỹ năng, phong tục, tập quán, tin ngưỡng...),
mang những giá trị văn hóa - vốn văn hóa đặc sắc, tiêu biểu cho lịch sử xây dựng
và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Tiếp cận từ góc độ kinh tế học, các di
sản văn hóa không chỉ mang giá trị văn hóa, mà còn mang giá trị kinh tế, có khả
năng tạo ra lợi nhuận và sinh kế cho cộng đồng. Do đó, bảo tồn một cách bền vững
và hiệu quả góp phần gia tăng giá trị của di sản văn hóa.
Trong
những năm qua, các giá trị văn hóa ở nước ta, nhất là các giá trị văn hóa truyền
thống, luôn được chú trọng bảo tồn và phát huy. Dù trải qua 2 năm bị ảnh hưởng
nặng nề từ đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, công tác bảo tồn và phát huy giá trị
văn hóa vẫn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước
có 23 di tích cấp quốc gia được xếp hạng, ghi danh 31 di sản văn hóa phi vật thể
vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngành văn hóa đã hoàn thiện hồ
sơ gửi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đề cử
di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng)
ghi danh vào Danh mục di sản thế giới; đưa Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử
(các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) vào danh sách dự kiến lập hồ sơ
di sản thế giới. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các phong tục, tập quán
tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh thông qua việc triển khai
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Công
tác xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được thúc đẩy với việc chú
trọng phẩm chất đạo đức, lối sống tốt đẹp và được triển khai với các chuẩn mực
cụ thể. Công tác gia đình được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương;
công tác phòng, chống bạo lực gia đình được đẩy mạnh; công tác tuyên truyền,
giáo dục đạo đức gia đình được tăng cường. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế
Hạnh phúc 20-3, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và Tháng hành động quốc gia về
phòng, chống bạo lực gia đình năm 2021 với chủ đề “Gia đình bình an - Xã hội
hạnh phúc”, Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam được
tổ chức thành công.
Các
chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa và biểu
diễn có thu được đánh giá cao. Xây dựng thương hiệu quốc gia của 5 ngành: Du lịch
văn hóa; điện ảnh; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; nghệ thuật biểu diễn; quảng
cáo.
Như
vậy, đánh giá một cách khách quan thì những kết quả trên đã thể hiện sự chủ động
thích ứng với những khó khăn của ngành văn hóa và toàn xã hội trong giai đoạn
hiện nay. Các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam có cơ hội vượt qua thách thức,
ngày càng hoàn thiện, chắt lọc các giá trị căn cốt làm nên bản sắc Việt Nam.
Qua đó, góp phần rèn giũa bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn con người Việt Nam trong
gian khó với tinh thần chung lưng đấu cật, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít
đùm lá rách nhiều”, tương thân, tương ái... Đó cũng chính là truyền thống quý
báu, là những trầm tích văn hóa luôn không ngừng được bồi đắp, trao truyền, tiếp
nối và thực hành trong đời sống xã hội qua các thế hệ của người dân Việt Nam.
Trước
những yêu cầu của thời kỳ mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan
điểm chỉ đạo “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”, “Khơi dậy mạnh mẽ tinh
thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và
khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ
nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người
Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. “Phát triển
con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc
dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động
lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp
văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất
để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng
phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con
người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của
đất nước... xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh...
Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” và
“Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: ... giữa tăng trưởng kinh
tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”.
Bên
cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống phải được bảo tồn và tích hợp với giá
trị của đời sống văn hóa mới, trên cơ sở phương châm làm cho con người ngày
càng tốt đẹp hơn, loại bỏ những yếu tố xấu và yếu tố lạc hậu. “Nền văn hóa mới
của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy
những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho
văn hóa mới phải sửa đổi cho được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải
làm sao cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”. Văn hóa không chỉ là tiếp thu
tinh hoa quá khứ, xử lý tốt mối quan hệ trong hiện tại, mà còn phải luôn hướng
tới nền văn hóa đích thực vì sự phát triển bền vững, vì hạnh phúc của con người./.
LXT-H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét