Sinh thời, khi
nói về tinh thần trách nhiệm Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Tinh thần trách
nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ
to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi,
đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho
có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, vv… là không có
tinh thần trách nhiệm"[1].
Đó là lời của
Bác Hồ trong Bài viết về "Tinh thần trách nhiệm" được đăng trên Báo
Nhân dân số 36, ngày 13 tháng 12 năm 1951. Đây là năm đầu thực hiện đường lối
kháng chiến "toàn dân, toàn diện, trường kỳ và nhất định thắng lợi" của
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đề ra, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có
một số biểu hiện tư tưởng thiếu cố gắng, làm chưa hết chức trách, nhiệm vụ, nói
nhiều, làm ít; làm chưa đến nơi, đến chốn…, để kịp thời đấu tranh, khắc phục và
làm cơ sở cho các tổ chức học tập, chỉnh đốn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết
về tinh thần trách nhiệm.
Thực hiện lời
chỉnh huấn của Bác, trong thời điểm ấy, các tổ chức đảng đã tập trung tuyên
truyền, giáo dục nâng cao tinh thần cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; nắm
chắc tình hình, nhiệm vụ, chủ động khắc phục khó khăn, đoàn kết gắn bó với nhân
dân, thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao
phó, tạo tiền đề huy động sức mạnh của toàn dân tộc tích cực tham gia kháng chiến
chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ năm
1954.
Trong tình
hình hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu ngày càng
cao; đại đa số cán bộ đảng viên và quần chúng đều nêu cao vai trò trách nhiệm,
thực hiện nghiêm quy định, quy chế làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị; luôn
thể hiện rõ tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, tâm huyết, tận tụy với công
việc. Cán bộ, chiến sĩ tích cực, tự giác trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu,
rèn luyện, chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật; chủ động, sáng tạo, không ngại
khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao. Tuy
nhiên, cũng còn một số cán bộ đảng viên, quần chúng có biểu hiện trốn tránh
trách nhiệm, bớt xén giờ giấc, làm không đúng quyền hạn, chức trách, nói nhiều,
làm ít; làm qua loa chiếu lệ… Đòi hỏi việc học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy về
"Tinh thần trách nhiệm" không chỉ là yêu cầu, trách nhiệm chính trị đối
với mọi cán bộ, đảng viên, mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với mọi tổ chức, cá
nhân và mọi công dân yêu nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
HAT-H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét