“Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” trước nỗi
đau của đồng loại, những nỗi buồn, sự bức xúc từ thời cuộc, nguyện vọng và nhu
cầu chính đáng của đồng chí, đồng đội và nhân dân là biểu hiện của căn bệnh suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
của một số cán bộ, đảng viên, gây mất niềm tin, uy tín, vị thế của của người
cách mạng, của Đảng trước nhân dân, cần phải nhận diện đúng và phê phán nghiêm
túc.
Biểu hiện của
căn bệnh “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” rất tinh vi, đa dạng, trên các lĩnh
vực của đời sống xã hội, không dễ gì phát hiện sớm vì nó được che đậy, giấu
kín; song, các dấu hiệu của chứng bệnh này khi phát tác, thường bộc lộ có thể
nhận biết là:
(1) Thái độ dửng
dưng, “đội mũ ni che tai”, không quan tâm đến các sự kiện, tin tức đang diễn ra
xung quanh, ở cơ quan, đơn vị, địa phương, đất nước và trên thế giới;
(2) Sống ích kỷ,
suy nghĩ hẹp hòi, chỉ quan tâm thu vén, bảo vệ, đề cao lợi ích cá nhân, tự tư,
tự lợi, sùng bái” “cái tôi”, thậm chí bị “nhúng chàm” tham ô, hủ hóa;
(3) Luôn châm
chích, kèn cựa, đố kỵ; tranh công, đỗ lỗi, không trung thực, có những hành vi
thiếu chuẩn mực văn hóa, thậm chí trái đạo lý, pháp lý;
(4) Làm việc
theo kiểu “nước chảy bèo trôi”, cầm chừng, “được chăng hay chớ” với thái dộ “lừng
khừng” theo kiểu “dân có cần nhưng quan không vội, dân có vội thì dân lội mà
sang”, “khó người dễ ta”, không hoàn thành nhiệm vụ, cản trở sự phát triển của
cơ quan, đơn vị;
(5) Nặng về lối
sống hưởng thụ, khép kín, làm việc, quan hệ, cư xử theo “tư duy nhiệm kỳ”, né
tránh để không phải nhận nhiệm vụ, thiếu quan tâm, bỏ bê công việc được giao hoặc
rơi vào trạng thái quan liêu, tham nhũng, lãng phí, v.v..
Căn bệnh “thờ ơ,
vô cảm, thiếu trách nhiệm” không tự nhiên đến mà diễn ra dần dần, theo một quá
trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thường thấy ở những cá nhân cán bộ, đảng
viên bất mãn, thoái chí, chậm tiến, không chịu rèn luyện phấn đấu vươn lên, kết
quả hoàn thành nhiệm vụ thấp nhưng không được cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan,
đơn vị phê bình nghiêm khắc, giúp cán bộ, đảng viên tìm ra biện pháp khắc phục
hạn chế, khuyết điểm; thậm chí môi trường công tác, rèn luyện, phấn đấu là tổ
chức đảng, cơ quan, đơn vị không tốt, mất đoàn kết; cấp ủy, cán bộ chủ trì, người
đứng đầu thiếu gương mẫu, không kiên quyết, thiếu biện pháp giáo dục. Vì vậy,
khi xem xét nguyên nhân nảy sinh căn bênh “thơ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” của
cán bộ, đảng viên cần gắn với việc xem xét, đánh giá vai trò của cấp ủy, cán bộ
chủ trì, người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
Tác hại, hê lụy
và nguyên nhân
Tác hại của căn
bệnh “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” ở những cán bộ, đảng viên mắc căn bệnh
này là rất lớn, rất đáng trách, phải lên án và xử lý nghiêm khắc theo kỷ luật Đảng,
pháp luật của Nhà nước. Bởi khi mắc căn bệnh hiểm nghèo này, nó có thể “giết
chết cán bộ”, hủy hoại hạnh phúc gia đình, gây tổn thất nặng nề cho cơ quan,
đơn vị; tước đi sự nhiệt tình, hăng hái, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; làm
mất niềm tin của đồng chí, đồng đội, của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế
độ.
“Thờ ơ, vô cảm,
thiếu trách nhiệm” là căn bệnh hiểm nghèo từng phút từng giờ gậm nhấm, phá hoại
mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước và giữa Đảng, Nhà nước với
nhân dân. Cán bộ, đảng viên mắc căn bệnh này là tự mình rèn dao “đâm vào
trái tim mình”, chặt đứt sợi dây gắn bó cán bộ, đảng viên với quần chúng, với
cơ quan, đơn vị, là tự gạt mình đứng sang phía đối lập, chống lại Đảng, Nhà nước;
tiếp tay cho việc làm sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản
động. Không những thế, căn bệnh này còn tạo ra “ung nhọt” âm thầm, lặng lẽ phá
hoại mối đoàn kết nội bộ, sinh ra những rắc rối, mâu thuẫn, bất đồng, nghi kỵ lẫn
nhau, dẫn đến “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”, phân hóa cán bộ, đảng viên, quần
chúng trong nội bộ cơ quan, đơn vị, hệ lụy của nó là cản trở việc công, ảnh hưởng
nhiêm trọng đến chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ, sự phát triển của bản
thân cán bộ, đảng viên và cơ quan, đơn vị.
Hơn thế nữa, nó
gây ra hậu quả khôn lường làm suy giảm uy tín, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản
lý, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu quả điều hành, quản lý của cơ quan nhà
nước và các tổ chức chính trị – xã hội; làm cho chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy định, quy chế của địa phương bị làm
sai, thậm chí không được triển khai, không đi vào quần chúng. Những cán bộ, đảng
viên mắc căn bệnh này, đương nhiên không còn giữ được phẩm chất nhân cách, đạo
đức người cách mạng, cạn tình, hết nghĩa thương yêu, không thể “chia bùi sẻ ngoạt”,
giúp đỡ đồng chí, đồng đội lúc khó khăn, hoạn nạn, gian nan; không còn tình người,
sự thấu hiểu, “đồng cam cộng khổ”, “thương người như thể thương thân”, “bầu ơ
thương lấy bí cùng”, “chung sức đồng lòng” vì người, vì công việc, vì nhiệm vụ.
Có thể khẳng định tác hại của căn bệnh này chẳng khác gì sự phá hoại của một loại
“sâu mọt đục khoét thân cây”, lây lan ra rừng cây; làm cho nhiều cây bị “héo
mòn”, sớm hay muộn sẽ đổ. Điều tai hại ấy, buộc người ta phải “chặt cành để cứu
cây”, “dọn cây sâu để cứu cánh rừng”.
Chúng ta, những
cán bộ, đảng viên, những công dân chân chính không thể dung thứ, tha thứ, chấp
nhận những biểu hiện, thái độ, hành vi, việc làm sai trái cả về đạo lý và pháp
lý của những người mang danh “cán bộ, đảng viên”, “công chức, viên chức” Nhà nước
để gây bệnh, truyền nhiễm bệnh “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm”, hủy hoại
mình và phá nát tập thể, gây hại cho người khác, phải có biện pháp mạnh để đào
thải, loại họ ra khỏi đội ngũ.
Vì sao một số
cán bộ, đảng viên “có chức, có quyền”, “có công trạng, đóng góp lớn cho Đảng,
cho dân” lại mắc căn bệnh ác tính này” Để bị lây nhiễm và mắc căn bệnh ác tính
này do nhiều nguyên nhân. Song, nguyên nhân sâu sa là những cán bộ, đảng viên mắc
bệnh đã biến chất, thoái hóa; bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống; không còn “chất đảng viên cộng sản”, tự gạch tên mình khỏi đội ngũ do
không quan tâm đến chính trị, lười đọc sách, ngại nghiên cứu, trốn tránh học lập
lý luận chính trị, đạo đức, pháp luật; xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và
coi thường nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bị
“khô đảng, nhạt đoàn”, thờ ơ với các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,
quốc phòng, an ninh và đối ngoại đang diễn ra trên đất nước ta. Vì lẽ đó,
thiếu tôn trọng các văn bản, nghị quyết, chỉ thị, quy định và nó không có ý
nghĩa gì đối với loại cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, biến chất. Những người
này đã lợi dụng đội lốt “cán bộ, đảng viên” để dễ bề thu vén lợi ích cá nhân,
chọn cơ hội tránh đối đầu, đỡ va chạm với sự bịa đặt nhiều lý do để thoái thác
nhiệm vụ, sống với triết lý thực dụng “dĩ hòa vi quý”, “người không đụng đến
ta, ta không đụng đến người”; thấy cái hay, cái tốt không động viên, cỗ vũ, bảo
vệ; thấy cái xấu, tiêu cực không đấu tranh, thậm chí còn “đổ dầu vào lửa”, gây
ra biển lửa, đốt rừng…
Định hướng giải
pháp phòng, chống
Rõ ràng, “thờ
ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” là những đặc tính xấu của một số cán bộ, đảng
viên. Nó là một loại vi rút mang căn bệnh nan y, “dễ lây nhiễm”, khó trị nhưng
không phải hết đường cứu chữa nếu cán bộ, đảng viên bị mắc bệnh thức tỉnh, muốn
được trị bệnh cứu người và mong muốn tổ chức vào cuộc, bản thân quyết tâm cắt bỏ
“ung nhọt”, triệt phá căn bệnh này tận gốc. Đây là việc làm cấp bách cần phải
tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, trong đó cần tập trung vào các biện
pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, tăng
cường và đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục chính trị gắn với giáo dục đạo đức,
pháp luật, kết hợp chặt chẽ với giáo dục lịch sử truyền thống, giáo dục quốc
phòng an ninh, làm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục
tiêu, lý lưởng chiến đấu, lẽ sống của người cách mạng, thấy rõ vị trí, vai trò,
trách nhiệm nêu gương, tư cách của người cán bộ, đảng viên cộng sản, người cách
mạng trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; thấm nhuần sâu sắc và thực hiện đúng, hiệu
quả quan điểm của Đảng: tin dân, trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với
nhân dân, học dân, dựa vào dân, gắn bó, giúp đỡ nhân dân trên tinh thần quán
triệt và thực hiện tốt phương châm”: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra,
dân giám sát, dân thụ hưởng”, khắc phụ bệnh xã dân. Nhờ đó, làm cho mỗi
cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cảm nhận, thông hiểu, biết đau với cái đau của nhân
dân, nhất là những đau thương, mất mát trong cuộc đấu tranh phòng, chống dịch bệnh
Covid-19, lũ lụt, thiên tai; quan tâm, chăm lo đến sức khỏe, sinh mệnh và đời sống,
miếng cơm, manh áo, viên thuốc uống hằng ngày của người dân; gần gũi, cảm
thông, chia sẻ với người dân gặp khó khăn, hoạn nạn; có biện pháp giúp dân xóa
đói giảm nghèo, vượt qua dịch bệnh hiệu quả nhất; không để ai tụt lại phía sau;
Thứ hai, quán
triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01-KL/TW ngày 25-10-2021
của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống
chính trị; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm gắn
với thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 về tiếp tục thực hiện
Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục học tập, làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đề cao tinh thần nêu gương, sự mẫu mực
“miệng nói tay làm” của cán bộ, đảng viên; làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ
chính trị nội bộ; không để cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đến mức phải xử lý
hành chính và pháp luật.
Thứ ba, nâng
cao hơn nữa danh hiệu đảng viên gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng,
rèn luyện cán bộ, đảng viên về mọi mặt, nhất là rèn luyện về lập trường, quan
điểm chính trị, phẩm chất đạo đức, nhân cách, tư cách người cán bộ, đảng viên để
họ thật sự là “đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, xứng đáng là “công bộc của
nhân dân”. Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc công tác tự phê bình và phê
bình trong Đảng, phải coi đó là “công việc rửa mặt hằng ngày”; công khai đánh
giá, nhận xét, phân loại cán bộ, đảng viên; kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những
người không đủ tư cách, thoái hóa, biến chất, làm trong sạch, lành mạnh cơ thể
Đảng.
Thứ tư, tăng
cường công tác tuyên truyền, nêu gương người tốt việc tốt; lan tỏa các tấm
gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, tấm gương Bác
Hồ, những tấm gương “bình dị mà cao quý”, “người tử tế” trong cộng đồng; làm tốt
hơn nữa công tác thi đua – khen thưởng, kỷ luật, tạo sự động viên, khích lệ
những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có thành tích điển hình và
xem xét, kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của
Nhà nước. Kiên quyết không để những cán bộ, đảng viên không đủ tiêu chuẩn, sa
sút về phẩm chất đạo đức và năng lực giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, “đưa họ
sang một bên để người khác làm”.
Thứ năm, các
cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị tùy theo chức năng, nhiệm vụ của
mình tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện
cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, đảng viên, tạo mọi điều kiện
thuận lợi để họ tiến bộ, trưởng thành; tích cực tham gia hoạt động cách mạng
với hiệu quả cao nhất trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước, góp phần xây dựng,
chính đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đây là những biện
pháp tích cực phòng ngừa “từ sớm, từ xa” căn bệnh “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách
nhiệm”, thiết thực giúp cán bộ, đảng viên vừa tiến bộ, trưởng thành, có nhiều cống
hiến cho Đảng, cho nước, cho nhân dân; vừa phòng tránh được căn bệnh “thờ ơ, vô
cảm, thiếu trách nhiệm”, giúp họ có hệ quy chiếu chuẩn mực để xem xét, đánh giá
quá trình phấn đấu. Qua đó, tạo được hệ miễn dịch các loại vi rút gây ra căn bệnh
hiểm ác này. Đây cũng là biện pháp giúp cán bộ, đảng viện “tự soi tự sửa”, luôn
hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao
phó, xứng đáng là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”./.
THH - LGH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét