Tiêu cực là để chỉ những hiện tượng không
lành mạnh, có tác dụng phủ định, cản trở, không tốt đối với quá trình phát triển
của xã hội; tiêu cực là trái với tích cực.
Tiêu cực thường được sử dụng dưới dạng: Hiện
tượng tiêu cực, không lành mạnh; nảy sinh tiêu cực; đấu tranh chống tiêu cực...
Tiêu cực có nguồn gốc sâu xa từ chủ nghĩa cá nhân, là con đẻ của chủ nghĩa cá
nhân. Để thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng "là đạo đức, là
văn minh", xứng đáng với vai trò tiền phong, thì phòng và chống các biểu
hiện tiêu cực là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên của Đảng cầm quyền.
Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập
không lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những biểu hiện tiêu cực
của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại các cơ quan công quyền, như: “Óc bè phái. Ai
hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không
hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe. Đó
là một khuyết điểm rất có hại. Nó làm cho đoàn thể mất cán bộ, kém nhất trí,
thường hỏng việc. Đó là một chứng bệnh rất nguy hiểm”; “Óc hẹp hòi-Ở trong Đảng
thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. Ở ngoài Đảng thì
khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà
không biết liên lạc hợp tác với những người có đạo đức tài năng ở ngoài Đảng”;
"Óc quân phiệt quan liêu. Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông vua
con ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với
cấp dưới cậy quyền lấn áp"; "Ích kỷ, hủ hóa...".
Phòng và chống các biểu hiện tiêu cực theo
chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đó còn là những biểu hiện thể hiện rõ tư
tưởng cá nhân chủ nghĩa, như: "Bệnh tị nạnh-Cái gì cũng muốn “bình đẳng”...
Bệnh này sinh ra vì hiểu lầm hai chữ bình đẳng; “Bệnh kiêu ngạo-Tự cao, tự đại,
ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến
người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai
cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta
phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác”; “Bệnh hiếu danh-Tự cho mình
là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng
làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay... Chỉ ham làm chủ
tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực”; "Bệnh cận thị-Không
trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những
việc tỉ mỉ... chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn";
"Bệnh "cá nhân"... Không theo nguyên tắc sinh hoạt của Đảng...
Không phục tùng mệnh lệnh, không tuân theo kỷ luật. Cứ làm theo ý mình..."
Bên cạnh đó, "Bệnh xu nịnh, a dua-Lại có những người trước mặt thì ai cũng
tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi.
Theo gió bẻ buồm, không có khí khái"; “Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất
nguy hiểm nữa. Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu
cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn
nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là
dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất
tai hại cho Đảng”... Những cán bộ, đảng viên mang trong mình các biểu hiện tiêu
cực, các tật bệnh xấu này chính là những người suy thoái về phẩm chất đạo đức,
lối sống, “hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc
là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến
Chính phủ và Đoàn thể”.
Có thể nói, những biểu hiện tiêu cực, sự
suy thoái mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra ở trên đều là "con đẻ" của
chủ nghĩa cá nhân; không chỉ phản ánh sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt của
người cán bộ, đảng viên mà còn là "kẻ địch nội xâm", kẻ thù của người
cách mạng. Những cán bộ, đảng viên có suy nghĩ và hành động tiêu cực này là những
người không chỉ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi
thường tập thể, độc đoán, chuyên quyền, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật mà còn
coi thường công tác dân vận (không lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân,
ngày càng rời xa quần chúng, làm trái ngược nguyên tắc phải gắn bó mật thiết với
nhân dân.
Do đó, mỗi cán bộ đảng viên phải luôn chăm
lo tu dưỡng rèn luyện bản thân theo tinh thần các Nghị quyết, chỉ thị, quy định
của Đảng nói chung, về học tập lý luận chính trị nói riêng trên tinh thần gắn
lý luận với thực tiễn. Thông qua quá trình đó, mỗi người tự soi, tự sửa, tự rèn
luyện mình theo 3 chuẩn mực và nêu gương về đạo đức cách mạng: “Tự mình phải”,
“Đối với người phải”, “làm việc phải” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong
tác phẩm Đường Kách mệnh, năm 1927. Trong triển khai thực hiện, chú trọng nguyên
tắc “trên trước, dưới sau”, "trong trước, ngoài sau"; coi đó là việc
làm thường xuyên, liên tục, nền nếp, là nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng
viên gắn liền với tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát. Có như vậy thì
cán bộ đảng viên mới luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao./.
HGL-H8
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét