Pages - Menu

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

“SỐNG ẢO...CÙNG SUY NGẪM VÀ HÀNH ĐỘNG!”

 

Vấn đề sống ảo của giới trẻ hiện nay đang làm cho chúng ta trở nên thụ động. Giới trẻ nghiện sống ảo, không thích sống với thế giới thật? Tại sao?

Thực tế hiện tượng sống ảo của giới trẻ hiện nay

Thế hệ trẻ ngày nay bị bủa vây bởi rất nhiều loại thông tin, như vậy họ sẽ cần có bộ lọc tin. Khi tin tức nhiều, những người có tri thức hoặc những người có văn hóa cao sẽ biết chọn lọc thông tin cần để thu nạp. Nhưng nhiều bạn trẻ chưa có văn hóa nền cần thiết, chưa có phông văn hóa lớn thì không lọc được, bạ cái gì cũng “nhét” vào người. Phải thừa nhận rằng, mạng xã hội, tin giật gân… tất cả những điều đó tác động không nhỏ đến người trẻ.

Giới trẻ thích sống ảo hơn sống thực.

Dễ dàng nhận thấy hiện tượng sống ảo và giới trẻ hiện nay qua hình ảnh những đứa trẻ gán mắt suốt vào điện thoại hay máy vi tính. Nếu như ngày xưa bọn trẻ thường tụ tập nhau để chơi đùa với nhau ở xóm làng thì ngày nay, cho dù ở gần nhau chúng cũng cảm thấy xa lạ và không có tình cảm gắn bó với nhau nữa. Chủ đề trò chuyện của chúng không còn là những con siêu nhân, búp bê, đồ chơi đẹp mà thay đó bằng những trò chơi game đang rầm rộ trên mạng xã hội. Sống ảo và giới trẻ hiện nay còn trầm trọng hơn, độ tuổi trên 18 càng bị lún sâu hơn vào tình trạng này.

Sống ảo và giới trẻ hiện nay là sống không thực với hiện tại, luôn có những suy nghĩ, ý tưởng dựa vào những gì xa vời mà internet mang lại. Internet ra đời nhằm mục đích giúp con người nắm bắt thông tin dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do sự lạm dụng quá mức khiến chúng ngày càng trở nên tiêu cực, mất đi giá trị thật sự ban đầu. Có thể thấy điển hình là triệu chứng nghiện Facebook, zalo, viber, youtube… và những trò chơi games.

Thực sự nhiều bạn trẻ hiện nay đang mất định hướng, thiếu lý tưởng sống… do nhiều nguyên nhân. Hiện nay nhiều gia đình buông rơi con cái vì mải mê kiếm tiền, nhà trường thì nặng về dạy kiến thức mà quên đi dạy trẻ văn hóa ứng xử, những giá trị sống thực sự. Con người không ai sống bằng thế giới ảo được mà chúng ta phải sống trong thế giới thật. Muốn thay đổi điều đó thì vấn đề là văn hóa. Đây chính là văn hóa ứng xử. Con người phải ứng xử đúng mực với cuộc sống và cái này thì chúng ta phải giáo dục cho thanh niên hôm nay.

Hậu quả khôn lường đến từ thế giới ảo

Đáng lo ngại là đang có sự đánh đồng giữa nổi tiếng và tai tiếng đã khiến cho nhiều bạn trẻ ngày càng sa đà trong cuộc sống. Có những người nghĩ là mình nổi tiếng vì mình đã trở thành một người được facebook, zalo… tung hô. Bây giờ muốn nổi tiếng bạn trẻ chỉ cần có tiền chi cho các công ty hoặc gây xi-căng-đan thì cũng sẽ được “nổi tiếng”. Tưởng là nổi tiếng nhưng đó thực sự là tai tiếng.

Sống ảo của giới trẻ hiện nay còn khiến cho con người trở nên vô cảm. Những bạn trẻ thường thể hiện tình thương cha mẹ, sự động cảm với những mảnh đời bất hạnh của người nghèo, những đứa trẻ mồ côi hay những con vật đáng thương chỉ bằng hình ảnh like và share.  Chỉ vậy thôi các bạn trẻ vỗ ngực cho rằng mình biết yêu thương người khác. Hoặc “ Ai like và chia sẻ ảnh này thì sẽ may mắn cả tuần”, bên dưới là hình ảnh của vị Phật, Bồ Tát. Thế là hàng ngàn người cứ share ầm ầm lên để mong có sự may mắn. Sống ảo hóa ra là dị đoan, khiến chúng ta mù quáng trước mọi thứ và ủng hộ những kẻ lạm dụng để câu like nhằm mục đích riêng.

Mạng xã hội đã tạo nên những “anh hùng bàn phím” thiếu văn hóa facebook, thiếu nhân văn… Hẳn chúng ta vẫn còn bàng hoàng về cô gái  13 tuổi ở Khánh Hòa câu like trên facebook rằng nếu được 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường. Không ngờ số like nhanh chóng vượt mức 1.000 và cô đã đốt trường trước sự hô hào, cổ vũ của bạn bè. Nhiều người cho rằng, một bộ phận giới trẻ hiện nay cần nhìn vào sự việc này để xem xét lại bản thân và điều chỉnh hành vi của mình một cách đúng đắn. Một lần nữa, những câu chuyện câu like bằng cách đốt trường hay tự thiêu nhảy cầu là hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ với giới trẻ mà tất cả những người đang sử dụng mạng xã hội hiện nay. Giới trẻ nên hiểu rằng, con người phải sống trong thế giới thật, với những giá trị thật, chứ sống với những giá trị ảo là vô cùng nguy hiểm.

Cách khắc phục thói quen sống ảo của giới trẻ

Không thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội, nhưng sự lạm dụng thoái hóa sẽ dần giết chết tuổi trẻ của chúng ta. Cách khắc phục sống ảo là hãy sống thực tế hiện tại mà nhà Phật gọi là tỉnh thức và sống trong chánh pháp. Hạn chế thời gian tham gia vào các trang mạng xã hội, tích cực hoạt động các sự kiện ngoài xã hội để tạo mối quan hệ và trao đồi kỹ năng sống. Gặp gỡ bạn bè, người thân để duy trì mối quan hệ, thể hiện sự quan tâm, thăm hỏi lẫn nhau, tạo niềm vui và sự gắn bó với nhau

Các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình cần quan tâm hơn nữa đến các bạn trẻ. Các tổ chức trong nhà trường cần phải tăng cường thông qua các hoạt động để học sinh nâng cao bản lĩnh trước những luồng thông tin trên mạng xã hội, khước từ những cám dỗ. Đặc biệt, cần tạo ra nhiều sân chơi thực tế hơn là môi trường ảo cho học sinh, sinh viên hiện nay. “Đối với sinh viên, học sinh trước khi làm một hành động nào đó phải suy nghĩ đến hậu quả và tránh a dua theo bạn bè. Chỉ có các mối quan hệ thực tế mới giúp cho các bạn trưởng thành và suy nghĩ thấu đáo hơn là các mối quan hệ ảo trên mạng

Sống ảo là hồi chuông cảnh báo cho những ai đang có hiện tượng nghiện mạng xã hội, đặc biệt là facebook. Nếu muốn tìm giá trị đích thực của cuộc sống, hãy rời bỏ ngay điện thoại, laptop và bước đi ra bên ngoài. Vì ở đó có những điều tốt đẹp đang chờ đón bạn./.

NQT-BC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét